Trường nghề 'chạy đua' tuyển sinh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thời điểm này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang “chạy đua” để thu hút người học.

Cán bộ Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành tư vấn cho học sinh.
Cán bộ Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành tư vấn cho học sinh.

“Đón đầu” thí sinh

Để giúp người học có thông tin đầy đủ về các ngành nghề, chương trình đào tạo, điều kiện học liên thông rồi từ đó cân nhắc, chọn đúng ngành nghề và định hướng học tập phù hợp. Ngay từ đầu năm học 2022 - 2023, Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành (TPHCM) đã tổ chức truyền thông hoạt động tuyển sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, nhà trường còn cử cán bộ, giáo viên đến tận các trường THCS trên địa bàn các quận Gò Vấp, 12, Bình Thạnh, Bình Tân… để tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp.

“Công tác tư vấn tuyển sinh được cán bộ, nhân viên thực hiện xuyên suốt cả năm. Trong đó giai đoạn tăng tốc là từ tháng 2 đến tháng 5 của năm 2023, Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành tổ chức tiếp cận các trường THCS, chủ yếu là khối 9 để thực hiện các hoạt động tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp. Đặc biệt, trong công tác tuyển sinh hệ 9+, đối tượng trường hướng đến là học sinh có học lực trung bình”, thầy Long chia sẻ.

Thầy Hoàng Quốc Long, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, chính việc đào tạo có chất lượng, cơ sở vật chất được đầu tư hiện đại, đáp ứng yêu cầu đào tạo nên học sinh đang học tại trường và những em đã ra trường làm việc ổn định là kênh thông tin hiệu quả, giúp thu hút người học đến với trường. Riêng chỉ tiêu tuyển sinh học sinh 9+ năm học 2023 - 2024 là 400 học sinh và đã được công bố trên website của trường từ đầu năm học.

Tương tự, từ tháng 2/2023, Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic - Bình Định đã triển khai chương trình hướng nghiệp, định hướng tại các trường THCS trên địa bàn tỉnh. Hoạt động nhằm mục đích giúp cho học sinh biết được sau khi tốt nghiệp THCS thì không chỉ lên THPT mà các bạn còn có nhiều sự lựa chọn khác, giúp học sinh hiểu rõ hơn về các ngành nghề đang “hot” trên thị trường việc làm hiện nay.

Ông Hồ Nhật Huy, Giám đốc Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic - Bình Định cho biết, năm 2023 cơ sở này dự kiến tuyển 150 chỉ tiêu. Theo đó sinh viên sau khi tốt nghiệp THCS vào trường sẽ được học 4 môn văn hoá bắt buộc: Toán, Văn, Sử và Lý hoặc Hoá tuỳ vào chuyên ngành đăng ký.

Chương trình đào tạo 3 năm tương đương với 9 học kỳ. Trong đó sau 6 học kì đầu các bạn được cấp bằng trung cấp và giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT. Tiếp tục học 1 năm (3 học kỳ) các em sẽ có bằng hệ cao đẳng chính quy. Sau khi tốt nghiệp sinh viên sẽ được hỗ trợ giới thiệu việc làm.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Hiền (TPHCM) hào hứng trong buổi hướng nghiệp tại trường.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Hiền (TPHCM) hào hứng trong buổi hướng nghiệp tại trường.

Vẫn khó tuyển đủ chỉ tiêu

Dù công tác phân luồng, tư vấn tuyển sinh học nghề được triển khai mạnh mẽ như vậy, nhưng các trường đào tạo nghề vẫn thường trực nỗi lo sẽ khó tuyển đủ chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra.

Thầy Hoàng Quốc Long cho biết, năm học vừa qua nhà trường tuyển được khoảng 80% so với chỉ tiêu ban đầu. Vài năm trước, nguồn tuyển sinh của các trường trung cấp là số học sinh xác định học nghề ngay sau phân luồng, cộng thêm số lượng ít ỏi học sinh THPT không thể vào các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây khi các trường đại học mở rộng nhiều phương thức xét tuyển, đồng thời nhiều trường cao đẳng trên địa bàn TPHCM được phép tuyển sinh hệ 9+ nên tính cạnh tranh cũng cao hơn, vì thế mà rất khó để tuyển đủ chỉ tiêu.

Tương tự, năm học 2022 - 2023 theo kế hoạch Trường Cao đẳng quốc tế TPHCM cũng tuyển 300 học sinh hệ 9+ dù vậy số lượng thí sinh đến nhập học vẫn không đủ chỉ tiêu đưa ra. “Hàng năm, trước kỳ thi tuyển tuyển sinh lớp 10 trên địa bàn TPHCM diễn ra, chỉ có khoảng 20% học sinh lớp 9 nộp hồ sơ đăng ký nhập học so với chỉ tiêu của trường đề ra.

Những em này xác định không thi tuyển vào lớp 10. Sau khi tham dự kỳ thi trên nhiều em biết được kết quả bài thi của mình nên tiếp tục đến trường nộp hồ sơ, tất nhiên lúc này cũng chỉ khoảng được 20%. Thời điểm học sinh đăng ký học nhiều nhất vẫn là sau khi có kết quả trúng tuyển vào lớp 10 công lập”, thầy Long cho hay.

Ông Quách Phan Bảo Nguyên, Trưởng phòng Tuyển sinh Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic - Bình Dương cho rằng, thực tế người học nghề ra trường có việc làm ngay, nhưng các trường nghề vẫn chưa thực sự thu hút được nhiều thí sinh. Đơn vị hiện đang đón đầu xu thế đào tạo các ngành công nghệ cũng như các ngành “hot” đòi hỏi nhu cầu nhân lực cao nhưng sự đón nhận của phụ huynh với học nghề sau THCS nói chung và với Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic - Bình Dương nói riêng vẫn chưa thực sự đạt như kỳ vọng.

“Bình Dương là một tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp với rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tôi hy vọng trong vài năm tới đây việc phụ huynh, học sinh hiểu và tin tưởng lựa chọn việc học nghề sẽ được đón nhận một cách cởi mở hơn. Các em sinh viên học nghề ra trường có việc làm ngay cũng sẽ góp phần giải quyết bài toán nhân lực chất lượng cao cho các địa phương”, ông Nguyên cho hay.

“Vào thời điểm này những năm trước đây, số lượng thí sinh đến trường đăng ký xét tuyển khá ít, nhưng năm nay nhiều thí sinh đã đến trường tìm hiểu và đến nộp hồ sơ từ sớm. Nhiều phụ huynh còn đến trường “đặt chỗ” cho con em vào học hệ 9+ của trường trước khi diễn ra kỳ thi tuyển lớp 10, nhằm giúp các em giảm áp lực thi cử”, thầy Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng quốc tế TPHCM cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ