Khơi nguồn tri thức bằng sự tận tâm

GD&TĐ - Sức mạnh từ tình yêu thương, tâm huyết với nghề của cô giáo cô Phí Thị Thư đã thôi thúc cô không quản ngại vất vả để giúp đỡ những HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đến trường.

Khơi nguồn tri thức bằng sự tận tâm

Nhiều năm qua, hình ảnh cô Phí Thị Thư – GV Trường Tiểu học Tân Xã (huyện Thạch Thất, Hà Nội) hàng ngày dắt, cõng học trò lên xuống cầu thang cho các em đi vệ sinh hay tới phòng học các môn chuyên biệt trở nên quen thuộc, gần gũi với đồng nghiệp và HS trong trường. 

Tỏa sáng nét đẹp người khơi nguồn tri thức

Câu chuyện để lại nhiều xúc động cho mọi người và cũng là kỷ niệm ấn tượng nhất trong hơn 20 năm dạy học của cô Phí Thị Thư là em Nguyễn Văn Toàn, HS lớp cô giảng dạy năm học 2016 - 2017. Toàn bị mắc bệnh còi xương và đường ruột, mặc dù đã 6 tuổi, học lớp 1 nhưng chiều cao của em chỉ như em bé mới 2 tuổi. Việc đi lại của Toàn rất khó khăn, do sức khỏe yếu, em tiếp thu bài cũng chậm hơn so với bạn cùng lớp. Thương cậu học trò nhỏ, hằng ngày, cô Thư ân cần cầm tay, dắt em mỗi khi xếp hàng ra vào lớp, cõng em lên xuống cầu thang đến các phòng học tiếng Anh, Âm nhạc… và phân công một bạn cầm cặp sách giúp em. Toàn không thể tự đi vệ sinh được, mỗi lần như thế cô đều phải đưa đi rồi vệ sinh sạch sẽ cho em. Cứ như vậy, 9 tháng đi qua, bằng sự nỗ lực cố gắng của cả cô và trò, cuối năm học Nguyễn Văn Toàn đã hoàn thành chương trình lớp 1 và được lên lớp 2.

Câu chuyện về em Hà Bảo Châu, HS lớp cô Thư giảng dạy năm học 2017 - 2018 thêm một lần nữa lan tỏa tấm gương sáng về một nhà giáo tận tâm với nghề, với trò. Hà Bảo Châu bị bệnh viêm mao mạch, phải nghỉ học một tháng nằm viện để chữa bệnh. Bệnh của em phải kiêng đi lại, gia đình đông con, hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Bố mẹ muốn em nghỉ học, cô Thư đã thường xuyên đến nhà thăm hỏi, động viên gia đình cho em tiếp tục được đến lớp. Sau thời gian Hà Bảo Châu nằm viện, cô trở thành người mẹ thứ hai của em. Hằng ngày, cô cõng em tới các phòng học môn chuyên biệt, đi vệ sinh, đồng thời đưa đón Châu đi học mỗi khi gia đình em có việc bận. Vào giờ ra chơi, cô bồi dưỡng thêm kiến thức để em theo kịp chương trình. Niềm vui lớn nhất với cô là cuối năm học em Hà Bảo Châu đã được nhà trường khen thưởng HS hoàn thành xuất sắc nội dung học tập và rèn luyện.

Năm học 2020 - 2021, những việc làm đầy tình thương, nhiệt huyết của cô Thư lại tiếp tục chạm vào trái tim của tất cả GV, HS trong trường. Bởi năm học này lớp cô chủ nhiệm có một học sinh bị tự kỷ. Không tự đi vệ sinh được, sách vở lấy ra nhưng không biết cất, cô phải giúp em từ việc đi vệ sinh đến việc thu xếp sách vở đồ dùng sau mỗi buổi học.

Chia sẻ về việc làm của mình, cô Thư bộc bạch: “Ngay từ khi rời ghế trường sư phạm, tôi luôn có một tâm nguyện sẽ suốt đời chung thủy với nghề dạy học. Đặc biệt, tôi luôn quan tâm đến những HS có hoàn cảnh khó khăn”. 

Cô Phí Thị Thư luôn quan tâm chăm sóc HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Cô Phí Thị Thư luôn quan tâm chăm sóc HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Nối dài yêu thương

Không chỉ quan tâm đến HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mong muốn mang đến cho HS những điều tốt đẹp nhất của cô Phí Thị Thư còn được nối dài đến với tất cả HS trong mỗi lớp học. Hơn 20 năm dạy học, trong đó có 17 năm giảng dạy tại Trường Tiểu học Tân Xã, huyện Thạch Thất – một địa bàn còn khó khăn, phụ huynh chưa quan tâm nhiều đến việc học của con em. Bởi vậy, điều mà cô luôn canh cánh trong lòng là làm thế nào để giúp HS có học lực yếu vươn lên trong học tập. Mọi biện pháp đều được cô áp dụng bằng tất cả nhiệt huyết với nghề, từ việc kèm cặp miễn phí cho HS tại nhà, thường xuyên liên lạc với phụ huynh để trao đổi tình hình học tập đến việc kịp thời khen thưởng động viên khi các em có nhiều tiến bộ.

Càng yêu nghề, cô Thư lại càng say sưa tìm tòi, học hỏi, trau dồi kinh nghiệm từ bạn bè đồng nghiệp, sách báo, Internet để cải tiến phương pháp dạy học cho phù hợp với từng đối tượng HS. Viết nhiều sáng kiến kinh nghiệm, trong đó có một số sáng kiến áp dụng thành công vào thực tiễn giảng dạy được hội đồng khoa học các cấp đánh giá cao như: Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng môn luyện từ và câu lớp 2; Một số biện pháp nâng cao chất lượng chữ viết cho HS lớp 2; Thiết kế một số trò chơi giúp HS học tốt môn học vần lớp 1; Một số giải pháp nâng cao chất lượng môn Toán lớp 2 cho HS yếu…

Một mảng việc nữa cũng được cô Thư chú trọng là phát hiện và bồi dưỡng HS năng khiếu. Theo cô Thư, để bồi dưỡng HS trước tiên phải phát hiện HS có năng khiếu, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch, phương pháp bồi dưỡng một cách cụ thể, dạy chắc cơ bản rồi mới nâng cao. Thông qua những bài luyện để dạy các em phương pháp tư duy - dạy kiểu dạng bài có quy luật trước, loại bài có tính đơn lẻ, đặc biệt sau. Nhờ đó, cô  thực hiện xuất sắc nhiệm vụ bồi dưỡng HS năng khiếu góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại Trường Tiểu học Tân Xã. Năm học 2014 - 2015 lớp cô giảng dạy có 1 HS đoạt giải Ba HS giỏi cấp thành phố. Nhiều năm liên tục cô có HS đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi giải Toán trên mạng Internet cấp huyện. Những năm gần đây, lớp do cô chủ nhiệm luôn đứng thứ nhất trong khối và là một trong những lớp đạt vở sạch chữ đẹp cấp huyện nhiều năm liền. Chất lượng đại trà của lớp cô cũng luôn đi đầu trong tổ khối - trường.

Là một nhà giáo nhưng cũng là một người mẹ, tôi coi các em như con của mình. Tôi chăm sóc, dạy dỗ các em không chỉ bởi trách nhiệm của một nhà giáo, mà còn bằng tình thương của một người mẹ với mong muốn mang đến cho các con những điều tốt đẹp nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.