Tuy nhiên, trước thông tin nhiều tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định, Thanh Hóa… được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ vừa ra khơi đã hư hỏng, gặp nhiều sự cố phải quay lại bờ để sửa chữa, khắc phục, gây thiệt hại rất lớn cho ngư dân đã làm cho dư luận không khỏi bức xức đối với những doanh nghiệp tham gia đóng tàu cho ngư dân.
Các doanh nghiệp ký hợp đồng đóng tàu cho ngư dân có sự gian dối, sử dụng vật liệu, máy móc… kém chất lượng để đóng tàu dẫn đến nhiều con tàu mới đưa vào sử dụng phải “đắp chiếu” nằm bờ. Mỗi con tàu trị giá hàng chục tỷ đồng, số tiền mà ngư dân phải vay ngân hàng để đóng tàu theo chủ trương của Chính phủ.
Hiện nay, các con tàu hư hỏng của ngư dân đã được các doanh nghiệp đóng tàu cam kết sửa chữa, khắc phục nhưng không biết bao giờ ngư dân mới có thể sử dụng. Trong khoảng thời gian đó, chủ tàu và rất nhiều lao động phải làm gì để sống, rồi những khoản lãi vay ngân hàng để đóng tàu ai phải chịu trách nhiệm?
Do vậy, các chủ tàu vỏ thép cần phải khởi kiện doanh nghiệp đóng tàu để yêu cầu bồi thường các thiệt hại phát sinh; có đơn đề nghị các ngân hàng đã vay vốn xem xét khoanh nợ để tạo điều kiện cho ngư dân. Đồng thời, chính quyền địa phương cần phải tích cực hỗ trợ ngư dân, thống nhất giám sát quá trình sửa chữa, khắc phục sự cố hư hỏng của tàu vỏ thép. Kết thúc việc sửa chữa phải giám sát việc kiểm định một cách chặt chẽ, đảm bảo chất lượng, an toàn mới tiến hành bàn giao cho ngư dân.
Đóng tàu cho ngư dân theo Nghị định 67 là chủ trương lớn, đúng đắn và mang tính chiến lược lâu dài của Chính phủ nhưng việc một số doanh nghiệp tham gia đóng tàu “dỏm” cho ngư dân đã làm ảnh hưởng đến chủ trương này, gây thiệt hại rất lớn cho ngư dân; giảm sút lòng tin của ngư dân với những con tàu vỏ thép. Vì vậy, cần phải kiểm tra, chấn chỉnh ngay những sai phạm của các doanh nghiệp đóng tàu, đồng thời hỗ trợ những thiệt hại trước mắt và lâu dài đối với ngư dân, củng cố niềm tin của ngư dân để tiếp tục yên tâm vươn khơi, bám biển.