Cô giáo giành học bổng Fulbright TEA: Đánh thức đam mê tiếng Anh

GD&TĐ - Vượt qua hàng trăm hồ sơ, cô Lê Hoàng Anh - GV tiếng Anh, Trường THPT Nguyễn Du, Quận 10, TPHCM xuất sắc cùng 6 giáo viên khác trong cả nước giành học bổng Fulbright Teaching Excellence and Achievement.

Cô giáo Lê Hoàng Anh cùng HS Trường THPT Nguyễn Du đoạt giải tại Cuộc thi Học sinh giỏi thành phố môn Tiếng Anh.
Cô giáo Lê Hoàng Anh cùng HS Trường THPT Nguyễn Du đoạt giải tại Cuộc thi Học sinh giỏi thành phố môn Tiếng Anh.

Nỗ lực không ngừng

Gắn bó với nghề giáo, với mong muốn không ngừng trau dồi kiến thức, nâng cao chuyên môn, kỹ năng… cô Lê Hoàng Anh luôn tìm kiếm cơ hội để tham gia các khóa tập huấn cũng như cuộc hội thảo. Tuy nhiên, “tôi vẫn chưa thấy “đã”, chưa thấy đủ. Do đó, khi thấy thông tin có chương trình 6 tuần học ở Mỹ, tôi hào hứng nộp đơn vì tin rằng những trải nghiệm và kiến thức Fulbright TEA đem lại tại một quốc gia phát triển nhất thế giới sẽ vô cùng quý báu và đáng nhớ” - cô Hoàng Anh chia sẻ.

Quá trình đạt được học bổng của chương trình Fulbright TEA đòi hỏi nhiều nỗ lực, quyết tâm và chất xám bởi Fulbright là học bổng danh giá của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, chính phủ Mỹ. Hằng năm có nhiều thí sinh nộp đơn và tỉ lệ chọi rất cao nên quá trình chinh phục học bổng này không hề đơn giản.

Cụ thể quy trình tuyển chọn gồm vòng hồ sơ, phỏng vấn, kiểm tra tiếng Anh bằng bài thi TOEFL iBT và vòng đề cử. Các vòng thi đều bằng tiếng Anh. Đơn cử, ở vòng hồ sơ, ngoài các kinh nghiệm và thành tích giảng dạy, thí sinh được yêu cầu thể hiện mức độ hiểu biết của mình về giáo dục, văn hóa, giải quyết các vấn đề được đặt ra thông qua 7 bài luận… Danh sách thí sinh xuất sắc nhất sẽ được đề cử qua Washington, D.C để hội đồng Fulbright xem xét và duyệt lại lần nữa.

Chia sẻ bí quyết học tiếng Anh, cô Hoàng Anh đưa ra lời khuyên: HS hãy tiếp xúc với tiếng Anh nhiều nhất có thể. Cô kể, hồi nhỏ, tôi làm quen với tiếng Anh thông qua các bài hát thiếu nhi trong đĩa Let’s Go; lớn hơn xem phim hoạt hình. Lớn hơn chút nữa,  tôi đọc truyện, sách bằng tiếng Anh.

“Lúc đó sách tiếng Anh rất đắt và Internet chưa phổ biến để download sách hoặc đọc sách online nên tôi hay mượn sách ở thư viện trường để đọc. Thư viện Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong lúc đó là nơi tôi hay ghé vào giờ chơi để tìm sách mượn về nhà”, cô Hoàng Anh cho biết.

Với nền tảng có sẵn từ khi còn học phổ thông, vào giảng đường ĐH, Hoàng Anh tiếp tục trau dồi kiến thức, kỹ năng. Theo đó, khi là sinh viên hệ Cử nhân Tài năng, khoa Ngữ văn Anh, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), cô đã tham gia chương trình Homestay dành cho sinh viên Mỹ đến sinh sống tại nhà của sinh viên Việt Nam. Tại đây, cô có cơ hội trau dồi tiếng Anh nhiều hơn khi sinh hoạt chung, giới thiệu các địa điểm tại TPHCM, hoặc chia sẻ văn hóa của nước mình với các bạn.

Qua quá trình dạy học ở bậc phổ thông, cô “bật mí”, với cụm động từ (phrasal verbs) hoặc những từ khó cô thường làm những lá thăm. Một mặt là từ cần học, một mặt là giải thích. Khi em bốc lá thăm nào thì nhìn mặt này và nêu nội dung mặt còn lại. Sau một tuần hoặc vài tuần, em nên ôn đi ôn lại, dần dần sẽ thuộc và nhớ rất lâu những cụm từ cần học.

Cô giáo sinh năm 1987 cũng đưa ra lời khuyên muốn học tốt tiếng Anh - hãy kiên nhẫn, bền bỉ và đừng bao giờ nóng vội. Hãy hình dung một cái bình rỗng, hằng ngày thêm một ít nước lâu dần bình sẽ đầy. “Việc học tiếng Anh cũng như vậy, nếu không trau dồi tiếng Anh, bạn sẽ quên và mực nước sẽ vơi đi. Do đó, hãy cứ chịu khó, quyết tâm và kiên nhẫn, bình luôn đầy tràn và khó vơi”. 

Cô giáo Lê Hoàng Anh là một trong 7 GV trong cả nước xuất sắc giành học bổng chương trình Fulbright TEA.
Cô giáo Lê Hoàng Anh là một trong 7 GV trong cả nước xuất sắc giành học bổng chương trình Fulbright TEA.

Tiếp tục truyền ngọn lửa yêu thích tiếng Anh cho trò

Cô Hoàng Anh cho biết: Lý do đến với nghề giáo chính là việc cô được truyền cảm hứng từ các GV dạy tiếng Anh những năm phổ thông. “Các tiết dạy của  thầy cô đã đánh thức được lòng đam mê tiếng Anh trong tôi. Do đó, tôi ấp ủ ước muốn mình cũng như những thầy cô của mình, truyền ngọn lửa yêu thích tiếng Anh cho các thế hệ tiếp theo”, cô nói.

Với cô, nhà giáo là người nghệ sĩ đa tài, là người bạn, người thầy, người anh người chị, người truyền cảm hứng, nhà tâm lý, trọng tài, đôi khi còn là trò của HS... Cô Hoàng Anh cho rằng, với GV hiện nay, đặc biệt là GV tiếng Anh, không cần phải chờ tới khi chương trình đổi mới mình mới bắt đầu cập nhật và thay đổi.

Ở Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10), nhiều năm nay ban giám hiệu luôn khuyến khích các thầy cô đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá HS. Đơn cử với môn Tiếng Anh, HS dựng các vở kịch bằng tiếng Anh dựa trên các tác phẩm văn học Việt Nam, hoặc các em đi xem phim và viết cảm nhận hoặc quay clip bằng tiếng Anh nhận xét về bộ phim đó.

Dịch bệnh Covid-19 vừa qua cũng cho thấy GV sẽ rất bị động nếu không tự trang bị cho mình những kỹ năng dạy học online hoặc sử dụng công nghệ vào bài giảng. Trường THPT Nguyễn Du đã chuẩn bị rất tốt cho các thầy cô, thường xuyên mời các chuyên gia để tập huấn cho giáo viên toàn trường cách thiết kế bài dạy online qua Cohota; ra đề thi và kiểm tra trực tuyến qua phần mềm 789; sử dụng sổ liên lạc điện tử để thông báo tới phụ huynh. “Tôi nghĩ điều quan trọng là GV không ngừng học hỏi để theo kịp xu hướng của thời đại và không bị đào thải. HS từ đó cũng sẽ noi gương mình”, cô Hoàng Anh tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ