Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng nhấn mạnh một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực giáo dục. Về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018 phát sinh tiêu cực tại một số địa phương, gây bức xúc dư luận, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng GD&ĐT phát biểu về vấn đề này, lưu ý tập trung vào các giải pháp xử lý, khắc phục; nhấn mạnh yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm.
Chính phủ đã dành cả ngày đầu tiên của phiên họp (ngày 31/7) cho công tác xây dựng pháp luật, trong đó đã nghe và thảo luận về: dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và một số dự án luật khác…
Phát biểu thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, các thành viên Chính phủ đề cập đến các nội dung về đổi mới phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục-đào tạo; đổi mới công tác quản lý giáo dục-đào tạo; chính sách học phí đối với học sinh ở các trường công lập và dân lập; tăng cường tự chủ đối với các cơ sở giáo dục-đào tạo; xây dựng Hội đồng trường;…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP |
Phát biểu kết luận về 2 dự án luật nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, giáo dục là vấn đề lớn, có liên quan đến các gia đình và toàn xã hội; là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Vì vậy, việc xây dựng 2 dự án luật này cần hết sức thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm các yêu cầu về tiến độ và chất lượng.
Đối với dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng dự án luật phải trên tinh thần Nhà nước thống nhất quản lý về giáo dục; tăng cường tính tự chủ của các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục-đào tạo; đổi mới tư duy quản lý giáo dục-đào tạo;…
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên các yêu cầu đặt ra đối với cơ quan chủ trì soạn thảo về tính khả thi, tính thống nhất của Luật trong hệ thống pháp luật nói chung; vấn đề phát huy vai trò tự chủ của các sơ sở giáo dục đại học; xây dựng Hội đồng trường, phát huy vai trò của Hội đồng trường trong hoạt động giám sát, lãnh đạo các mặt hoạt động của các trường đại học;…
Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT – cơ quan chủ trì soạn thảo 2 dự án Luật nêu trên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan, đặc biệt là Bộ Tư pháp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp thu các ý kiến thành viên Chính phủ tại phiên họp để bổ sung, hoàn thiện 2 dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi trình ra Quốc hội vào kỳ họp thứ 6 tới.