Trường nghề vẫn khó tuyển sinh

GD&TĐ - Khảo sát tình hình tuyển sinh một số trường cao đẳng, trung cấp nghề cho thấy, công tác tuyển sinh năm 2017, cho đến thời điểm này, trong khi một số nghề “hot” đã tuyển đủ chỉ tiêu, thì những nghề khác vẫn tiếp tục tình trạng khó tuyển sinh, kể cả các nhóm ngành nghề được dự báo thiếu hụt nhân lực.

Trường nghề vẫn khó tuyển sinh

Nghề y dược, kỹ thuật ít người học

Công tác tuyển sinh đối với các trường cao đẳng, trung cấp nghề trong năm 2017, mặc dù là năm đầu tiên thực hiện tuyển sinh hệ cao đẳng, trung cấp theo Luật Giáo dục nghề nghiệp với nhiều chính sách khuyến khích và cơ chế thông thoáng hơn so với trước đây, tuy nhiên tình hình tuyển sinh hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Theo khảo sát, Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur, đến nay, số lượng hồ sơ nộp về trường mới chỉ bằng 50% chỉ tiêu tuyển sinh.

Đến nay trường mới chỉ tuyển được khoảng 30% chỉ tiêu. Với mức hồ sơ như hiện nay, ước tính trường chỉ có thể phấn đấu tuyển được khoảng 70% chỉ tiêu như năm 2016. Năm nay cũng có những dấu hiệu đáng mừng như một số thí sinh đạt 27 điểm cũng đã xác nhận nhập học tại trường.

Tương tự như vậy, các trường cao đẳng đào tạo ngành Y Dược, Điều dưỡng đều có chung tình trạng tuyển sinh khó khăn. Được biết, các trường đều đã nỗ lực đẩy mạnh các giải pháp như: Tổ chức nhiều kỳ tư vấn tuyển sinh, tư vấn trực tuyến, phát tờ rơi, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mở rộng cơ chế tuyển sinh... Tuy nhiên, nhiều trường vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu, một số trường tuyển sinh mới chỉ đạt khoảng 10 - 30%.

Với một số nhóm ngành kỹ thuật như: Cơ khí, Kỹ thuật xây dựng, Điện, Hàn... mặc dù nhu cầu nhân lực rất cao, nhưng người theo học đến nay cũng không nhiều. Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết, nhân lực về kỹ thuật và công nghệ cao đang rất thiếu hụt, nhưng việc tuyển sinh những ngành nghề này không hề dễ, nhiều học sinh vẫn nghĩ rằng học cơ khí đồng nghĩa với những công việc nặng nhọc, vất vả, mà không biết, ngành này đang bước vào tự động hóa.

Nâng cao nhận thức về học nghề

Theo ghi nhận, các trường cao đẳng, trung cấp nghề hiện đang tập trung tuyển sinh các ngành nghề kỹ thuật, công nghệ. Hầu hết các ngành này, cơ chế tuyển sinh đều thông thoáng và tạo điều kiện tối đa cho người học, thời gian tuyển sinh chia thành nhiều đợt, đi đôi với cam kết việc làm sau đào tạo, tuy nhiên việc tuyển sinh vẫn chưa đạt được so với yêu cầu đặt ra.

Theo đánh giá, công tác tuyển sinh cao đẳng, trung cấp nghề qua các năm đều khó khăn. Tại nhiều địa phương có khu công nghiệp phát triển như Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh… các trường nghề còn đang phải cạnh tranh với các công ty trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhiều học sinh tốt nghiệp THPT có xu hướng vào thẳng các công ty để làm việc. Thay vì tiếp tục học nghề tại cơ sở đào tạo, số đông các em cho rằng đăng ký làm việc tại khu công nghiệp, vẫn được đào tạo, không những không tốn chi phí đào tạo mà vẫn có lương.

Với tư duy này, đây được xem là vấn đề đáng lo ngại, khi các công ty thường chỉ tuyển dụng lao động và đào tạo nhanh các kỹ năng sản xuất đơn giản cho người lao động, để phục vụ sản xuất trong ngắn hạn. Về tương lai, các em cũng không thể có được một nghề nghiệp chuyên sâu để phát triển lâu dài.

Các chuyên gia cho rằng, lâu nay học nghề vẫn được xem là sự lựa chọn cuối cùng của học sinh. Tâm lý sính bằng cấp của xã hội, vẫn đang là một thực tế dẫn đến công tác tuyển sinh của các trường nghề gặp khó khăn. Đây là nguyên nhân không còn mới mẻ, xong để giải quyết nó rất cần đến sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp chính quyền, cơ sở đào tạo trong việc nâng cao nhận thức về học nghề cho lao động trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ