Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, những điều khoản trên chưa thể hiện được nguyên tắc “…có đất để sản xuất, kinh doanh, đảm bảo sinh kế” cho đồng bào DTTS.
Phải xem xét kỹ chính sách đất đai với đồng bào DTTS
Góp ý vào Dự thảo, ông Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đã nêu ra những khó khăn của vùng đồng bào DTTS. Những khó khăn hiện hữu ở “vùng đặc biệt” có tác động rất lớn đến việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật nói chung và chính sách, pháp luật về đất đai đối với đồng bào DTTS nói riêng.
Theo ông Hương, đồng bào DTTS Việt Nam chiếm 14,7% tổng dân số cả nước, địa bàn cư trú chủ yếu ở miền núi. Trình độ phát triển của hầu hết ở các vùng có đồng bào DTTS sinh sống còn thấp và không đều nhau.
Đồng bào DTTS có cơ sở hạ tầng yếu kém; tài nguyên ngày càng cạn kiệt, đất sản xuất bị thu hẹp do bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư phát triển. Trên các vùng núi dốc, đất đai bị xói mòn, bạc màu, khả năng canh tác ngày càng giảm và thường xuyên bị sạt lở, bồi lấp.
Bên cạnh đó, đồng bào DTTS còn có chất lượng nguồn nhân lực thấp khi tỷ lệ chưa biết đọc, biết viết tiếng Việt còn khá cao; tỷ lệ lao động người DTTS đã qua đào tạo chỉ đạt 6,2%, gần bằng 1/3 tỷ lệ bình quân chung cả nước…
Đây là những yếu tố có tác động, trở ngại rất lớn đến việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật nói chung và chính sách, pháp luật về đất đai đối với đồng bào DTTS nói riêng.
Luật Đất đai năm 2003 đã có quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với đồng bào DTTS ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Đến Luật Đất đai năm 2013 đã bổ sung trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào DTTS; các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi sử dụng đất sản xuất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân là người DTTS; đất nông nghiệp khi giao đất, cho thuê đất phải ưu tiên hộ gia đình, cá nhân là DTTS không có đất hoặc thiếu đất sản xuất ở địa phương.
Các quy định của Luật Đất đai năm 2013 được đánh giá đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thể chế hóa của các văn bản dưới luật và tổ chức thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS. Tuy nhiên, việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS ở một số nơi còn chậm, hiệu quả chưa cao, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội năm 2019, cả nước có 24.532 hộ DTTS thiếu đất ở, 210.400 hộ DTTS có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất. Trong điều kiện của vùng đồng bào DTTS, hầu hết các diện tích đất đã được giao đến các chủ sử dụng đất, nhu cầu về đất của đồng bào ngày càng tăng.
Thực tế thì quỹ đất của các địa phương để giải quyết không nhiều và có xu hướng bị thu hẹp. Do đó, việc thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS là nhiệm vụ cấp bách và cần được xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo, bảo đảm phù hợp thực tiễn, có tính khả thi.
Đất phải được sử dụng đúng mục đích
Ông Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. |
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết, qua nghiên cứu Dự thảo cho thấy có 4 điều khoản quy định riêng cho vùng DTTS; 4 điều khoản quy định cho một số đối tượng ưu tiên, trong đó có đồng bào DTTS.
Tuy nhiên, ông Hương đánh giá Dự thảo chưa thể chế hóa đầy đủ tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW; các chính sách đối với DTTS trong các điều luật chưa thể hiện được nguyên tắc nêu tại Điều 17 quy định về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS số là: “…có đất để sản xuất, kinh doanh, đảm bảo sinh kế”, do đó cần tiếp tục xem xét, sửa đổi, bổ sung.
Ông Hương đề xuất, về chính sách “tạo điều kiện” như Dự thảo cần sửa thành “ưu tiên” theo Nghị quyết số 18. Cần quy định rõ các chính sách ưu tiên áp dụng đối với đồng bào DTTS; đồng thời thể hiện rõ các chính sách này ở các điều khoản khác trong Dự thảo, nêu rõ đối tượng đồng bào DTTS, không để chung với nhóm đối tượng khác.
Song song với đó, ông Hương cũng cho rằng cần làm rõ về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất là cộng đồng dân cư. Cụ thể, hiện nay, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư chưa nhiều và chính sách hỗ trợ của Nhà nước với đối tượng này còn rất hạn chế nên hiệu quả sử dụng đất không cao, không khuyến khích sự tham gia tích cực của người dân.
Ở một số khu vực kinh tế phát triển, nhiều cộng đồng DTTS muốn được góp quyền sử dụng đất để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, Dự thảo quy định không được chuyển nhượng, góp vốn quyền sử dụng đất đối với trường hợp này.
“Về bản chất, quy định này để cấm việc chiếm dụng hoặc làm thất thoát tài sản của Nhà nước (giá trị quyền sử dụng đất) đã giao cho cộng đồng dân cư”, ông Hương nêu quan điểm.
Dự thảo có quy định người sử dụng đất hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất, do đó để phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai vùng đồng bào DTTS, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách sử dụng tài sản công (giá trị quyền sử dụng đất), coi như đó là nguồn vốn của Nhà nước đầu tư cho địa phương, người dân sản xuất, kinh doanh vào các mục đích như phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.
Đối với đồng bào DTTS, đây là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn thi hành luật cần có quy định chặt chẽ, nghiêm minh để đất được sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả kinh tế xã hội và không bị chiếm dụng, chuyển quyền sử dụng trái pháp luật.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội cho rằng, Dự thảo cần xem xét bổ sung quy định yêu cầu có hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí như một công đoạn bắt buộc trong các giao dịch liên quan đến chuyển nhượng, thu hồi đất đối với một số cộng đồng DTTS thuộc nhóm rất ít người, có nhiều khó khăn. Việc này nhằm bảo đảm người DTTS nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình trước khi thực hiện các giao dịch về đất đai.