Không chỉ chuyện của Bờm!

GD&TĐ - Vở chèo 'Chuyện thằng Bờm' hay còn có tên gọi khác là 'Nắm xôi kỳ diệu' (tác giả: Thiên Ân, chuyển thể chèo: Mai Văn Sinh, đạo diễn: NSƯT Lê Tuấn).

Những trò diễn vui nhộn trong vở chèo 'Chuyện thằng Bờm'. Ảnh: Bình Thanh
Những trò diễn vui nhộn trong vở chèo 'Chuyện thằng Bờm'. Ảnh: Bình Thanh

Lần đầu tiên, Nhà hát Chèo Hà Nội dàn dựng vở diễn kể chuyện về thằng Bờm – nhân vật nổi tiếng trong ca dao xưa và nhận được sự yêu mến, thích thú của khán giả.

Cuốn hút trong… ồn ào

Buổi công diễn bán vé đầu tiên, rạp Đại Nam kín chỗ nhưng ồn ào hơn mọi khi. Cũng bởi, khán giả đến thưởng thức vở chèo “Chuyện thằng Bờm” (Nhà hát Chèo Hà Nội) có đến hơn nửa là các em nhỏ. Nhưng, những ồn ào ấy lại thuộc về quỹ đạo “trật tự” theo lớp lang từng phân cảnh, lớp diễn.

Lúc Bờm chơi trò bịt mắt bắt dê và hát đồng dao cùng các bạn thì khán giả nhí hòa vào niềm vui và cất lời theo: “Một bầy trẻ nhỏ/Bịt mắt bắt dê/Dê vấp bờ hè/Ngã kềnh bốn vó…”. Khi lão phú ông dốt nát đếm số lẫn lung tung, sau đó bị Bờm lừa nhai cọng rơm để thành khôn, thành người lương thiện và lấy lại tiền công lão quỵt bữa trước, những tràng cười hả hê, sung sướng đầy ắp rạp hát.

Kịch bản kể về thằng Bờm của tác giả Thiên Ân đã được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng thành musical show “Giấc mơ của Bờm” (chuyển thể: Trần Lệ Chiến, An Hiếu, đạo diễn: NSƯT Lê Ánh Tuyết) và công diễn từ tháng 5. Musical show thú vị này cũng mang đậm màu sắc dân gian thông qua việc sử dụng nhiều ngôn ngữ âm nhạc khác nhau, từ hát nói đến dân gian đương đại, từ múa võ đến tái hiện trò chơi, hò vè…

Đến nhân vật trâu và thanh xà, bạch xà xuất hiện, không chỉ hấp dẫn về tạo hình mà còn biết nói, hát… thì chúng ồ, à không ngớt vì không thể tin được vì sao trên sân khấu chèo cũng có những nhân vật ngộ nghĩnh của xiếc, múa rối xuất hiện...

Xen vào đó là những phút giây Bờm nhớ và mơ thấy mẹ trở về hát ru ngọt ngào: “Cu Bờm có cái quạt mo. Mẹ Bờm quạt mát những trưa oi nồng. Mai này Bờm lớn Bờm khôn…”. Trong vòng tay mẹ, Bờm tủi thân kể chuyện phải đi trốn vì trót để mất trâu nhà phú ông; hay khi đã có nắm xôi giúp người nghèo khổ, Bờm lại nhớ mẹ, muốn mẹ ban điều ước đôi mắt của Gái – người bạn ở đợ nhà phú ông cùng Bờm - sáng trở lại…

Khi đó, không gian rạp hát hoàn toàn tĩnh lặng, dường như để nén bao niềm xúc động, chia sẻ, thương cảm về cảnh mồ côi, côi cút, thiếu thốn tình cảm người thân của Bờm. Ở đó còn có niềm mong ước được mẹ xoa lưng khi ngủ của Bờm sao mà gần gũi, thân thương, cứ như thể của bất cứ ai vậy…

Không chỉ thế, không gian diễn xuất của vở chèo dường như được mở rộng khi Bờm, anh Nô và lão phú ông quay ra hỏi ý kiến khán giả. Ngay từ đầu đã có màn lão phú ông không biết đếm, quay ra hỏi: “Các bạn ơi có phải 4 rồi đến 2 không?” và nhận lời đáp “Sai rồi”.

Khi Bờm mời chào: “Các bạn nhỏ ơi có 9 con trâu, các bạn đếm lại cùng Bờm nhé” thế là dàn đế hào hứng nối theo. Nối tiếp đó: “Các bạn ơi, lương thiện có phải là một món ăn không?” (anh Nô); “Các bạn ơi, có đổi (quạt mo lấy gỗ lim) không?” (Bờm) – “Bảo Bờm đổi đi” (lão phú ông)… Những lúc đó, khoảng cách giữa nghệ sĩ và khán giả dường như không còn.

Các em nhỏ thực sự trở thành dàn đế vốn rất quen thuộc trong trình thức diễn xuất của các tích chèo cổ có không gian biểu diễn ở sân đình và khán giả vây quanh nghệ sĩ diễn ngay trên tấm chiếu trải rộng.

Đôi khi, nhân vật (thường là các vai hề gậy, hề mồi hoặc vai đào lệch) cất lời hỏi khán giả, đơn giản là xưng danh cũng có khi để hỏi về cái sự tình ở đời mà ai cũng có thể quan tâm, luận bàn.

Cũng chính vì bất ngờ được kéo vào và trở thành dàn đế trong “Chuyện của Bờm” thành thử dù vở diễn khép lại (khoảng hơn một tiếng đồng hồ) mà khán giả vẫn ngơ ngác: “Sao nhanh thế?”, “Hết rồi sao?”…

Nhờ đó, loại hình kịch hát dân tộc như nghệ thuật chèo lâu nay vốn bị coi là khó khăn trong việc tiếp cận với khán giả trẻ, thậm chí nhiều em nhỏ còn ngại đến xem vì cho rằng khó nghe, khó hiểu thì đêm công diễn vở chèo này bỗng đâu chiếm được cảm tình, sự thích thú của những tâm hồn thơ bé từ chính cách thức thể hiện đặc trưng – dàn đế - của mình.

“Lần đầu tiên em theo mẹ đến rạp xem chèo chỉ vì tò mò muốn xem xem anh Bờm được các nghệ sĩ hóa thân trên sân khấu thế nào, có đại ngốc như anh Bờm trên phim không (phim điện ảnh “Thằng Bờm”, kịch bản: Bành Châu, đạo diễn: Lê Đức Tiến, Hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1987 - PV). Dù vậy, trước khi đến rạp em vẫn mặc cả, nếu vở diễn buồn chán mẹ cho em về sớm hoặc chơi điện tử trên điện thoại.

Nhưng, thực tế thì em bị cuốn hút vào vở diễn bởi các tình huống hài hước cứ nối tiếp, những màn đối đáp thú vị và vèo cái đã hết. Câu hát chèo ngày trước em vừa nghe đã tắt ti vi vì thấy i…a mãi nhưng nay nghe cũng hay hay. Em nghĩ mình phải thay đổi cách nhìn nhận về nghệ thuật truyền thống này…”, Tuấn Hải, học sinh lớp 7 (quận Cầu Giấy) vui vẻ chia sẻ.

Vở chèo 'Chuyện thằng Bờm' có cách giải mã thú vị về việc vì sao Bờm đổi quạt mo lấy nắm xôi. Ảnh: Bình Thanh

Vở chèo 'Chuyện thằng Bờm' có cách giải mã thú vị về việc vì sao Bờm đổi quạt mo lấy nắm xôi. Ảnh: Bình Thanh

Lắng lại trong vở chèo 'Chuyện thằng Bờm' là những phút giây xúc động về tình mẫu tử. Ảnh: Bình Thanh

Lắng lại trong vở chèo 'Chuyện thằng Bờm' là những phút giây xúc động về tình mẫu tử. Ảnh: Bình Thanh

Gọn ghẽ, cuốn hút

Vở chèo “Chuyện thằng Bờm” hay còn có tên gọi khác là “Nắm xôi kỳ diệu” (tác giả: Thiên Ân, chuyển thể chèo: Mai Văn Sinh, đạo diễn: NSƯT Lê Tuấn) có sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ: Quang Trưởng (thằng Bờm), Trúc Mai (Gái), NSƯT Thảo Quyên (vợ phú ông), Khắc Huy (phú ông), Tiến Đạt (Nô)… Vở diễn được dàn dựng khá gọn ghẽ trong thời lượng gần 90 phút, vừa vặn cho một suất phục vụ thiếu nhi.

Các trò được bày ở đây, từ sự bắt nạt của vợ chồng phú ông với người ăn kẻ ở đến việc Bờm và con trâu số 9 chơi khăm khiến lão phú ông phải nhai rơm; vợ chồng phú ông tính chuyện lừa gạt…, rất cuốn hút, hài hước mà sâu cay.

Chúng được thể hiện không chỉ qua vũ đạo, lời hát ngọt ngào, lời thoại đơn giản, sâu sắc mà còn có sự kết hợp khá bất ngờ, ấn tượng với nghệ thuật múa rối (rối người) qua nhân vật trâu và thanh xà, bạch xà.

Những bài hát đồng dao, trò chơi dân gian và các yếu tố thần thoại cũng là một chất dẫn quan trọng được ê kíp sáng tạo khai thác triệt để, để kéo trẻ vào câu chuyện. Lợi thế nữa là bài ca dao “Thằng Bờm”: “Thằng Bờm có cái quạt mo/ Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu…” vốn rất quen thuộc được sử dụng có khi là lời hát vui tươi cũng có khi là chi tiết kịch khá hấp dẫn.

Khi đó, cuộc đổi chác giữa Bờm với vợ chồng phú ông không đơn thuần dừng lại ở chuyện bán mua mà qua đây còn khắc họa đậm nét lòng dạ của kẻ gian tham, độc ác để cuối cùng bị trả giá xứng đáng.

Hơn nữa, từ vở diễn này, ê kíp sáng tạo còn đưa ra góc nhìn của riêng mình để lý giải vì sao Bờm lại nhận nắm xôi chứ không phải “ba bò, chín trâu” hay: “Ao sâu cá mè”, “bè gỗ lim”, “chim đồi mồi” mà bài ca dao đã bỏ lửng và chờ đợi cách giải mã của mỗi người, mỗi thời: “Thằng Bờm có cái quạt mo…/Phú ông xin đổi con chim đồi mồi/Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi/ Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười”.

Chiếc quạt mo được chọn làm biểu tượng sân khấu – chính là công cụ chính lý giải điều đó. Nó không đơn thuần để quạt mát mà còn mang yếu tố thần thoại – như một “bảo bối” được mẹ Bờm dành tặng cho đứa con côi của mình trong giấc mơ.

Khi đó, quạt mo là vật cứu nguy, giúp Bờm tìm thấy con trâu số 9 trước đó lão phú ông cố tình giấu nhằm quỵt công người ở. Rồi quạt cùng Bờm làm việc tốt, giúp đỡ mọi người xung quanh, “giải oan” cho Gái bị vợ phú ông cố tình đổ cho tội đánh cắp vòng ngọc trai để dụ Bờm đến mà mặc cả đổi chác…

Có thể thấy, việc khoác tấm áo thần thoại cho chiếc quạt mo vừa đem lại sự hấp dẫn với khán giả thiếu nhi, gợi mở thế giới tưởng tượng bay bổng trong các em vừa đem lại những phút giây xúc động của tình mẫu tử.

Ở đây, với mỗi người con, ông bụt, bà tiên chính là người sinh thành, chăm chút nâng niu ra chúng. Dẫu có gặp hoàn cảnh nào thì niềm ước mong lớn hơn cả trong mỗi đứa trẻ vẫn là được sống trong vòng tay yêu thương của mẹ cha, của gia đình.

Phải chăng đó cũng chính là thông điệp mà vở diễn muốn gửi đến khán giả hôm nay khi mái ấm gia đình – tưởng như luôn là điều đương nhiên ai cũng có quyền được chở che từ đó, thế mà dường như lại rất mỏng manh, dễ tan vỡ vì những ích kỷ cá nhân của các bậc làm cha, làm mẹ để rồi còn đó không ít trẻ thơ lẻ loi giữa dòng đời…

Mặt khác, sáng tạo này cũng khá logic với tâm lý của kẻ tham lam – chúng chỉ quan tâm, đổi chác khi vật nào đó phải có giá trị và giúp chúng thêm giàu có, sung túc. Nếu chỉ là quạt mo thông thường thì sao có thể khiến chúng “nằng nặc” đòi Bờm đổi toàn những thứ quý giá như thế - dù có thể sẽ “nuốt lời”?

Nhưng, chiếc quạt ấy chỉ mang phép màu nếu được người tốt, nhân hậu sử dụng còn khi rơi vào tay những kẻ trọc phú mà độc ác như vợ chồng phú ông thì không có giá trị.

Ở lớp diễn gần cuối, giữa lúc vợ chồng phú ông đang “say mồi” mặc cả dụ dỗ, đổi chác và chưa khi nào nhận được cái gật đầu của Bờm thì xuất hiện đám người hành khất. Trong đó có cả người cha của Gái, ông chưa kịp mừng tủi gặp con thì đã ngất xỉu vì quá đói khát.

Thế là, Bờm lập tức đồng ý đổi chiếc quạt mo vốn là kỷ vật của mẹ mà anh mang bên mình suốt bao năm cho vợ chồng phú ông để lấy nắm xôi cứu người chứ không phải chỉ để ấm bụng mình.

Với Bờm, những bè gỗ lim, ba bò chín trâu, ao sâu cá mè, chim đồi mồi không có gì là đáng giá bằng nắm xôi kỳ diệu cứu sống cha của Gái cũng như những người hành khất và rất nhiều mảnh đời khó khăn, thiện lương khác trong xã hội: ““Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, tôi sẽ chia cho tất cả mọi người”.

Khán giả nán lại dù vở chèo 'Chuyện Thằng Bờm' đã hạ màn. Ảnh: Bình Thanh

Khán giả nán lại dù vở chèo 'Chuyện Thằng Bờm' đã hạ màn. Ảnh: Bình Thanh

Cũng từ việc làm thiện lành ấy mà đôi thanh xà và bạch xà vốn là những con rắn độc quấn trên tay phú ông chuyên dọa nạt, hãm hại người thì sau khi được ăn những hạt xôi diệu kỳ đều muốn hoàn lương, bất ngờ giúp Bờm và dân làng trừng trị kẻ gian tham…

Từ câu chuyện về thằng Bờm có cái quạt mo được người xưa viết trong ca dao, nếu phim điện ảnh lý giải về sự ngốc nghếch đến khờ dại của ba họ nhà Bờm thì đến sân khấu chèo Hà Nội lại là góc nhìn thấm đẫm tính nhân văn – Bờm vẫn luôn thật thà, chân thực, chất phác và trong Bờm mang một trái tim nhân hậu, nghĩa hiệp biết yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ mọi người, nhất là với người yếu thế.

Đặc biệt, khi thấy người khác gặp nguy hiểm, anh sẵn sàng hy sinh cả kỷ vật thân thiết, yêu quý nhất bên mình để cứu người. Vì thế, “Chuyện thằng Bờm” với thông điệp “cho đi” cùng cách định nghĩa về “lương thiện” là “không tham lam, độc ác; biết yêu thương, có nhân có nghĩa…” không phải chuyện của riêng Bờm!

“Cùng với vở chèo “Cánh diều làng Vũ Đại”, thời gian tới “Chuyện thằng Bờm” sẽ được đưa vào biểu diễn tại các trường học trên địa bàn Thủ đô phục vụ đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở chèo được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới, có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 – 2030”. Dự kiến đề án triển khai từ đầu năm 2024, vở diễn này dành cho học sinh khối tiểu học và trung học cơ sở”. NSƯT Thu Huyền, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Hà Nội

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ