Không còn lựa chọn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Moscow tiếp tục nhấn mạnh quyết tâm đạt được các mục tiêu của mình bằng vũ lực.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cơ hội hòa bình trong cuộc xung đột Nga - Ukraine đang gần như không còn dù là nhỏ nhất, khi Moscow tuyên bố giải pháp quân sự vẫn là lựa chọn duy nhất hiện nay.

Thông điệp mới nhất của Nga được phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đưa ra ngày 30/3 khi khẳng định hiện không còn giải pháp chính trị hay ngoại giao nào khả thi đối với cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine. Moscow tiếp tục nhấn mạnh quyết tâm đạt được các mục tiêu của mình bằng vũ lực.

Quan điểm này cũng là ý chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin đề ra khi nước này bắt đầu chiến dịch quân sự hơn một năm trước. Sau khi chiến sự nổ ra, Nga từng nhiều lần bày tỏ sự sẵn sàng cho một giải pháp ngoại giao để giải quyết xung đột nhưng không thành công.

Nước này cáo buộc Ukraine và các đồng mình phương Tây cản trở nỗ lực ngoại giao với mong muốn Nga gặp phải “thất bại chiến lược”.

Trên thực tế, cánh cửa đàm phán đã đóng sập từ mùa Xuân năm 2022, khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố không tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào với Nga.

Tại thời điểm đó, các nỗ lực ngoại giao ban đầu nhằm giải quyết xung đột giữa hai nước đều đã thất bại. Ukraine đơn phương rút khỏi các cuộc đàm phán sau nhiều vòng thảo luận diễn ra ở Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau đó, giới chức Ukraine nhiều lần tuyên bố việc khôi phục đàm phán hòa bình chỉ có thể thực hiện nếu quân đội Nga rút khỏi “các vùng lãnh thổ chiếm đóng” của nước này.

Kiev cũng khẳng định sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến việc nhượng bộ lãnh thổ và sẽ giành lại tất cả các khu vực bị Nga kiểm soát, bao gồm cả bán đảo Crimea.

Hồi cuối tháng 9/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky còn chính thức tuyên bố không bao giờ đàm phán với người đồng cấp Nga Vladimir Putin chừng nào ông còn lãnh đạo nước Nga.

Ukraine kiên quyết theo đuổi mục tiêu giành chiến thắng quân sự trước Moscow và chỉ tiến hành đàm phán với “nhà lãnh đạo tương lai của Nga” không phải ông Putin.

Quan điểm cứng rắn này của Ukraine nhận được sự hậu thuẫn của các đồng minh châu Âu và Mỹ, thể hiện thông qua việc các nước liên tục tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine, từ vũ khí hạng nhẹ đến hạng nặng.

Cách tiếp cận cuộc xung đột này của Ukraine đã gặp quan điểm thậm chí còn cứng rắn hơn từ Nga như người phát ngôn Điện Kremlin đưa ra, khiến cuộc chiến hiện nay ở giai đoạn không có lối thoát.

Trong bối cảnh đó, người phát ngôn Điện Kremlin cũng không đưa ra bất kỳ ước tính nào về thời điểm cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev có thể kết thúc. Ông chỉ cho biết một cuộc xung đột rộng lớn hơn là “cuộc chiến hỗn hợp” giữa Nga và các đối thủ có thể sẽ kéo dài trong một thời gian tương đối lâu nữa.

Mục tiêu kiên định của Nga vẫn là yêu cầu Ukraine duy trì tình trạng trung lập, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa, từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO và EU, đồng thời xác nhận tình trạng phi hạt nhân hóa.

Nga cũng yêu cầu Kiev phải công nhận “thực tế lãnh thổ” mới trên thực địa liên quan đến việc sáp nhập 4 khu vực cũ của Ukraine là Kherson, Zaporizhia, Donetsk và Lugansk vào Nga sau cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức hồi tháng 9/2022 trước đó.

Với mục tiêu trái ngược từ cả hai phía này, những dự đoán lạc quan nhất về cuộc chiến dường như không còn cơ hội thành hiện thực và bóng ma của cuộc chiến tranh Nga - Ukraine sẽ còn tác động tiêu cực tới thế giới trong nhiều năm nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.