Không chỉ là chuyện “hôi bia”

Không chỉ là chuyện “hôi bia”

(GD&TĐ) - Sự việc nhiều người dân hồ hởi, vô tư “hôi bia” từ chiếc xe tải bị nạn diễn ra ngay giữa ban ngày ở TP Biên Hòa – Đồng Nai vừa qua một lần nữa gióng lên hồi chuông đáng báo động về sự vô cảm, nhẫn tâm giữa người với người. Đó không đơn thuần là hành vi chụp giật, cơ hội mà còn là biểu hiện đáng lo ngại về sự xuống cấp của đạo đức xã hội.

Thiết nghĩ cũng cần nhắc lại đôi chút về sự việc đang “dậy sóng” trên các phương tiện thông tin đại chúng và cộng đồng mạng những ngày qua. Đó là vào ngày 4/12, khi chiếc xe tải chở khoảng 1.500 két bia đi qua khu vực vòng xoay Tam Hiệp (thuộc khu phố 1, phường Bình Đa, TP Biên Hòa, Đồng Nai) không may gặp nạn khiến rất nhiều két bia trên thùng xe đổ xuống lòng đường.

Khi tai nạn xảy ra, thay vì giúp đỡ tài xế bị nạn thu gom số bia bị đổ ra đường thì phần lớn người dân và người đi đường xung quanh đó lại lao vào tranh giành, lấy hết số lon bia đang nằm ngổn ngang, bất chấp lời van xin, năn nỉ của người tài xế đáng thương. Không những thế, có người còn thản nhiên leo cả lên thùng xe “vô tư” lấy bia như là tài sản của chính mình. 

Trong đám đông “hôi bia” đáng xấu hổ ấy, có người là dân địa phương, có người đang tham gia giao thông trên đường, có cả những người đi xe “xịn”, ăn vận lịch sự cũng không bỏ qua “vận may”, hối hả, vội vã đến tham gia “lấy phần”.

Thậm chí, có người còn đánh cả xe ba gác đến chở bia. Hơn 1.000 két bia đã bị người dân lấy đi, thiệt hại về kinh tế không phải là nhỏ nhưng điều làm cho nhiều người cảm thấy bức xúc hơn cả chính là sự thờ ơ, nhẫn tâm đến lạnh người trước nỗi đau của đồng loại.

Đáng nói là sự việc đáng buồn trên không phải là cá biệt. Không ít vụ “hôi của” cũng đã từng xảy ra trước đó ở một số địa phương. Thậm chí, có người còn xem đó là chuyện… bình thường. Hễ có một vụ tai nạn xảy ra mà tài sản bị rơi, đổ ra đường có thể dùng được là lại tái diễn cảnh nhiều người cùng xông vào “hôi của” kiểu “hội đồng” trước sự bất lực của người bị nạn.

Có những trường hợp người dân còn lao vào “hôi” cả khi đang có đám cháy hay khi tai nạn giao thông xảy ra. Dư luận bức xúc trước tình trạng nạn cướp giật, trấn lột hoành hành bất chấp pháp luật, gây bất an cho mọi người nhưng chính hành động “hôi của” cũng đáng bị lên án không kém bởi cách hành xử tham lam, vô cảm, thiếu tình người. 

Đã có những đề xuất từ các cơ quan chức năng về việc nâng mức xử phạt trong lĩnh vực đường bộ và đường sắt đối với những hành vi xâm phạm tài sản người bị nạn. Những biện pháp hành chính đủ mạnh, có sức răn đe là rất cần thiết bởi những hành vi “hôi của” nếu không được xử lý nghiêm, dần dà sẽ trở thành thói quen, trở nên bình thường trong xã hội và có thể sẽ “nối giáo” cho hàng loạt những hành vi coi thường pháp luật khác.

Tuy nhiên, xử lý hành chính thôi chưa đủ, thiết nghĩ, để chấm dứt tận gốc nạn “hôi của”, điều quan trọng là cần nâng cao văn hóa ứng xử, tinh thần tương thân, tương ái giữa các thành viên trong cộng đồng để mỗi khi bắt gặp người không may bị nạn thì cùng chung tay giúp đỡ.

Mối quan hệ tốt lành giữa con người với con người luôn bắt nguồn từ những cách ứng xử mang tính nhân văn nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày.

Người Việt vẫn có câu: “Thương người như thể thương thân” hay “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Đó thực sự là những nét đạo lý truyền thống đẹp đẽ cần được gìn giữ, phát huy dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Đáng buồn là, trong nhịp sống hối hả, xô bồ của cuộc sống hiện đại ngày nay, sự thờ ơ, dửng dưng, vô cảm trước nỗi đau của đồng loại đã và đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Bùi Minh Tuấn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ