Vụ tàu cá vỏ thép nằm bờ: Hứa đền bù thiệt hại cho chủ tàu

GD&TĐ - Chiều ngày 22/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, Tổng cục Thủy sản và Trung tâm Đăng kiểm tàu cá cùng Tổ công tác thẩm định chất lượng tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã họp với các chủ tàu cá vỏ thép bị hư hỏng, lãnh đạo một số chính quyền địa phương và các đơn vị đóng tàu vỏ thép để thông báo kết quả bước đầu về việc thẩm định toàn bộ số lượng tàu cá của ngư dân tỉnh bị sự cố vừa qua.

Hàng loạt tàu vỏ thép mới bàn giao đã gỉ sắt, xuống cấp nằm bờ khiến ngư dân Bình Định khốn khổ. (Ảnh minh họa, theo Zing.vn)
Hàng loạt tàu vỏ thép mới bàn giao đã gỉ sắt, xuống cấp nằm bờ khiến ngư dân Bình Định khốn khổ. (Ảnh minh họa, theo Zing.vn)

Quá nhiều sai phạm

Kết quả kiểm tra 17/18 tàu vỏ thép bị sự cố đã phát hiện nhiều sai phạm trong quá trình thiết kế, vật liệu đóng tàu, máy chính, máy phát điện và trang bị thiết bị hàng hải trên tàu và công tác theo dõi, kiểm tra và đăng kiểm tàu cá.

Về nguồn gốc xuất xứ vỏ tàu, có 5 tàu do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng bằng thép Trung Quốc và 12 tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng bằng thép Hàn Quốc.

Có 12 tàu phần vỏ thép tàu bị gỉ sét tự nhiên, một số vị trí mặt boong gỉ sét nhiều hơn do tiếp xúc va chạm với ngư lưới cụ và cá thành phẩm. Có 5 tàu ở mặt boong, ca bin, trang thiết bị trên boong tàu gỉ sét nặng.

Có 9 tàu trang bị máy hiệu Mitssubishi MPTA; trong đó có 5 máy S6R2-MPTA, công suất 940 HP và 4 máy S6R-MPTA công suất 811 HP. Hệ thống ống giải nhiệt đã gia công lại, bộ sinh hàn nước biển thay thế chỉ giải nhiệt nước ngọt.

Các chi tiết trên đi kèm với động cơ không đồng bộ và không phù hợp với nguyên tắc hoạt động máy thủy của hãng Mitsubishi. Hãng Mitsubishi đã có văn bản xác nhận không sản xuất động cơ có model và công suất như ghi trên decal máy.

Qua kiểm tra cũng cho thấy, có 3 máy có sự sai lệch về ký hiệu máy giữa hồ sơ và thực tế. Về 25 máy phụ được lắp trên 17 tàu vỏ thép thì có 2 máy không có nhãn mác chỉ đóng số chìm, 1 máy phụ hiệu Cummins do Trung Quốc sản xuất, nhưng C/O ghi máy lắp ráp tại Singapore.

Trong số 25 máy phụ trên, có 3 máy phụ hiệu Cummins hoạt động không ổn định, 3 máy phụ hiệu Mitsubishi – Nhật Bản bị vỡ thân máy, hư hỏng do hở bạc và có cụm phát điện bị hỏng.

Về trang thiết bị hàng hải có 2 máy đo sâu dò ngang bị hỏng các bộ phận và 1 màn hình trên máy dò cá chất lượng thu tín hiệu và độ phân giải thấp không rõ nét.

Đèn cáo áp và tăng phô bị xóa các dấu hiệu nguồn gốc xuất xứ trên các trụ kích và bóng đèn cao áp 1.000 W không đúng như hợp đồng ký kết.

Hầm bảo quản của 17 tàu, thì có đến 13 tàu hầm bị đông nước, giữ nhiệt kém, bơm phôm không đều và có hiện tượng gỉ sét. Có 6 tàu bị tình trạng lưới cuốn chân vịt và về tời khai thác có 9 tàu trích lực từ máy điện không đúng với hồ sơ thiết kế được phê duyệt.

… và những lời hứa nhận trách nhiệm

Đối với công tác thiết kế và giám sát kỹ thuật trong quá trình đóng tàu qua kiểm tra thực tế, nhiều tàu đã có những thay đổi so với thiết kế đã được phê duyệt nhưng vẫn chưa được cơ quan thiết kế hoàn công theo đúng quy định. Quá trình kiểm tra tại hiện trường máy trước khi lắp đặt và sau khi lắp đặt của các đăng kiểm viên đã không kiểm tra kỹ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (C/O), chứng nhận chất lượng (CQ), chứng nhận thí nghiệm máy (ETR) của nơi sản xuất và không quan sát kỹ các chi tiết không đồng bộ với máy thủy.

Sau khi nghe ý kiến kiến nghị của các chủ tàu, ông Bùi Huy Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu, đã nhận những sai sót trong quá trình đóng tàu để bị hư hỏng, hứa sẽ chịu trách nhiệm sửa chữa và bồi thường những thiệt hại cho chủ tàu khi tàu phải nằm bờ chờ sửa chữa không hoạt động sản xuất được.

Còn ông Đào Ngọc Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản) cho hay, lãnh đạo cơ quan đăng kiểm nhận những sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vừa qua. Trong quá trình kiểm tra và kiểm soát nếu có phát hiện kiểm soát viên nào có vi phạm sẽ xử lý nghiêm khắc và trong thời gian tới sẽ rút kinh nghiệm làm tốt trách nhiệm kiểm tra an toàn chất lượng tàu cá trước khi ra khơi.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai đã đánh giá cao về trách nhiệm của UBND tỉnh, sở ngành chức năng và Tổ công tác đã nhanh chóng vào cuộc để có kết luận bước đầu làm cơ sở để kịp thời khắc phục cho ngư dân. Cơ sở đóng tàu sẽ phải chịu trách nhiệm sửa chữa và trang bị máy móc thiết bị đảm bảo chất lượng theo đúng hợp đồng ký kết và phải đền bù mọi thiệt hại cho các chủ tàu có tàu bị hư hỏng phải nằm bờ sửa chữa.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đang cho rà soát toàn bộ các cơ sở đóng tàu vỏ thép có đảm bảo năng lực hay không để tiếp tục xử lý. Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính xem xét giãn kế hoạch đóng bảo hiểm cho các chủ tàu cá bị sự cố.

Vậy là kiến nghị của bà con ngư dân và các chủ tàu vỏ thép đã được xem xét, và nhận được những lời hứa khắc phục.

Tuy nhiên, “tiếng xấu” của vụ việc nêu trên sẽ không chỉ dừng lại ở đây, bởi đây sẽ không chỉ là “tỳ vết” chẳng mấy “hay ho” cho những cơ sở đóng tàu đã để xảy ra sự việc nêu trên, mà nó sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến chủ trương của Nghị định 67/2014/NĐ-CP trong việc phát triển đội tàu vỏ thép để bà con ngư dân đánh bắt xa bờ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.