Cũng trong cuộc bàn luận này, anh Võ Viết Vương (Q.Thủ Đức, TP.HCM) ngao ngán kết luận: “Mẹ chồng cũng tới lúc chán không buồn để ý tới con dâu, nàng dâu rồi cũng sẽ có ngày hết sợ mẹ chồng; chỉ có... thằng đàn ông là khổ!”.
Vậy, “những người đàn ông khốn khổ” đã làm gì trong tình cảnh ấy?
“Kẻ mạnh” luôn đúng
Với nhiều người đàn ông, chiều mẹ chồng là trách nhiệm đương nhiên của con dâu. Bởi thế, bất kể đúng sai, hễ bất hòa, nàng dâu luôn là người có tội. Tự nhận mình là “người đàn ông truyền thống”, anh Võ Viết Vương không ngại ngần thừa nhận thêm, mỗi lúc đứng giữa cuộc chiến của hai người, anh chỉ biết... đổ hết lên đầu vợ.
Trong gia đình, mẹ anh đích thực là một nội tướng. Một tay bà vừa buôn bán kinh doanh, vừa quán xuyến việc nhà. Từ ngày quen biết, vợ Vương đã thường ví mẹ chồng như “siêu nhân”, bởi bếp nhà mỗi ngày ba lần đỏ lửa, nhà cửa lúc nào cũng bóng loáng.
Thế nhưng lúc vừa làm đám hỏi, chưa chính thức về làm dâu, nàng vỡ lẽ rằng chính mình cũng phải hóa thành “siêu nhân” với những yêu cầu khắt khe của mẹ chồng.
Nhà Vương có đám giỗ, cô phải dậy từ sớm, bắt xe từ H.Củ Chi xuống Q.Thủ Đức để phụ giúp. Tới nơi khi trời còn tờ mờ sáng, gặp nhau ở trước cổng nhà, mẹ Vương lạnh lùng: “Đi lấy cây chổi quét sân giúp mẹ đi!”. Từ phút ấy cho đến cuối ngày, dù chưa chính thức được cưới về, vợ Vương quần quật làm hết việc này đến việc khác.
Đã thế, hễ cô đứng góc nào làm việc, mẹ chồng tương lai cũng trông chừng, rồi hối thúc kiểu: “Chậm chạp vậy thì không sống trong cái nhà này được rồi!”. Khi đã thật sự là người nhà của nhau, quá hiểu tình hình, Vương luôn để mắt mỗi khi vợ được mẹ mình giao thêm việc mới.
Anh cứ tìm cách đến gần, chỉ bảo, phải làm thế này, thế kia, rồi thỉnh thoảng lại giục: “Em nhanh tay lên không lại bị la đấy!”. Ấm ức, cô vợ cằn nhằn: “Em chỉ biết làm cho tốt; còn làm nhanh nữa thì chịu!”.
Thấu hiểu những thiệt thòi mà vợ phải chịu, nhưng vì quá hiểu cá tính mạnh mẽ và yêu kính sự giỏi giang của mẹ, mỗi lần mẹ chồng-nàng dâu xung đột, Vương lại dùng mọi lý lẽ để buộc vợ tin rằng mình đã sai, rồi yêu cầu cô thay đổi.
Những khi không còn lời nào để bênh mẹ, Vương lại dịu giọng thuyết phục vợ: “Em yêu anh, muốn anh được yên tâm thì ráng mà chịu đựng”. Thương chồng, lại thêm bản tính hiền lành, cô vợ cũng nín nhịn.
Chia để “trị”
Không thể “bất công” được như anh Vương, anh Thái Đạo quan niệm, dù trước tiên phải hiếu kính với mẹ, nhưng trong không gian vợ chồng, vợ nghiễm nhiên trở thành “bà trời”, không thể khinh suất. Ra riêng từ thuở mới cưới, đến ngày sinh đứa con đầu lòng anh mới phải cùng vợ chịu cảnh... làm dâu, khi mẹ anh từ quê vào chăm cháu.
Bà cụ ngoài 70 tuổi mà minh mẫn, nói nhiều, lại khá bảo thủ. Mới ngày đầu, bà đã tỏ ra khó chịu vì thấy mọi thứ trong nhà đều không đủ sạch sẽ, ngăn nắp. Bà bắt tay dọn dẹp, xáo trộn mọi thứ. Vợ chồng anh Đạo bắt đầu nháo nhào bởi mỗi lần cần đồ dùng gì đều phải đi kiếm.
Ban đầu, chỉ cần cái nhíu mày ra hiệu của Đạo, vợ anh đã vội vàng giấu vẻ khó chịu, cố tỏ ra bình thường bởi “chiều mẹ một chút chẳng sao”. Nhưng, cái nhíu mày chỉ dăm ngày đã mất tác dụng, khi cô vợ vốn là một “bà hỏa”, hễ nóng lên là chẳng nể nang ai.
Có hôm, tới giờ ngủ, bỗng dưng vợ Đạo bước vào phòng, mặt mày sưng sỉa, chân tay vùng vằng. Hỏi ra mới hay, nàng vừa cao hứng diện bộ đồ ngủ mới, bước ra khỏi phòng tắm đã bị mẹ chồng chê: “Chồng con đuề huề còn chưa biết cách ăn bận cho đàng hoàng!”.
Vừa được yên giấc sau khi ra sức dỗ dành vợ, sáng hôm sau, anh lại chứng kiến cảnh mẹ chồng “tuyệt thực”, đấm ngực than thân vì “rước phải đứa con dâu vô lễ, bất hiếu”. Là bởi, đêm qua, sau câu nói khó nghe của mẹ chồng, nàng dâu sa sầm nét mặt, quay phắt vào phòng, chẳng buồn thưa dạ. Bao nhiêu ấm ức chẳng đổ được lên con dâu, bà dành hết cho con trai, vì biết chắc nó sẽ chẳng thể ngoảnh mặt làm ngơ.
Thật sự, từ nhỏ Đạo đã cảm thấy phiền phức vì cái tính hay can thiệp, la mắng của mẹ. Còn vợ anh, cái sai rành rành, mà anh cũng chẳng lạ gì cái tật “dại mồm” mỗi khi nóng giận của vợ.
Khuyết điểm của hai người, anh hiểu và thông cảm hết. Nhưng, làm sao để họ thông cảm cho nhau? Anh quyết định làm việc riêng lẻ, “giải quyết” từng người một. Hễ trò chuyện với vợ, anh một mực chỉ trích cái sai của cô, rồi phân tích những điều cần thông cảm nơi mẹ.
Đứng trước những lý lẽ của mẹ mình, anh cũng chăm chăm gạt bỏ, rồi khẳng định cụ đã “không khéo léo”, khiến con dâu “vốn rất bận bịu lại thêm bực mình”. Theo anh, khi mất hết hy vọng được bênh vực, cả hai “bà trời” buộc phải nhìn lại cái sai của mình mà điều chỉnh.
Kế sách sau cùng?
Trong khoảng 20 người ngẫu nghiên mà chúng tôi phỏng vấn, hầu hết đều đã thử qua “chiêu” của anh Đạo nhưng không đạt được hiệu quả lâu dài. Anh Khoa Mỹ (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho rằng, cách ấy chỉ tác dụng vài lần đầu.
Những lần sau, anh chưa kịp mở miệng, mẹ anh đã kịp than van: “Ai dè cưới dâu mà chẳng được dâu, lại mất cả đứa con trai!”. Anh tìm tới vợ, cô cũng nhắm mắt bịt tai: “Thôi thôi anh khỏi cần nói, là lỗi tại tôi!”. “Khi đó, tôi trơ trọi một mình một phe, nhà ba người ba phe như có chiến tranh lạnh”, anh Mỹ kết luận.
Anh Hoàng Phương (Q.3, TP.HCM) cũng thừa nhận, trong lúc hai bên đang ngùn ngụt bốc hỏa, không phải người đàn ông nào cũng đủ bản lĩnh đối mặt với từng người mà thường gây thêm căng thẳng khi phán rằng “em sai!” hay “mẹ đã sai!”.
Sau này, anh chuyển sang một chiêu thức trái ngược hoàn toàn. Sau cuộc đụng độ, hễ ai nói gì, anh cũng... gật gù tán thành. Mẹ chê trách con dâu, anh vỗ vỗ vai mẹ trấn an, không quên xoa dịu: “Con biết, con hiểu...”.
Vợ phàn nàn về mẹ chồng, anh “lắng nghe, thấu hiểu” xong rồi còn hứa suông: “Anh sẽ góp ý với mẹ”. Hai “nàng” được lắng nghe, an ủi rồi lại thấy “trọng tài” cũng tỏ vẻ bất bình, bỗng nhiên cũng nhìn lại mình mà tự vớt vát cho đối thủ. Dẹp được loạn mà lại chẳng mất lòng ai là điều khiến anh Phương vô cùng sung sướng.
Quả thực, không có một kế sách luôn đúng cho mọi cuộc bất hòa, hay mọi cặp mẹ chồng - nàng dâu; nhưng vai trò hòa giải của người chồng, người con là không thể thiếu. Thế nhưng, vì mệt mỏi trước những “phiền nhiễu rất đàn bà”, nhiều người đàn ông hoặc phó mặc, hoặc tung hê những cuộc va chạm như một cách né tránh.
Bằng cách này, họ mãi mãi mắc mứu trong buồn bực, bởi ngọn lửa bất hòa đã được châm thêm dầu, nếu không bùng nổ, cũng âm ỉ cháy, thiêu rụi sự thuận hòa, yên ấm. Mặt khác, sự bênh vực hay áp đảo lại dung dưỡng cho những biểu hiện lệch lạc của người này, và tạo cảm giác ức chế cho người kia.
Người ta thường ví những cuộc đụng độ giữa mẹ chồng với nàng dâu như phong ba giữa hai người phụ nữ cùng yêu một người đàn ông. Như thế, người chồng - con lắm khi lại chính là nguyên nhân của sự bất hòa. Thực tế, có những người mẹ ưa “gây sự” với con dâu cũng chỉ vì muốn được con trai chú ý, quan tâm.
Hay những người vợ cố tình “chuyện bé xé ra to” cũng chỉ để thách thức tình yêu của chồng. Làm một người con hiếu kính đồng thời là một người chồng ân cần, ngày ngày ứng xử công bằng, khéo léo; bạn sẽ giảm thiểu phần lớn nguồn cơn của những cuộc va chạm.