Không chấp nhận kiểu “nuốt không trôi thì nhả ra”.

GD&TĐ - Vụ tàu vỏ thép không đạt chất lượng, có biểu hiện gian dối của các doanh nghiệp, UBND tỉnh Bình Định cương quyết không chấp nhận đề nghị của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) về việc không thay vỏ thép mà chỉ sơn sửa lại rồi "thối tiền chênh lệch" cho ngư dân là hoàn toàn đúng đắn được dư luận ủng hộ, đồng tình.

Tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định được đưa lên đà chờ sửa chữa. Ảnh minh họa, theo VietQ.vn
Tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định được đưa lên đà chờ sửa chữa. Ảnh minh họa, theo VietQ.vn

Dư luận đồng tình vì nếu chấp nhận yêu cầu trên của các doanh nghiệp làm ăn gian dối sẽ để lại hệ quả rất lớn cả về pháp luật, kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực đến chủ trương lớn của Nhà nước là giúp ngư dân vươn khơi bám biển, kết hợp kinh tế với quốc phòng.

Trong vụ việc này, các doanh nghiệp đóng tàu không thực hiện đúng cam kết, không đảm bảo chất lượng theo hợp đồng không chỉ đơn thuần là trách nhiệm dân sự giữa hai bên mà còn liên quan đến các chủ thể khác và có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hình sự. Cụ thể ở đây là quyền lợi của Nhà nước, các ngân hàng thương mại, vì không chỉ là hợp đồng dân sự thông thường mà là thực hiện chủ trương lớn của Chính phủ theo Nghị định 67/2014.

Nhà nước đã bỏ tiền ra hỗ trợ lãi suất nên không thể có chuyện chủ tàu và doanh nghiệp thỏa thuận riêng trong khi ngân sách nhà nước bị lợi dụng, thất thoát, chiếm đoạt. Những người có liên quan trong vụ việc này phải thực hiện đúng thỏa thuận theo hợp đồng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi gian dối, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, các ngân hàng thương mại.

Không thể chấp nhậncác doanh nghiệp làm ăn gian dối, vi phạm pháp luật bị phát hiện, phanh phui nhưng lại lần lữa, không chịu khắc phục hậu quả, gánh chịu trách nhiệm. Việc cho phép doanh nghiệp sơn lại tàu và thối lui tiền chênh lệch thì chẳng khác nào chấp nhận, tiếp tay cho hoạt động kinh doanh gian dối, theo kiểu “cố nuốt, không trôi thì nhả ra”.

Mặt khác, chất lượng tàu vỏ thép không đảm bảo, chỉ “sơn lại” rồi cho ra khơi thì liệu có an toàn cho ngư dân. Trường hợp ngư dân bị tai nạn, rủi ro trên biển vì tàu không đảm bảo chất lượng thì doanh nghiệp có cam kết chịu trách nhiệm hay không? chịu trách nhiệm như thế nào, đến đâu? Vì vậy, cơ quan chức năng và cả ngư dân không nên và không được phép mạo hiểm sức khỏe, tính mạng của bà con ngư dân trong vụ việc này.

Tàu “vỏ thép mà không phải thép” thì liệu có ý nghĩa gì trong việc vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ