Giữa lúc các hoạt động biểu diễn văn hóa – nghệ thuật trầm lắng do đại dịch Covid-19, thì dư luận lại “nóng” xung quanh cuộc tranh cãi về quan điểm “khán giả không nuôi nghệ sĩ” và “nghệ sĩ không cần tri ân khán giả”.
Tranh cãi trên mạng xã hội bắt nguồn từ bài viết nêu quan điểm của đạo diễn Bùi Quốc Bảo (TPHCM), đại ý: Xã hội luôn có sự phân công lao động nên bất cứ đóng góp của ngành nghề nào cũng được trân trọng… Vậy mà nghệ sĩ sống bằng nghề nghiệp thì phải mang ơn khán giả, phải nghĩ là được khán giả nuôi, phải tri ân khán giả, phải quan niệm là chén cơm của mình là khán giả ban cho? Ủa, sao ngộ vậy?
Từ quan điểm đó của đạo diễn Quốc Bảo đã nổ ra một cuộc tranh cãi trên không gian mạng. Nhiều người, gồm cả nghệ sĩ đồng tình cho rằng “xã hội này không ai nuôi ai”, cho nên “không ai phải biết ơn ai”.
Ngược lại, nhiều người nhận định phát ngôn của đạo diễn Quốc Bảo là tiêu cực, vô ơn, để lại hình ảnh một nghệ sĩ méo mó về nhận thức xã hội cũng như nhân cách.
Cộng đồng mạng đặt câu hỏi: Khán giả không mua vé, không đến rạp xem, không ủng hộ nghệ sĩ thì nghệ sĩ sống bằng gì? Có tồn tại được với nghệ thuật hay không? Trong xã hội từ xưa tới nay, không phải ai nuôi ai mà tất cả phải nuôi nhau, dựa nhau mà sống.
Quan điểm “nghệ sĩ không cần tri ân khán giả” mà đạo diễn Quốc Bảo nêu ra bị đánh giá là nhận thức lệch lạc. Nếu sản phẩm nghệ thuật là hàng hóa, thì khán giả chính là khách hàng. Việc “tri ân khách hàng” không đơn thuần chỉ là chiến lược kinh doanh, mà còn thể hiện tính văn hóa trong đối nhân xử thế.
Trong cuộc tranh luận này, có thể dễ dàng thấy sự nhầm lẫn của một số nghệ sĩ về ngôn ngữ tiếng Việt, mà cụ thể là từ “nuôi”. Trong thực tế, khán giả không “nuôi” nghệ sĩ theo nghĩa đen, như bố mẹ nuôi con cái. Nhưng nghệ sĩ có sống được hay không, có tồn tại phát triển được với nghề hay không lại phụ thuộc rất lớn vào mức độ yêu thích và ủng hộ của khán giả.
Những nghệ sĩ được nhiều người hâm mộ, có nhiều khán giả cũng thường là những nghệ sĩ giàu có. Làm công ăn lương, dè xẻn tằn tiện mỗi năm cũng chỉ dư trăm triệu, nhưng nghệ sĩ được hâm mộ có thể kiếm trăm triệu một show diễn. Thậm chí, nhờ mạng xã hội có nhiều khán giả theo dõi, nghệ sĩ có thể kiếm tỉ đồng mỗi tháng nhờ quảng cáo.
Vậy, ai đang “nuôi” nghệ sĩ? Có phải là khán giả hay không? Nếu khán giả không mua vé, nghệ sĩ trình diễn cho ai xem? Nếu khán giả không hâm mộ, không theo dõi tài khoản mạng xã hội, liệu có công ty nào bỏ tiền ra thuê nghệ sĩ quảng cáo không?
Là nghệ sĩ, đầu tiên hãy gợi mở vấn đề nhân văn hơn là tuyên bố “không cần tri ân khán giả”. Là nghệ sĩ hãy chăm chút cho nghệ thuật hơn là chiều theo thị hiếu tầm thường, sản xuất hài nhảm, hát nhảm, diễn nhảm.
Và cuối cùng, là nghệ sĩ thì đừng lừa người hâm mộ bằng những quảng cáo ất ơ như tiền ảo, thần dược.