Không để bị động

GD&TĐ - Ngoài thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh vào lớp 10 được coi là kỳ thi quy mô và quan trọng nhất trong học năm học tại địa phương.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Kỳ thi này, Bộ GD&ĐT quy định chung 3 phương thức: Xét tuyển (dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của 4 năm học ở THCS của đối tượng tuyển sinh); thi tuyển; kết hợp thi tuyển với xét tuyển. UBND cấp tỉnh tùy tình hình thực tế địa phương có trách nhiệm chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào THPT ở địa phương mình cho phù hợp.

Vốn đã thành nếp, làm quen tay, nhiều năm nay, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đã được các địa phương tổ chức nghiêm túc, bài bản với phương thức thi tuyển được lựa chọn đa số. Thông thường, phương án tuyển sinh được địa phương công bố vào khoảng tháng 2, tháng 3; thời gian thi thường vào tháng 6 hằng năm. Với những địa phương thi tuyển, 2 môn thi “cứng” luôn được lựa chọn là Toán, Ngữ văn; môn thi thứ 3 (hoặc môn thứ 4 ở một số địa phương) được công bố trước khoảng 3 - 4 tháng trước kỳ thi.

Tuy nhiên, cũng giống như các hoạt động giáo dục khác, dịch bệnh Covid-19 đã làm xáo trộn kỳ thi này ở không ít địa phương. Năm 2021, nhiều nơi phải thay đổi lịch thi (chủ yếu là lùi thời gian thi), thậm chí cả phương thức thi để phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Một số nơi, học sinh, phụ huynh phải trải qua những ngày chờ đợi căng thẳng do dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, mãi đến đầu tháng 8/2021, UBND Thành phố mới có quyết định về việc tuyển sinh lớp 10 năm học 2021 - 2022; phương án được đưa ra là thực hiện xét tuyển với cả hệ thường và hệ chuyên…

Sự bị động trước dịch bệnh trong kỳ thi vào lớp 10 năm vừa qua là khó có thể phủ nhận. Tuyển sinh đầu cấp là mốc thời gian quan trọng; mốc thời gian này thay đổi sẽ kéo theo nhiều thay đổi khác, ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch thời gian năm học. Có lẽ từ bài học của năm 2021, một số địa phương đã lên phương án cho kỳ thi vào lớp 10 năm học 2022 - 2023 khá sớm.

Điều đáng nói là có vẻ phương án xét tuyển đã được tính đến nhiều hơn. Đơn cử như Đắk Lắk, ngày 30/11/2021, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm tới. Theo đó, chỉ thi tuyển với các trường THPT chuyên biệt; còn lại thực hiện xét tuyển với các trường THPT công lập khác. Đồng Tháp cũng đã phê duyệt phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm 2022 - 2023 vào ngày 11/12 vừa qua. Sau nhiều năm thực hiện thi tuyển, địa phương này quyết định áp dụng phương thức xét tuyển cho tất cả trường THPT, THCS - THPT trong tỉnh.

Phương án tuyển sinh vào 10 của Kon Tum, Phú Thọ cũng được dự thảo để trình lên UBND phê duyệt. Ngoài ra, lãnh đạo một số sở GD&ĐT chia sẻ thông tin đã dự kiến phương án tuyển sinh vào lớp 10, trong đó tính đến cả thi tuyển và xét tuyển; sau đó tùy tình hình dịch bệnh sẽ trình UBND tỉnh phương án phù hợp…

Có kế hoạch và công bố phương án sớm, tính kỹ các khả năng có thể xảy ra để nhà trường, thầy cô, học sinh có thời gian chuẩn bị, học sinh ổn định tâm lý trước kỳ thi quan trọng là vô cùng cần thiết. Tin rằng, các địa phương sẽ làm được việc này và chuyển sang thế chủ động trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ