Vì người học
Cô Nguyễn Khánh Vân, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Ba Đình, Hà Nội) có con năm nay thi vào lớp 10 tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi. Với vai trò là phụ huynh, cô Vân trải qua cảm xúc lo lắng, hồi hộp khi đưa con đến trường thi, đợi con tan giờ thi; đồng thời cũng đầy xúc động khi thấy các sĩ tử, trong đó có con mình được chăm chút, yêu thương.
“Tôi đưa con tôi đến điểm thi trước cơn mưa lớn đúng 5 phút, nhưng không phải bạn nào cũng may mắn như thế. Tôi đã tận mắt chứng kiến những bạn nhỏ đến sau ướt sũng dù có mặc áo mưa. Tôi cũng thấy nhiều phụ huynh lo đến rơi nước mắt vì nhà xa, về lấy áo quần cho con sẽ mất nhiều thời gian, con sẽ bị ngấm lạnh, ít nhất cũng ảnh hưởng đến tinh thần làm bài. Nên, thực sự xúc động khi nhà trường khẩn cấp lấy trong kho toàn bộ quần áo đồng phục dự phòng, thậm chí cả áo phông của thầy cô ở điểm thi để các con có trang phục khô thay khẩn cấp. Trường “hàng xóm” là THCS Giảng Võ cũng nhanh chóng đưa sang 1 xe đồng phục để hỗ trợ thí sinh (TS)” - cô Khánh Vân kể lại.
Nhận định từ các thầy cô trong Hội đồng thi, đến anh chị thanh niên tình nguyện, chiến sĩ công an làm nhiệm vụ vòng ngoài... đều tạo điều kiện tốt nhất cho TS, cô Vân cho rằng: Những hỗ trợ kịp thời của mọi lực lượng giúp các con tự tin, vững vàng hơn khi làm bài. “Trong tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, tôi hiểu rằng kỳ thi được tổ chức đồng bộ, thống nhất, nghiêm túc trên toàn thành phố là nỗ lực to lớn của ngành Giáo dục Thủ đô. Kỳ thi vào 10 đã bảo đảm an toàn về mặt phòng dịch, từ khâu chuẩn bị cho tới hoạt động thực tế ở các trường thi” - cô Khánh Vân nhận định,
Với cô Phạm Thị Bích Thủy, giáo viên Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội), kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay đặc biệt nhất trong hơn 30 năm dạy học. Năm trước, thầy trò cũng phải tạm dừng đến trường, học trực tuyến; nhưng đến tháng 5, HS còn được học trực tiếp hơn 1 tháng trước kỳ thi. Năm nay, thầy trò hoàn toàn phải ôn thi trực tuyến trong giai đoạn nước rút.
Ban đầu có lo lắng, hoang mang, nhưng nhà trường chủ trương không gây áp lực cho trò mà động viên, khích lệ từng sự cố gắng của các em, dù một số lần kết quả kiểm tra, thi thử còn chưa đạt. Phấn đấu để mỗi tiết ôn tập vốn khá nặng nề thành nhẹ nhàng, vui vẻ. Gần ngày thi, thời gian làm bài thay đổi theo hướng rút ngắn lại. Thầy cô đã suy nghĩ, tính toán các tình huống có thể xảy ra trong đề, quá trình trò làm bài, ghi lại những dặn dò thiết thực nhất gửi phụ huynh, học trò trước ngày thi.
Là Phó Trưởng điểm thi tại Trường THPT Kim Liên, cô Hoàng Thị Yến cũng cho biết kỳ thi năm nay là trải nghiệm vô cùng khó quên. “Tại điểm thi tôi làm nhiệm vụ, mọi công việc được chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc, làm sao để kỳ thi nghiêm cẩn, lại bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh (HS), cán bộ làm thi trong điều kiện dịch bệnh phức tạp”.
Chia sẻ điều này, theo cô Hoàng Thị Yến, mọi lực lượng làm thi đều luôn trong tâm thế hỗ trợ tốt nhất cho TS. Điểm thi nào cũng có lực lượng y tế đo thân nhiệt, thanh niên tình nguyện hướng dẫn TS, che ô dẫn từng em vào điểm thi giữa trời mưa như trút; sẵn sàng chở TS nhầm địa điểm đến đúng điểm thi kịp giờ… “Bởi vậy khi đó chúng tôi vững tâm vì học trò của mình cũng được chăm lo chu đáo ở các điểm thi khác” - cô Yến cho hay.
Bài học kinh nghiệm
Tác nghiệp tại nhiều điểm thi, nhà báo Đặng Chung, Báo Lao động đã chứng kiến những hình ảnh vô cùng xúc động. Đó là hình ảnh ông nội cầm ô ngóng chờ cháu, mẹ nhẫn nại chờ con dưới mưa, những cái ôm, đập tay, hay lời chúc và cả những ánh mắt dõi theo từng bước chân sĩ tử vào cổng trường… Rồi hình ảnh màu áo xanh của các tình nguyện viên, chiến sĩ công an, thầm lặng đội mưa, chịu ướt nhường ô cho TS vào thi; dù mệt nhưng vẫn cười rạng rỡ.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn trong điều kiện dịch bệnh, diễn biến bất thường của thời tiết, nhưng với sự quyết tâm của TS, đồng hành của phụ huynh và sự vào cuộc với trách nhiệm cao của các cơ quan, ban, ngành, kỳ thi đã diễn ra thành công, hoàn thành mục tiêu kép: Bảo đảm an toàn phòng dịch; nghiêm túc, đúng quy chế. Nhà báo Phạm Thu Hà, Báo Quân đội Nhân dân cũng nhận định kỳ thi đã thành công với sự đồng lòng, quyết tâm cao độ của các lực lượng; với sự đoàn kết, thấu hiểu nhiệm vụ của mỗi người, cũng như những chia sẻ đầy tính nhân văn…
Là chuyên gia giáo dục theo dõi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội, TS Nguyễn Văn Cường (ĐH Potsdam, CHLB Đức) cũng nhận định đây là kỳ thi thành công trong bối cảnh đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thời tiết mưa bão. Trong đó, thành công đáng nói nhất ở chỗ: Kỳ thi đã được tổ chức an toàn, vừa đáp ứng yêu cầu tuyển chọn công bằng, minh bạch của một kỳ thi tuyển sinh, vừa bảo đảm quyền lợi cho những HS bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
“Kỳ thi này có thể là kinh nghiệm tốt cho các địa phương trong cả nước trong việc tổ chức thi hoặc tuyển chọn HS vào lớp 10”. Nhấn mạnh điều này, TS Nguyễn Văn Cường cũng chia sẻ một số bài học có thể rút ra từ kinh nghiệm của Hà Nội. Đầu tiên là kết hợp các phương thức phù hợp, vừa bảo đảm tính công bằng, minh bạch của việc tuyển sinh; vừa đảm bảo quyền lợi của các nhóm TS F0, F1, F2 do điều kiện dịch bệnh.
Cùng với đó, khi quyết định tổ chức kỳ thi tuyển sinh, cần có quyết định phù hợp về thời điểm thi. Hiện, dịch bệnh Covid-19 có ở nhiều địa phương, tuy nhiên về cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát. Vì vậy, kỳ thi vẫn có thể thực hiện mà không nên quá lo ngại và trì hoãn không thời hạn. Việc rút ngắn thời gian làm bài cho mỗi môn thi để giảm số buổi thi; các tổ chức thi bảo đảm nghiêm túc các yêu cầu phòng dịch với sự hỗ trợ của nhiều lực lượng xã hội mà Hà Nội đã thực hiện cũng là kinh nghiệm với những địa phương chưa tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.