Khởi sắc của một Phong trào

Khởi sắc của một Phong trào
(GD&TĐ) - Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” (THTT, HSTC) nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của xã hội để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương và đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh trong học tập và các hoạt động xã hội.
 Một năm nỗ lực cho THTT-HSTC

Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” (THTT, HSTC) trong các trường phổ thông giai đoạn 2008-2013 do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn  Thiện Nhân phát động ngày 15/ 5/ 2008 tại trường THCS Vạn Phúc- Hà Đông- Hà Nội, với mục tiêu huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong và ngoài nhà trường để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương và đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh trong học tập và các hoạt động xã hội.
 
Ngay sau Lễ phát động, Ban Chỉ đạo phong trào từ Trung ương đến địa phương đã tích cực triển khai các hoạt động cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Các ban ngành phối hợp đã triển khai những hoạt động thiết thực như: Bộ Văn hoá, Thể thao, Du lịch tổ chức Ngày di sản văn hoá Việt Nam, Ngày về nguồn; Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh có các chương trình: Thắp sáng ước mơ, Giúp đỡ bạn đến trường, đưa dân ca, trò chơi vào trường học, đến với các làng nghề, thi sáng tác vì mái trường thân thiện, xây dựng và cấp học bổng cho học sinh nghèo vượt khó… Bộ GD&ĐT đã xác định phong trào xây dựng THTT, HSTC là nội dung của chủ đề năm học 2008-2009, là một trong 15 tiêu chí thi đua của các Sở GD&ĐT. Hàng loạt các văn bản chỉ đạo cùng với Sổ tay  hướng dẫn được xây dựng và ban hành kịp thời.
Lễ ký kết phối hợp liên ngành
Lễ ký kết phối hợp liên ngành

Tính đến nay, đã có 37.011 trường đăng ký tham gia phong trào, trong đó có 5.440 trường được chọn làm đơn vị chỉ đạo điểm cấp tỉnh. Nội dung cụ thể do các nhà trường tự lựa chọn, phù hợp với điều kiện sao cho chất lượng giáo dục được nâng lên và có dấu ấn của địa phương một cách mạnh mẽ. Kết quả kiểm tra tại 56 trường  (mầm non,  tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) của 14 tỉnh  thuộc 7 vùng do Bộ giáo dục và Đào tạo cùng các Bộ ngành tham gia trong các đoàn kiểm tra cho thấy phong trào đã có nhiều chuyển biến rất tích cực. Điều dễ nhận thấy nhất là quang cảnh nhà trường đã xanh - sạch - đẹp – an toàn hơn trước. Hệ thống nước sạch, công trình vệ sinh được cải thiện rõ rệt, cảnh quan môi trường sạch sẽ hơn. Hầu hết các tỉnh đều dự kiến trong năm 2010 tất cả các trường đều có công trình vệ sinh nước sạch đảm bảo ở mức tối thiểu. Nhà trường đã chú trọng rèn luyện kĩ năng sống, kĩ năng giao tiếp, ứng xử cho học sinh. Một số tỉnh, thành phố đã triển khai tới cả các trung tâm GDTX. Chính quyền địa phương các cấp đã tích cực tham gia chỉ đạo phong trào, nhiều địa phương đã cấp đất bổ sung mở rộng khuôn viên các trường học và đầu tư tăng cường cơ sở vật chất để trường học đạt chuẩn quốc gia.

Phong trào đã được sự hưởng ứng của dư luận, sự đồng thuận của cán bộ, giáo viên, học sinh trong các nhà trường, các bậc phụ huynh, các ban ngành ở Trung ương và chính quyền các cấp.

Việc dạy và học trong các nhà trường có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều giáo viên đã chú trọng đổi mới phương pháp dạy học và ứng dụng CNTT. Cùng với việc nghiên cứu các tài liệu về đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, các văn bản chỉ đạo của ngành giáo dục và đào tạo, nhiều tài liệu  tổng hợp từ thực tiễn được các thầy cô giáo vận dụng vào bài giảng cho thêm phần phong phú, hấp dẫn. Một số tài liệu hỗ trợ  dạy và học có hiệu quả được Dự án PTGDTHCSII hợp tác với Viện KH GDVN, Vụ GDTrH biên soạn và cung cấp, phục vụ cho đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh. Hiện nay, Dự án đã tiến hành cung cấp xong các đề kiểm tra học kỳ 16 môn học, biên soạn mới và thu thập các đề kiểm tra học kỳ của tất cả các môn học, soạn gần 250 đề kiểm tra học kỳ I và học kỳ II. Thư viện câu hỏi đang được Dự án triển khai xây dựng cho 4 môn Toán, Vật lý, Ngữ văn và Tiếng Anh theo Kế hoạch đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt. Sau khi xây dựng xong sẽ chuyển cho Vụ Giáo dục Trung học để thẩm định và đưa lên mạng, góp phần vào công tác xây dựng thư viện câu hỏi, bài tập của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai. Dự án đã tổ chức biên soạn bộ tài liệu đổi mới phương pháp dạy học các môn học trong trường THCS (ứng với mỗi môn có một tài liệu) và các tài liệu này đã được cung cấp đến tất cả các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT và tất cả các trường THCS trong cả nước. Ngoài ra là biên soạn tài liệu cho học sinh khuyết tật, tài liệu cho giáo viên và học sinh dân tộc, tham gia chuyển đổi sách giáo khoa chữ nổi, tài liệu về phòng học bộ môn…

Các hình thức thi giáo viên dạy giỏi, làm đồ dùng dạy học đã được tổ chức ở hầu hết các trường. Trong giờ học, học sinh được khuyến khích phát biểu, trình bày ý kiến với thầy cô tạo không khí sôi động, cởi mở. Trong môi trường trường học thân thiện, HS sẽ cảm thấy sự thoải mái khi việc học của các em không chỉ gắn với những kiến thức trong sách giáo khoa mà còn được học thông qua các trò chơi, qua sự trải nghiệm của chính các em khi tham gia các hoạt động ngoại khoá. Học sinh chủ động và tích cực hơn trong học tập nên ở nhiều địa phương tỉ lệ học sinh bỏ học giảm hơn so với trước, tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng lên.

Đặc biệt phong trào có sức lan tỏa nhanh nhờ sự thông tin kịp thời của các phương tiện thông tin đại chúng về những mô hình triển khai tốt ở các địa phương.

Các trò chơi dân gian, tiếng hát dân ca khi đưa vào các trường đã được học sinh hưởng ứng tích cực.  Hình thức chăm sóc, hỗ trợ, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá, cách mạng được thể hiện phong phú ở hầu hết các nơi. Tuỳ theo lứa tuổi, học sinh tham gia chăm sóc và bảo vệ các khu di tích lịch sử gần nơi trường đóng. Nhiều địa phương đã chỉ đạo chăm sóc một số di tích lịch sử văn hoá trọng điểm và có kết quả tốt. Nhiều trường đưa lên trang web nhà trường các tư liệu về văn hoá, lịch sử, giá trị của các di tích…

Cuộc thi sáng tạo giáo dục ở cấp tiểu học và Trung học cơ sở, cuộc thi giải toán trên mạng Internet,… đã khơi dậy việc phát huy sáng kiến, góp phần hỗ trợ tích cực tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo”

Qua một năm thực hiện đã có hàng trăm sáng kiến xuất hiện, nhiều sáng kiến đã thực sự trở thành điểm nhấn trong phong trào.
Cô và trò Trường THCS Hương Sơn, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) tổ chức lao động làm sạch môi trường học đường
Cô và trò Trường THCS Hương Sơn, Lạng Giang (Bắc Giang) tổ chức lao động làm sạch môi trường học đường

Một số cách làm hay  từ  thực tiễn giáo dục nước ta:

1. Về  dạy và học có hiệu quả:

Nhiều trường ở nơi có điều kiện đã động viên giáo viên sưu tầm tài liệu, sách báo, tra cứu thông tin trên mạng Internet, thiết lập trang Web của trường, của phòng giáo dục để xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử phục vụ giảng dạy và học tập, nghiên cứu, phổ biến sáng kiến về đổi mới phương pháp dạy học.

Khuyến khích, hướng dẫn học sinh giúp đỡ nhau trong học tập, học sinh khá giỏi giúp đỡ học sinh yếu kém. Động viên các em mạnh dạn đề xuất các ý kiến, sáng kiến của mình trong học tập. Rèn cho các em có thói quen tự học, tự nghiên cứu, tìm hiểu thêm tài liệu ngoài bài giảng của giáo viên ở trường. Nơi có điều kiện nhà trường đã hướng dẫn học sinh tìm kiếm tư liệu bổ ích trên Internet.     

Khuyến khích giáo viên và học sinh khai thác một số trang web như http://www.moet.gov.vn (trang web của Bộ Giáo dục và Đào tạo), trong đó có thể tham khảo thư viện đề và câu hỏi kiểm tra THCS; http://vi.wikipedia.org (bách khoa toàn thư có nội dung mở); http://vi.wiktionary.org (từ điển có nội dung mở); http://vi.wikibooks.org (tủ sách mở), trang Web của Phòng giáo dục, của nhà trường tự xây dựng… để hỗ trợ cho việc dạy học trên lớp và làm cho học sinh hứng thú học tập hơn.

2. Về tổ chức các hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh:

- Tổ chức hoạt động ngoại khóa, lồng ghép nội dung dạy kiến thức với giáo dục bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương.

- Tạo bầu không khí thân thiện, cởi mở, trong đó học sinh được lắng nghe, chia sẻ, hoà nhập, tự tin và cảm thấy an toàn, hứng thú trong mỗi hoạt động (một số trường đã có hòm thư về trường học thân thiện, học sinh tích cực để lấy ý kiến của học sinh và xử lý thông tin kịp thời, có biện pháp quan tâm thực sự đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn….).

- Phát động giáo viên, học sinh, các đoàn viên thanh niên lớn tuổi, học sinh cũ của trường, các bậc phụ huynh và tổ chức xã hội, các cá nhân, doanh nghiệp quan tâm hoặc sưu tầm, sản xuất đóng góp các dụng cụ, phương tiện để tặng cho nhà trường, hoặc đóng góp kinh phí cho công việc này, được hệ thống loa truyền thanh ở địa phương biểu dương. Tổ chức cho học sinh tự làm hoặc sưu tầm các dụng cụ cho trò chơi dân gian.

- Tạo điều kiện về vật chất và tinh thần cho học sinh phát huy tính sáng tạo thông qua việc tham gia sinh hoạt câu lạc bộ (câu lạc bộ văn hoá - văn nghệ, câu lạc bộ thể thao, câu lạc bộ bảo vệ môi trường, câu lạc bộ yêu thích bộ môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh…); các hoạt động có tính chất khảo sát, tìm hiểu (sưu tầm vốn văn hóa dân gian, trò chơi dân gian, tìm hiểu về di tích lịch sử, văn hóa ở địa phương….).

- Các câu lạc bộ  hoạt động ngoại khóa nhà trường đã chú ý đến việc lựa chọn các em  học sinh có năng lực ở các lớp gần cuối cấp (lớp 8, lớp 11) làm đội trưởng, giáo viên  đóng vai trò cố vấn chứ không làm thay cho học sinh như trước. Những đội trưởng các câu lạc bộ có thành tích xuất sắc đã được nhà trường biểu dương khen thưởng kịp thời.

Và rất nhiều nội dung khác đã được các cơ sở GD phát huy sáng kiến   để tạo ra những hoạt động bổ ích, hướng đến quyền lợi của các em học sinh. Ví dụ như biểu dương tiến bộ của HS vào Lễ chào cờ thứ 2 hàng tuần, hướng dẫn HS tìm hiểu tư liệu về văn hoá địa phương, tổ chức HS tham gia hướng dẫn du lịch địa phương, hoạt động rèn luyện kỹ năng sống, hoạt động tập thể, xã hội khác; thành lập các CLB thể thao hay trò chơi dân gian…
Với những kết quả của năm đầu tiên đầy khởi sắc, hi vọng trong những năm tới đây phong trào thi đua sẽ tiếp tục góp phần làm cho tất cả các nhà trường có chuyển biến  mạnh mẽ hơn, đạt được thành công tốt đẹp như mong đợi của ngành giáo dục cũng như của toàn xã hội.
TS. Trần Đình Châu
(Vụ trưởng, Giám đốc Dự án PTGD  THCSII, Uỷ viên thường trực Ban chỉ đạo)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ