Cần tiếp tục duy trì Kỳ thi THPT quốc gia

GD&TĐ - “Với những kết quả mà Kỳ thi THPT quốc gia mang lại, trước mắt, ngành GD-ĐT cần tiếp tục duy trì Kỳ thi THPT quốc gia và rút kinh nghiệm, giám sát chặt chẽ quy trình chuẩn bị, ra đề, coi thi, chấm thi, không được chủ quan và không được giao phó toàn bộ cho các địa phương...” - PGS.TS Võ Văn Minh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) bày tỏ.

Quy chế và Kỳ thi THPT quốc gia thể hiện rõ sự chặt chẽ
Quy chế và Kỳ thi THPT quốc gia thể hiện rõ sự chặt chẽ

Nhìn nhận về công tác coi thi, đề thi năm 2018, PGS.TS Võ Văn Minh nhìn nhận: “Về công tác coi thi, nhìn chung công tác tổ chức coi thi năm nay không khác nhiều so với năm 2017. Việc điều động giảng viên của các trường đại học về tham gia coi thi tại các địa phương tương tự như năm 2017, đồng thời đã rút kinh nghiệm về những vấn đề bất cập, lúng túng của địa phương so với năm trước.

Về đề thi, theo đánh giá của các thầy cô chuyên môn, đề thi năm nay có sự phân hóa cao. Điều đó cũng đã được thể hiện ở kết quả thi với các phổ điểm đã được phân tích và công bố. Với việc phân hóa rõ về kết quả thi sẽ thuận lợi cho các trường đại học chọn được thí sinh có chất lượng đồng đều ở các thứ hạng khác nhau”.

"Hiện nay, có quan điểm cho rằng, nên bỏ kỳ thi “2 trong 1”. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, có sự cạnh tranh tuyển sinh của các trường đại học thì việc giao khoán cho tất cả các trường đại học cũng cần phải xem xét cẩn thận. Mặt khác, việc bỏ hẳn Kỳ thi THPT quốc gia cũng là một vấn đề cần lưu ý đến những hệ luỵ khác kèm theo".
 
PGS.TS Võ Văn Minh

PGS.TS Võ Văn Minh bày tỏ: “Sau khi có kết quả thi và đặc biệt xuất hiện các dấu hiệu bất thường ở Hà Giang, Sơn La, cơ quan chức năng đã vào cuộc và phát hiện có sai sót, tiêu cực. Đấy là điều thực sự đáng tiếc cho kỳ thi được tổ chức tốt như năm nay.

Về quan điểm cá nhân, tôi xin khẳng định quy định chấm thi về cơ bản rất chặt chẽ. Việc rà soát tất cả các Hội đồng thi một cách nghiêm túc và công bố cho toàn xã hội được biết là điều cần nên làm.

Cũng cần phải nói thêm rằng, sau khi rà soát xong cần biểu dương các cá nhân, các đơn vị làm tốt, làm đúng. Đồng thời phải nghiêm minh trừng trị nghiêm khắc với những đơn vị, cá nhân làm sai và đặc biệt cố tình làm sai. Phải xử lý thật nặng ở khung cao nhất với những người lợi dụng chức quyền để can thiệp vào kết quả thi”.

PGS.TS Võ Văn Minh chia sẻ: "Theo tôi trước mắt nên giao công tác thi và xét đủ điều kiện tốt nghiệp THPT cho các địa phương và có sự giám sát của các trường đại học và cơ quan chức năng. Tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực chuẩn quốc gia bậc THPT cho học sinh ở một số trung tâm khảo thí có uy tín.

Kết quả này sẽ là giấy thông hành cho thí sinh lựa chọn vào các trường đại học, cao đẳng nếu có nhu cầu. Việc tổ chức đánh giá có thể diễn ra quanh năm, không phải tập trung vào một mùa để đỡ áp lực cho xã hội và thí sinh. Ngoài ra, các trường có tính chất đặc thù hoặc phân hạng cao có thể xây dựng đề án tuyển sinh và tổ chức thi tuyển riêng để lựa chọn thí sinh”. 

“Tóm lại, mục đích của GD là phải hướng đến dạy thật, học thật và thi thật, mọi gian lận đều phi GD và phải bị trừng trị. Để đạt được một nền GD thật phải có quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, phải thực hiện đồng bộ và làm sao cho người dạy học yêu nghề dạy, người học yêu việc học, chuyện thi cử phải chính là việc tự kiểm tra năng lực bản thân. Tất cả được thực hiện nhẹ nhàng, không áp lực và cũng thật sự nghiêm túc”. PGS.TS Võ Văn Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ