(GD&TĐ) - Hầu như tại mỗi kỳ họp Quốc hội, người dân cũng có điều gì đó để mong đợi, gửi gắm ý nguyện của mình với sự quan tâm theo dõi sát sao. Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII đang diễn ra này lại càng đặc biệt hơn khi lần đầu tiên, Quốc hội chính thức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Không những vậy, đây còn là cơ hội để các đại biểu chứng tỏ bản lĩnh, trách nhiệm đối với cử tri cũng như quyết tâm của Đảng ta về xây dựng bộ máy nhà nước thật sự trong sạch vững mạnh, là Nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Đây là việc chưa từng có tiền lệ ở ta. Bởi vậy, cũng đã có không ít ý kiến lo ngại về lấy phiếu hình thức, hay “nhẹ nhàng” hơn là đại biểu sẽ xuê xoa khi giữa nhiều mức đánh giá, khiến phương án dung hòa “tín nhiệm” sẽ được “tích” điểm đa số. Nghĩ vậy là thiếu niềm tin ở chính những đại diện do dân cử ra bằng chính lá phiếu bầu của mình.
Phát biểu của ông Nguyễn Hạnh Phúc (Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đương nhiệm) với báo chí gần đây về vấn đề này rất đáng chú ý khi cho rằng mỗi đại biểu Quốc hội là đại diện cho nhân dân, phải suy nghĩ rất nhiều khi cầm lá phiếu trên tay. Ông cũng cho rằng không nên lo ngại chuyện sẽ “hòa cả làng”. Cái chính là đánh giá kết quả cho chính xác, chứ không phải cứ ra kết quả nhiều người thấp mới là tốt. Đánh giá của đại biểu về đối tượng nào đó để thấy là hoàn thành nhiệm vụ hoặc ở khía cạnh, góc độ nào đó thì thấp hơn một chút thôi. Không hẳn là thông qua việc này cứ phải có ông nào thấp hẳn.
Cử tri cả nước cũng tin và mong như vậy. Trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như qua các diễn đàn mở gần đây, đã có rất nhiều đại biểu Quốc hội thẳng thắn tuyên bố về trách nhiệm của mình trước cử tri cũng như quyết tâm xây dựng bộ máy nhà nước thật sự trong sạch vững mạnh là Nhà nước của dân, do dân, vì dân mà Đảng ta đã đề ra. Sự chủ động khá rõ trong tâm thế của những người đại diện cho dân. Vấn đề đặt ra là làm sao thể hiện quyền năng giám sát đúng, hiệu quả; bởi lẽ, lá phiếu của mỗi đại biểu không phải chỉ riêng theo ý nguyện hay quan điểm cá nhân đại biểu đó, mà còn là thể hiện ý chí, nguyện vọng của đông đảo tầng lớp nhân dân và cử tri.
Bởi vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm lần này chính là thước đo trách nhiệm cá nhân đối với những chức danh trong danh sách lựa chọn bỏ phiếu và thước đo trách nhiệm cá nhân đối với các đại biểu Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội được nhân dân ủy quyền, tín nhiệm giao trọng trách thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có quyết định bình bầu nhân sự. Ngoài ra, lần lấy phiếu tín nhiệm này còn là thước đo đối với đại biểu Quốc hội được lấy phiếu tín nhiệm. Qua đó, Quốc hội, cá nhân người được lấy phiếu tín có thể nhận biết được năng lực, uy tín của họ tới đâu.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm ra sao, bỏ phiếu tín nhiệm như thế nào (đối với các chức danh có mức lấy phiếu tín nhiệm thấp) sẽ còn được Quốc hội bàn bạc và quyết định trong những ngày tới. Nhưng cử tri và nhân dân cả nước đều tin tưởng rằng, với tinh thần trách nhiệm và sự suy nghĩ chín chắn của mình, đại biểu Quốc hội sẽ góp phần làm cho công tác lấy phiếu tín nhiệm được minh bạch, khách quan, chính xác và công tâm; như mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra khi thông qua Nghị quyết về công tác này.
Nhất Nguyên