Thứ trưởng cho biết: Ngay khi nắm được thông tin, Bộ GD&ĐT và các đơn vị như Bộ Công an đã vào cuộc quyết liệt, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ cao nhất, các thiết bị công nghệ tốt nhất để làm rõ các sai phạm. Chẳng hạn tại Sơn la, các cơ quan chức năng đã mang các thiết bị hiện đại để khôi phục dữ liệu gốc trong các máy tính đã bị xóa phi tang dấu vết. Căn cứ vào kết quả điều tra của Bộ Công an, Bộ GD&ĐT sẽ có phương án xử lý phù hợp, đảm bảo công bằng.
Liên quan đến thẩm định, Bộ cũng đã yêu cầu các địa phương rà soát lại toàn bộ quy trình chấm và kết quả chấm thẩm định này được coi là kết quả cuối cùng. Phát hiện ra trường hợp nào sai phạm, địa phương sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị công an xử lý theo đúng quy định và đảm bảo công bằng cho thí sinh. Quan điểm là không có vùng cấm và xử lý nghiêm sai phạm (nếu có).
Đối với cá nhân vi phạm, ngoài các trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì theo phân cấp quản lý, các Sở GD&ĐT và UBND các tỉnh sẽ trực tiếp xử lý nghiêm.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát lại toàn bộ quy trình của Kỳ thi, từ khâu coi thi đến chấm thi, để ngày càng hoàn thiện và phù hợp hơn. Đồng thời nâng cao năng lực, đạo đức của cán bộ làm thi, bởi quy trình đúng mà còn người sai sẽ xảy ra sai phạm.
Bên cạnh đó, hệ thống phần mền cũng cần được hoàn thiện để ngăn chặn mọi ý đồ gian lận trong tương lai. Cùng với đó, có thể hướng tới công tác chấm thi theo cụm thi và chấm chéo theo các tỉnh để tránh tiêu cực, đảm bảo kết quả trung thực nhất, phản ánh đúng năng lực và đảm bảo công bằng cho thí sinh.