Nâng chất nghiên cứu, chuyển giao
Tại ĐBSCL, Trường ĐH Cần Thơ là trọng điểm công tác đào tạo và nghiên cứu, chuyển giao KHCN. Trong giai đoạn 2020 - 2022, trường triển khai 1.381 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, trong đó 1.288 nhiệm vụ trong nước và 91 quốc tế với kinh phí hơn 240 tỷ đồng. Trường có 17 hồ sơ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ; 80 quy trình công nghệ mới đã và đang ứng dụng, chuyển giao.
Trường ký kết 42 hợp đồng dịch vụ KHCN và thương mại hóa tài sản trí tuệ, với tổng kinh phí trên 11 tỷ đồng. Theo GS.TS Trần Ngọc Hải - Phó Hiệu trưởng nhà trường, số đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên giai đoạn 2020 - 2022 là 681 với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, có 100 đề tài tham gia đăng ký giải thưởng, 20 giải cấp Bộ, 5 giải Euréka, 50 giải cấp trường…
Trường ĐH Cần Thơ có thế mạnh trong đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành lớn nhất khu vực ĐBSCL, đặc biệt các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, môi trường, công nghệ sinh học, thông tin, thực phẩm…
Mới đây, đơn vị công bố, giới thiệu 116 công nghệ và sản phẩm công nghệ sáng tạo, trong đó chiếm nhiều nhất là lĩnh vực thủy sản với 32 sản phẩm và quy trình kỹ thuật được chuyển giao. Lĩnh vực nông nghiệp có 13 sản phẩm và quy trình công nghệ ứng dụng vào sản xuất. Còn lại là các lĩnh vực công nghệ; công nghệ sinh học, thông tin, thực phẩm, môi trường...
Điển hình là công trình “Nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống ốc bươu đen” do nhóm nghiên cứu của PGS.TS Ngô Thị Thu Thảo (Bộ môn Kỹ thuật nuôi hải sản, Khoa Thủy sản) triển khai. Đề tài đã ứng dụng thành công, chuyển giao cho trại thực nghiệm sản xuất giống cung cấp đến người nuôi; tập huấn người dân ở Vườn Quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang).
Đề tài “Xây dựng quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá niên trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum” do PGS.TS Dương Nhựt Long làm chủ nhiệm. Công trình đã cho sinh sản nhân tạo thành công giống cá niên, được đưa vào sản xuất với tính khả thi cao.
Theo GS.TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, năm học 2022 - 2023, trường triển khai 685 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học các cấp với tổng kinh phí gần 87,3 tỷ đồng; trong đó 38 đề tài cấp Bộ, 555 đề tài cấp cơ sở, 56 đề tài địa phương và 36 đề tài thuộc dự án ODA.
Trường được nghiệm thu và đưa vào ứng dụng thực tế 473 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Trong năm học, viên chức, người lao động đã đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ 12 công trình; cấp thêm 1 bằng độc quyền GPHI, nâng tổng số bằng độc quyền sáng chế/GPHI của trường sở hữu lên 4 bằng…
Khu vực thực nghiệm nông nghiệp tại Trường ĐH Kiên Giang. Ảnh: NTCC |
Nghiên cứu gắn với địa phương
Tại Đồng Tháp, Trường ĐH Đồng Tháp và sở KH&CN tỉnh phối hợp hiệu quả trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học. Đặc biệt, sở và trường đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng nhiệm vụ KHCN; triển khai phổ biến chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học; tư vấn và chuyển giao KHCN.
Sau 1 năm phối hợp, có 15 lượt nhà khoa học của Trường ĐH Đồng Tháp tham gia hội đồng tư vấn KHCN tỉnh trên các lĩnh vực thủy sản, công nghệ sinh học, thông tin, giáo dục, khoa học xã hội… góp phần nâng cao chất lượng công tác xác định nhiệm vụ, xét duyệt hồ sơ và đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ. Trường ĐH Đồng Tháp và sở KH&CN phối hợp thực hiện 3 đề tài cấp tỉnh và được phê duyệt, tổ chức chuyển giao kỹ thuật nuôi cua đồng thương phẩm cho các hộ dân huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp)…
Ông Trần Thanh Liêm - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Đồng Tháp cho biết: Thời gian qua, Trường ĐH Đồng Tháp phối hợp tốt với sở KH&CN trao đổi thông tin và tư vấn, nghiên cứu, chuyển giao KHCN. Phát huy kết quả đã đạt được, sở KH&CN ưu tiên mời các nhà khoa học Trường ĐH Đồng Tháp tham gia hội đồng tư vấn thực hiện công tác tư vấn nhiệm vụ KH&CN của tỉnh; tăng cường đề xuất công trình nghiên cứu trên lĩnh vực có tính ứng dụng cao, phù hợp định hướng phát triển.
Đối với sản phẩm nghiên cứu KHCN, kỹ thuật của nhà trường được cấp thẩm quyền công nhận, sở KH&CN kết nối, giới thiệu và chuyển giao đến địa chỉ có nhu cầu. Qua đó, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng KHCN tại đơn vị, địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Mới đây, nhóm nghiên cứu sản xuất Trường ĐH Trà Vinh đã bàn giao máy tách vỏ dừa cho doanh nghiệp chế biến xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm (Bến Tre). Đây là sản phẩm thương mại hóa thành công từ kết quả nghiên cứu Đề tài cấp tỉnh “Chế tạo máy tách vỏ dừa khô tại Trà Vinh, phục vụ cho sản xuất tơ xơ dừa” do ThS Đặng Hoàng Vũ làm trưởng nhóm cùng với TS Phạm Quốc Phong - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Sản xuất, Dịch vụ (Trường ĐH Trà Vinh). Nhóm nghiên cứu thiết kế và sản xuất theo đơn đặt hàng dựa trên khả năng của doanh nghiệp.
Thiết bị được đánh giá đáp ứng yêu cầu của khách hàng về an toàn vận hành và chất lượng sản phẩm dừa hột, vỏ lấy chỉ xơ dừa. Máy thiết kế khâu nạp liệu với năng suất 500 trái/giờ. Hệ thống nạp đưa dừa vào vùng tách đảm bảo an toàn cho người lao động.
Anh Phù Xuân Tâm - chủ doanh nghiệp cho biết: Thiết bị do Trường ĐH Trà Vinh sản xuất giúp đơn vị chủ động việc thuê nhân công, tiết kiệm chi phí. Nguồn điện vận hành máy tiện lợi vì sử dụng chung điện lưới gia đình. Hột dừa sau lột tách vỏ sạch, thuận lợi cho việc sản xuất nước cốt dừa. Việc vận hành máy cũng khá đơn giản và thuận lợi sản xuất.
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh, trường đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, nhà trường mở rộng phát triển quỹ khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học và học bổng khuyến khích học tập để giúp cán bộ, giảng viên, sinh viên mạnh dạn phát triển ý tưởng, nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng giá trị phục vụ cộng đồng…