GIẢI BÁO CHÍ TOÀN QUỐC VÌ SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC NĂM 2024:

‘Khơi nguồn’ giáo dục chất lượng cao với học trò dân tộc thiểu số

GD&TĐ -Tác phẩm “Thắp sáng sự học vùng Dân tộc thiểu số” là loạt phóng sự phát thanh ấn tượng, với 3 kỳ phản ánh những khó khăn của học trò vùng cao.

Nhà báo Hoàng Thị Minh Phương (ngoài cùng bên phải) trong 1 lần đi tác nghiệp tại vùng cao. (Ảnh: NVCC)
Nhà báo Hoàng Thị Minh Phương (ngoài cùng bên phải) trong 1 lần đi tác nghiệp tại vùng cao. (Ảnh: NVCC)

Loạt phóng sự phát thanh được thực hiện bởi nhóm tác giả: Tăng Thị Hà, Hoàng Thị Minh Phương, Chu Thị Ngọc Bích, Đồng Quyết Thắng và Ma Thị Lắm của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Tuyên Quang.

Trong nhóm tác giả, nhà báo Tăng Thị Hà là Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Tuyên Quang. Các tác giả còn lại, có 3 người ở Phòng Phát thanh - Truyền hình Tiếng dân tộc và 1 người ở Phòng Thời sự của nhà đài.

Phản hồi tích cực

Tuyên Quang là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, nhiều nơi địa hình còn đi lại khó khăn vất vả, các em học sinh phải vượt quãng đường dài mới có thể đến điểm trường học tập.

1ed85aef-a028-4da3-bd3e-c904c8618c15.jpg
Nhóm tác giả thực hiện loạt phóng sự truyền hình "Thắp sáng sự học vùng DTTS" của Đài Truyền hình Tuyên Quang. (Ảnh: NVCC)

Nhóm tác giả thông tin, bản thân 3 thành viên trong nhóm cũng là người DTTS, đã từng trải qua những khó khăn vất vả đó. Giờ đây, các em được học trong những ngôi trường phổ thông dân tộc bán trú với điều kiện học tập ăn ở sinh hoạt tốt hơn rất nhiều, nhưng đâu đó vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ để giáo dục vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển nên nhóm tác giả đã lựa chọn đề tài này để triển khai tác phẩm: Thắp sáng sự học vùng DTTS, là loạt phóng sự 3 kỳ.

“Khi thực hiện loạt bài này, chúng tôi cũng đã đến nhiều trường học ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS của tỉnh để tìm hiểu thực tế, thu thập tư liệu. Khi tác phẩm được phát sóng và nhận được sự quan tâm từ khán thính giả nhóm tác giả rất vui vì đã đem được một phần tiếng nói của mình đến các cấp lãnh đạo để có thêm nhiều điều kiện tốt hơn cho các em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang”, tác giả Chu Thị Ngọc Bích cho biết.

Còn nhà báo Hoàng Thị Minh Phương chia sẻ: “Nhóm cùng có sự bàn bạc, thống thống nhất về góc tiếp cận, cách thể hiện cả về nội dung và hình thức. Việc đi cơ sở cũng dành thời gian để đi cùng nhau. Thu thập thông tin trong nhiều tháng (3 tháng), còn thời gian tập trung thực hiện và hoàn thành tác phẩm trong 1 tháng. Việc đi cơ sở khó khăn bởi các trường học đều ở những xã vùng cao, đường đi lại khó”.

274e45c1-e78c-44a3-a9cf-95fc86cbd06f.jpg
Nhà báo Tăng Thị Hà (ngoài cùng bên trái) - Phó GĐ Đài Truyền hình Tuyên Quang, nhà báo Hoàng Thị Minh Phương (ngoài cùng bên phải) trong 1 chuyến công tác. (Ảnh: NVCC)

Nhóm tác giả cho biết: sau khi phát sóng loạt phóng sự dài kỳ này, đơn vị đã nhận được sự phản hồi tích cực từ ngành giáo dục, các địa phương. Việc thiếu giáo viên, giáo viên chất lượng cao ở vùng khó khăn là “bài toán” cần nhiều thời gian. Tuy nhiên, việc lan tỏa thông tin nhận được nhiều ghi nhận.

Rút ngắn khoảng cách giáo dục cho học trò DTTS

“Nhiều lần đi tác nghiệp ở những vùng khó khăn, tôi chứng kiến các em học sinh vùng cao đi lại khó khăn, ngã sấp ngửa trên những con đường trơn trượt, nên đã ấp ủ làm 1 phóng sự về giáo dục vùng khó khăn. Sau đó, khi trở lại vùng đó, trường học ở đây đã chuyển mô hình từ trường phổ thông bình thường sang mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú. Theo quy định, các em học sinh nhà xa từ 7km trở lên sẽ được ở bán trú trong trường.

Ở đây, các em học sinh người Mông nếu thời gian không đi học vẫn sẽ phải đi làm. Trước đây, các em học sinh nhà xa khoảng 15km, nhưng học sinh từ lớp 3 bắt buộc phải trở lại điểm trường chính để học Tiếng Anh, đồng nghĩa với việc bố mẹ đưa đi phải ngồi đợi các em học xong. Đến khi có mô hình mới, các em đã đỡ vất vả hơn rất nhiều”, nhà báo Hoàng Thị Minh Phương kể.

Chị Phương chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với 1 nhân vật ở xã Phúc Sơn, huyện Lâm Bình. Trước đây, bạn ấy phải lựa chọn chương trình học. Nhưng nay, khi con bạn ấy đã học lớp 6, con bạn ấy đã có điều kiện rất tốt, rất đáng mừng”.

f1478839-7771-4add-be6f-02e4305acf24.jpg
Tác giả Chu Thị Ngọc Bích (ngoài cùng bên trái), tác giả Ma Thị Lắm (ngoài cùng bên phải). (Ảnh: NVCC)

Nhóm tác giả cũng cho biết, giáo dục vùng cao rất khó khăn, để các em đi học đã rất khó. Khi mình làm được mô hình trường bán trú là điều kiện tốt nhất cho các em đi học. Học sinh sẽ được hạn chế việc bỏ học, đi học không đều. Hệ thống trường bán trú chính là điều kiện rút gần lại khoảng cách về chất lượng giáo dục.

Nhóm cũng nắm được thông tin chia sẻ từ các cán bộ ngành giáo dục địa phương là chất lượng giáo viên ở vùng cao cần có những chính sách để thu hút đội ngũ giáo viên có chất lượng, trình độ cao cho các bộ môn như Toán, Tiếng Anh.

Nhà báo Hoàng Thị Minh Phương cho biết: Trong các hội nghị về giáo dục được tổ chức ở Tuyên Quang, có lần Bộ trưởng Bộ giáo dục cũng đã đề cập đến vấn đề về chất lượng, trình độ của giáo viên vùng khó khăn cần được nâng cao hơn nữa.

“Ngoài ra, trong các hội nghị khác, chúng tôi được đến dự không phải với tư cách phóng viên, câu chuyện từ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cũng chia sẻ: Cần bố trí đội ngũ giáo viên trình độ cao cho học sinh vùng cao có thêm điều kiện rút ngắn khoảng cách, có chất lượng học tập tốt hơn. Điều này đã thôi thúc nhóm thực hiện và truyền tải thông điệp đó”, chị Hoàng Thị Minh Phương nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ