Dạy song ngữ cho trẻ dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Bên cạnh việc tăng cường tiếng Việt, trường học còn dạy song ngữ và bố trí góc địa phương để trẻ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hoá truyền thống.

Trường mầm non dạy song ngữ thông qua hoạt động, gian hàng "Chợ quê" trong khuôn viên trường học.
Trường mầm non dạy song ngữ thông qua hoạt động, gian hàng "Chợ quê" trong khuôn viên trường học.

Học thông qua chơi

Từ ngày 27/2 – 1/3, Phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) tổ chức tập huấn và hội thảo Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021-2025.

Chương trình tập huấn với hơn 70 cán bộ quản lý và giáo viên thuộc các trường mầm non trên địa bàn thành phố đến tham dự. Tại đây, cán bộ, giáo viên sẽ tham quan môi trường bên ngoài và trong lớp học tại 3 trường mầm non. Sau khi tham quan và theo dõi các hoạt động thầy, cô giáo sẽ thảo luận, trao đổi, chia sẻ với nhau. Đồng thời hướng dẫn tổ chức bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng hợp lý và tăng cường lồng ghép giáo dục dinh dưỡng, sức khỏe trong các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại cơ sở Giáo dục mầm non.

Giáo viên và học sinh với bộ trang phục truyền thống uyển chuyển trong điệu múa xoang.

Giáo viên và học sinh với bộ trang phục truyền thống uyển chuyển trong điệu múa xoang.

Tại Trường mầm non Tuổi Hồng (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) cô giáo Đoàn Thị Mỹ Hiệp kể cho các em nghe về câu chuyện “Thỏ con không vâng lời” bằng rối tay. Khi câu chuyện kết thúc cô Hiệp cho trẻ đàm thoại dưới hình thức mở ô cửa chữ số với những câu hỏi liên quan. Khi các em trả lời đúng sẽ được tuyên dương bằng những tràng pháo tay. Để trẻ nhớ và hiểu được ý nghĩa câu chuyện, giáo viên cho các em hoá thân thành những nhân vật liên quan.

“Thông qua hoạt động này tôi muốn các em biết tên, nhân vật, hiểu nội dung và nhớ lời thoại câu chuyện. Qua đó, rèn cho các con về kỹ năng quan sát, chú ý, ghi nhớ, hoạt động nhóm… Cũng từ đó giúp các em phát triển ngôn ngữ, khả năng nghe kể chuyện, nói được lời thoại của nhân vật nhằm giúp trẻ ngoan hơn trong giờ học, vâng lời bố mẹ, cô giáo và người lớn”, cô Hiệp chia sẻ.

Múa xoang quanh nhà rông

Giáo viên hướng dẫn học sinh tự tạo những sản phẩm mà mình yêu thích từ vật liệu gần gũi và có sẵn.
Giáo viên hướng dẫn học sinh tự tạo những sản phẩm mà mình yêu thích từ vật liệu gần gũi và có sẵn.

Không gian bên ngoài, học sinh hào hứng và thích thú khi tham gia hoạt động “Người chăn nuôi giỏi”. Các em mẫu giáo ghép 3-4 tuổi được chia thành 4 đội để tham gia trò chơi tìm thức ăn thường ngày của những con vật gần gũi với đời sống. Bên cạnh đó, giáo viên cho trẻ tự do sáng tạo, làm trang phục và trang sức bằng lá cây, xâu vòng… Đặc biệt, ở góc địa phương với bộ trang phục truyền thống các em tạo thành một vòng tròn và múa điệu xoang uyển chuyển dưới mái nhà rông.

"Em rất vui, thích khi được múa hát và sáng tạo cùng các bạn. Khi đi học em được tự tay làm tranh bằng đậu, làm xâu hạt... ", em A Mon bộc bạch.

Những sản phẩm trẻ mầm non sáng tạo.

Những sản phẩm trẻ mầm non sáng tạo.

Cô Lê Thị Phương Thảo, Hiệu trưởng Trường mầm non Tuổi Hồng cho biết, toàn trường có học 278 học sinh trong đó 270 em là người dân tộc thiểu số. Nhằm giúp các em phát triển toàn diện, bên cạnh tăng cường tiếng Việt nhà trường còn cho trẻ tự sáng tạo, làm nhà rông và vẽ tranh bằng những vật liệu gần gũi, có sẵn tại địa phương.

Trẻ học song ngữ ở mọi lúc, mọi nơi.
Trẻ học song ngữ ở mọi lúc, mọi nơi.

“Nhà trường cũng đã xây dựng góc địa phương với căn nhà rông, đàn, trang phục truyền thống… để trẻ ghi nhớ và lưu giữ văn hoá dân tộc. Đặc biệt, nhà trường dạy song ngữ tiếng Việt - tiếng dân tộc thiểu số thông qua những trò chơi, vật dụng trang trí có sẵn để trẻ không còn trở ngại về ngôn ngữ”, cô Thảo nói.

Ông Thái Khắc Hòa, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum cho biết, thông qua việc thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021-2025 cán bộ, giáo viên các trường vùng thuận lợi và khó khăn sẽ có cơ hội trao đổi, chia sẻ nhiều kinh nghiệm dạy học bổ ích.

Theo ông Hòa, thông qua việc thực hiện chuyên đề sẽ tạo môi trường giáo dục công bằng, an toàn, lành mạnh, kích thích tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng mục tiêu chương trình giáo dục mầm non hiện nay. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm của cán bộ, quản lý, giáo viên và phụ huynh học sinh trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.