Vậy sau ba năm được khai sinh trong hệ thống giáo dục quốc dân, mô hình trường chuyên biệt này đang được phát huy như thế nào?
Cái mới đến, buổi đầu trăn trở
Mô hình trường học bán trú dân nuôi được manh nha và hình thành từ năm 1986 tại xã Sủng Thài (Yên Minh, Hà Giang) và phát triển rộng khắp các tỉnh miền núi khó khăn.
Cha mẹ phải chặt cây làm lều, lán cho các em ở quanh trường, HS phải tay xách nách mang gạo, củi và sách vở đến trường tìm đến cái chữ.
Trong cuộc sống bán trú ngoài nhà trường, các em phải đối mặt với khó khăn về bữa ăn, nguy cơ xâm hại thân thể rình rập, bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội...
Đầu năm 2012 trong chuyến công tác tại huyện Mường Nhé (Điện Biên) tôi đã chứng kiến những khó khăn trong đời sống của học sinh bán trú (HSBT).
Trường Tiểu học Chung Chải tuy có trên 300 học sinh được hưởng chế độ bán trú, chiếm quá nửa quy mô học sinh toàn trường nhưng vẫn chưa thành lập được trường bán trú.
Lý do đơn giản là tại đây chưa có cơ sở vật chất phục vụ đời sống bán trú như: Nhà ở, bếp ăn... Học sinh ở đây phải ở trong mấy chục lều, lán dựng tạm bằng tre, nứa. Nhiều túp lều bị gió lớn thổi tốc mái. Bạt quây quanh tường không đủ che gió rét trong mùa đông và che mưa vào mùa hè.
Vào thời điểm này, nhà trường chưa đủ điều kiện tổ chức nấu ăn tập trung cho HS. Các em phải nấu ăn theo nhóm. Tiền hỗ trợ ăn bán trú theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg của Chính phủ, mỗi HSBT được hưởng 332 nghìn đồng/tháng (trước tháng 5/2012, lương tối thiểu vẫn là 830 nghìn đồng) do vậy bữa ăn của các em rất đạm bạc...
Đây là thực trạng chung của học sinh bán trú cả nước trong buổi đầu mới khai sinh loại hình trường chuyên biệt này.
Không để HS vì thiếu thốn mà bỏ học
Trong cái khó ló cái khôn, nhiều tỉnh đã có những sáng kiến hay được áp dụng trong công tác chăm lo đời sống cho HSBT. Tỉnh Điện Biên đã tích cực vận động người dân đưa con em mình chuyển từ các điểm trường lẻ thiếu thốn mọi bề đến học ở trường trung tâm xã để có điều kiện học tập tốt hơn.
Tại đây HSBT được hưởng những điều kiện ăn, ở bán trú tốt hơn, các hoạt động giáo dục chất lượng hơn và hơn hết là sinh hoạt trong đời sống bán trú các em được bảo vệ an toàn hơn.
Thiếu nhà bán trú cho học sinh, Điện Biên đã khắc phục bằng sáng kiến: Nhà trường và chính quyền địa phương vận động nhân dân cùng xây dựng nhà “3 cứng” cho HSBT. Theo phương thức này nhà “3 cứng” được đảm bảo mái cứng, khung cứng và nền cứng.
Tại tỉnh Yên Bái có mô hình “Kho thóc khuyến học” ở huyện Trạm Tấu. Bà Lê Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu - chia sẻ:
Manh nha từ năm 2011, xã Trạm Tấu đã phát động mỗi hộ trong xã góp 15 kg thóc/năm ủng hộ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại trường PTDTBT Tiểu học và THCS Trạm Tấu.
Từ phong trào này đã thu được kết quả khá tốt. Thóc thu được chia ra nấu cơm cho các em, số tiền hỗ trợ ăn bán trú dành mua thực phẩm để nâng cao chất lượng dinh dưỡng bữa ăn.
Năm học 2012 – 2013, mô hình được nhân rộng ra toàn huyện. Riêng “Kho thóc khuyến học” huyện Trạm Tấu đã thu được gần 18 tấn thóc và 180 triệu đồng tiền mặt.
Số thóc và tiền này đã góp phần không nhỏ vào cải thiện bữa ăn bán trú tại các trường PTDTBT trong toàn huyện Trạm Tấu.