Khởi sắc trên vùng đất Đông Trường Sơn

GD&TĐ - Ngày nay, đến với huyện vùng cao Sơn Tây nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi thấy những rừng cây ăn quả bề thế giữa núi rừng Đông Trường Sơn.

Vườn ổi Soli bắt đầu cho quả ở xã Sơn Liên.
Vườn ổi Soli bắt đầu cho quả ở xã Sơn Liên.

Thành quả ấy là cả quá trình thay đổi tư duy và nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số và của chính quyền huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) suốt nhiều năm qua.

Xứ ngàn cau chuyển mình

Từ bao đời nay, huyện vùng cao Sơn Tây được mệnh danh là xứ ngàn cau và đây cũng là loại cây chủ lực giúp đồng bào Ca Dong nơi đây cải thiện cuộc sống.

Tuy nhiên, nhiều thời điểm giá cau bấp bênh, có lúc rớt mạnh, chỉ còn vài nghìn đồng/kg hay khi đến vụ thu hoạch nhưng thương lái không mặn mà việc thu mua nên nhiều người dân đã đốn hạ hàng loạt diện tích cau chuyển sang cây keo lấy gỗ. Nhưng không như kỳ vọng, giá gỗ keo nguyên liệu tuột dốc khiến người dân thêm khó khăn.

Hiểu rõ những mặt hạn chế và lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế nên chính quyền huyện Sơn Tây đã chọn hướng đi mới, kết hợp tận dụng các chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để phát triển các giống cây ăn quả phù hợp trên chất đất tại địa phương. Đồng thời, huy động các cấp hội đoàn thể, ban dân vận vào cuộc động viên người dân vươn lên.

"Linh hoạt triển khai, bền bỉ thực hiện", sau một thời gian từ chỗ nhiều hộ dân trước đây không mặn mà với việc thay đổi cây trồng thay thế thì nay đã mạnh dạn đăng ký nhận cây giống, hệ thống ống cấp nước tưới tiêu, phân bón… về để canh tác.

Những loại cây như bưởi da xanh, ổi Soli, mắc ca… được người dân “tín nhiệm” trồng. Những diện tích trước kia trồng keo, mỳ kém hiệu quả nay được thay bằng màu xanh của những rừng cây ăn quả giữa núi rừng trùng điệp.

Điển hình như ở vùng đồi núi Nước Ta, xã Sơn Liên trước đây là những rẫy keo, mỳ, nhưng qua hơn hai năm, cả vùng đất rộng hàng chục ha này đã được thay thế bằng những vườn ổi Soli theo tiêu chuẩn Viet GAP luôn xanh tốt, trĩu quả.

Ngày này, những nông dân lên rẫy đặt đường ống dẫn nước từ hố cao về tưới ổi, bón phân, tỉa cành. Công việc tưởng chừng đơn giản ấy ở vùng cao Sơn Tây là cả một câu chuyện dài về việc thay đổi tập quán canh tác của đồng bào nơi đây.

Các hộ dân ở xã Sơn Liên lắp đặt ống dẫn nước để tưới cho diện tích cây ăn quả.
Các hộ dân ở xã Sơn Liên lắp đặt ống dẫn nước để tưới cho diện tích cây ăn quả.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên - bà Phạm Thị Trầm, ổi Soli đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, truy xuất nguồn gốc bằng mã vạch và mã QR. Hợp tác xã hướng dẫn người trồng ổi lắp đặt hệ thống tưới tiêu tự động, không sử dụng hóa chất hay thuốc trừ sâu, mà chỉ dùng phân vi sinh chăm bón.

"Giống ổi Soli được người tiêu dùng đón nhận và ưa chuộng. Với giá bán lẻ 30.000 đồng/kg, mỗi hecta người nông dân thu về không dưới 15 triệu đồng mỗi năm. Hiện chúng tôi cũng thực hiện thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho bà con, thành quả bước đầu như vậy là rất đáng mừng" - bà Trầm chia sẻ.

Phía bên kia lòng hồ thủy điện Đăk Đrinh thuộc xã Sơn Liên, nơi giáp ranh với tỉnh Kon Tum, rừng cây mắc ca hơn 6ha bước vào vụ cho quả thứ 3 sau hai mùa cho quả bói và nhiều diện tích khác đang được người dân tiếp tục đầu tư thêm, dần mang đến "luồng gió mới" cho vùng đất này.

Luôn đồng hành cùng người dân

Có thể gọi đây là cuộc cách mạng phát triển kinh tế ở vùng đất nghèo Sơn Tây, những nỗ lực của chính quyền nơi đây đã làm thay đổi nhiều thứ kể cả tư duy, nhận thức của người dân. Đưa chúng tôi đi thăm những vườn bưởi bước vào kỳ cho quả, Chủ tịch UBND xã Sơn Long - ông Đỗ Thanh Vượt cho biết, hiện toàn xã có khoảng 30ha bưởi da xanh, trong đó có 20ha được hỗ trợ giống còn lại là của người dân tự trồng. Kết quả ban đầu cây cho trái nhiều, chất lượng bưởi không thua kém gì so với miền Tây và xã cũng đang hướng đến việc đưa sản phẩm bưởi vào các siêu thị.

“Nỗ lực của chính quyền, người dân đã cho quả ngọt bước đầu. Tôi tin một ngày không xa, vùng đất nằm trên trục đường Đông Trường Sơn này sẽ xanh một màu của những rừng bưởi trĩu quả và hướng tới hình thành nên vùng nguyên liệu đầu tiên của huyện nhà”, ông Vượt nói.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây - ông Đinh Trường Giang cho rằng: Không thể một sớm một chiều có thể thay đổi được tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, mà phải cần lộ trình lâu dài để thực hiện và bước đầu đã có chuyển biến tích cực.

Nhiều hộ đã và đang nỗ lực vươn lên làm ăn, hào hứng tham gia những mô hình kinh tế, từng bước thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực hơn. Nhiều người dân trước kia rượu chè bê tha, có tính trông chờ, ỷ lại, nhưng từ khi có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ngành ở địa phương, người dân cũng hiểu rằng chỉ khi bản thân họ thay đổi tư duy thì mới có thể phát triển kinh tế gia đình.

Thành quả rõ nhất là kết thúc năm 2021, giá trị sản xuất toàn huyện đạt hơn 978 tỷ đồng, tăng 5,9% so với năm 2020, đạt 158,4% so với kế hoạch HĐND huyện giao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,91% (chỉ tiêu HĐND huyện giao 5,47%).

"Chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng tôi tự tin sẽ đưa Sơn Tây thành vùng chuyên canh cây ăn quả lớn, qua đó sẽ tạo động lực vươn lên cho đồng bào Ca Dong nơi đây" - ông Giang đặt kỳ vọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Theo đuổi ước mơ

GD&TĐ - Một hôm, trong làng xuất hiện ông lão kỳ lạ, từng lang thang khắp nơi. Hu Wa cùng nhóm bạn nhỏ giống như lũ chim sẻ tíu tít vây quanh ông...

Cha con NSƯT Quyền Văn Minh sẽ chơi cùng các nghệ sĩ band Bình Minh Jazz Club.

NSƯT Quyền Văn Minh tái ngộ khán giả

GD&TĐ - NSƯT Quyền Văn Minh và con là nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc sẽ tái ngộ khán giả tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội) trong liveshow 'Cha, con và nhạc Jazz'.