Đào tạo khán giả - cọc đi tìm trâu!

GD&TĐ - Lẽ thường, khán giả tự tìm đến với sân khấu, nhưng bây giờ lại khác - muốn có khán giả, các sân khấu phải tìm cách xây dựng và đào tạo đội ngũ khán giả.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nghe qua có vẻ rất vô lý, giống với câu tục ngữ “trâu đi tìm cọc, chứ cọc không đi tìm trâu”. Nhưng tình thế sân khấu Việt đã khác, đang khác và sẽ rất khác.

Nếu không có đội ngũ khán giả am hiểu và tâm huyết thì công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống khó thành công.

Thực trạng ảm đạm của sân khấu truyền thống gặp nhiều khó khăn do thiếu vắng người xem, nhất là giới trẻ. Rất hiếm sân khấu kín ghế, càng hiếm những khán giả trung thành. Nhiều vở diễn, đa số khán giả là nhà báo hoặc người nhà của nghệ sĩ có “suất vé” chống ế.

Sân khấu trống vắng, nhà tổ chức ngao ngán, nghệ sĩ chán nản – hiện thực đó có thể “giết chết” sân khấu truyền thống. Bởi vậy, nhiều nghệ sĩ mong muốn xây dựng, đào tạo đội ngũ khán giả tâm huyết, am hiểu nghệ thuật nhằm bảo tồn văn hóa và khiến cho các sân khấu sáng rực đèn.

Thực ra, ý tưởng này không phải bây giờ mới có. Từ năm 2019, hội thảo xu hướng vận động văn học - nghệ thuật diễn ra tại TPHCM thu hút đông đảo nghệ sĩ đưa ra ý kiến, đặt vấn đề xây dựng mỹ cảm bằng cách đào tạo khán giả cho đời sống nghệ thuật.

Nếu coi sân khấu là hàng hóa tinh thần thì muốn tiêu thụ, người làm sân khấu phải tìm cách tiếp thị giá trị tới khách hàng. Nghĩa là để công chúng chủ động tìm đến với sân khấu, họ phải hiểu giá trị của sân khấu trong từng vở diễn.

Ðiều này chỉ có thể thực hiện bằng quá trình đào tạo khán giả, để họ từ hiểu dẫn tới yêu và hình thành nhu cầu thường xuyên được thưởng thức sân khấu.

Đó là hướng đi đúng, nhưng không dễ trong tình hình văn hóa nghệ thuật xô bồ hiện nay. Khán giả lẫn lộn cái hay với cái nhốn nháo, không phân biệt được giá trị truyền thống và cái hời hợt thị trường.

Ở nhiều quốc gia, nhạc giao hưởng rất kén khán giả nhưng nhà hát luôn kín chỗ. Những khán giả đến thưởng thức cũng là những người trung thành và am hiểu. Khán giả biết nghệ sĩ đang chơi nhạc cụ này là ai, như thế nào, hay – dở ra sao.

Ranh giới nghệ sĩ – khán giả gần như bị xóa nhòa, thậm chí khán giả còn như người thầy có thể phát hiện, nhận xét sự thành – bại của bản nhạc.

Ở nước ta thì khác, trình độ văn hóa lẫn năng lực thẩm thấu nghệ thuật chưa cao. Bởi vậy muốn có đội ngũ khán giả am hiểu, ngoài đào tạo đúng đối tượng thì cần phải có thời gian lẫn tiền bạc.

Các nhà hoạch định đang hướng tới khán giả thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, để người học thẩm thấu được nghệ thuật thì không thể khiên cưỡng, càng không thể ép buộc.

“Cọc đi tìm trâu” vốn là điều bất thường, nhưng là tín hiệu đáng mừng chứng tỏ sự quan tâm của nghệ sĩ đối với khán giả. Tuy vậy, yếu tố quyết định để đào tạo và thuyết phục họ trở thành khán giả trung thành, các sân khấu phải có tác phẩm hay, giúp “người học” thấy được vẻ đẹp của văn hóa truyền thống.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.