Loạt bài: “Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo giáo viên: “Cung” hào hứng – “Cầu” thờ ơ, gồm 3 bài: Bài 1: Chính sách nhân văn, vì sao vẫn “tắc”? Bài 2: Thiếu giáo viên trầm trọng, địa phương vẫn thờ ơ; Bài 3: Khơi thông “cung” – “cầu”, tạo sức hút từ chính sách đã lọt vào Chung khảo "Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2024.
Loạt bài này của nhóm tác giả Lê Thị Thu (bút danh: Lê Thu), Lê Thị Hằng (Lê Hằng), Trần Hữu Hưng (Hữu Hưng) và Nguyễn Văn Cường (Nguyễn Cường), thuộc Ban Thời sự (VOV1), Đài Tiếng nói Việt Nam.
"Độ vênh" giữa chính sách và thực tiễn
Nhà báo Lê Thị Thu, đại diện nhóm tác giả, cho biết: "Ý tưởng của chúng tôi bắt đầu từ cuối năm 2023, khi chúng tôi làm 1 đề tài về tác động của Nghị định 116 đến đào tạo giáo viên cũng như thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm. Thế nhưng, vướng mắc lớn nhất trong quá trình thực hiện nghị định là việc chậm chi hỗ trợ sinh hoạt phí cho người học, thời điểm đó chưa có giải pháp khắc phục. Hàng loạt trường đại học, cao đẳng sư phạm phải nợ lại học phí và chi phí sinh hoạt của sinh viên".
Ban Thời sự (VOV1), Đài Tiếng nói Việt Nam đã có nhiều nhiều tin, bài phản ánh, chương trình phân tích về nội dung này, trong đó nhóm tác giả đi sâu hơn vấn đề ở loạt bài “Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo giáo viên: “Cung” hào hứng - “Cầu” thờ ơ” phát sóng trên kênh Thời sự VOV1 các ngày 28, 29 và 30 tháng 8 năm 2024.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025, Bộ GD&ĐT cũng đưa ra thống kê, tính đến tháng 4/2024 cả nước vẫn thiếu hơn 113 nghìn giáo viên ở các cấp học. Đây là vấn đề nan giải trước thềm năm học mới của nhiều địa phương, của ngành giáo dục khi không có nguồn tuyển hoặc rất khó tuyển giáo viên. Trong khi các trường sư phạm sốt sắng, còn địa phương lại hờ hững, lạnh nhạt.
Nghịch lý là quy mô đào tạo giáo viên hiện nay ngày càng giảm. Nhiều trường đại học địa phương rơi vào cảnh “mòn mỏi” chờ đợi được giao nhiệm vụ đào tạo nhưng vẫn chưa được giải quyết. Trong khi nhiều địa phương luôn kêu thiếu giáo viên nhưng lại không mặn mà việc đặt hàng đào tạo. Có đặt cũng “nhỏ giọt” hoặc có nơi đặt hàng nhưng chưa trả kinh phí. Hiện cả nước mới chỉ có hơn 17% sinh viên sư phạm theo diện chính sách này. Số sinh viên học xong cũng chưa biết liệu có được tuyển dụng đúng như tinh thần Nghị định 116 hay không.
Nghị định 116/2020 của Chính phủ khi mới ban hành được xem như một giải pháp có tính đột phá để giải quyết câu chuyện thiếu giáo viên trên cả nước. Thế nhưng, gần 4 năm kể từ khi có hiệu lực, chính sách nhân văn này bộc lộ nhiều vướng mắc, hạn chế, cho thấy “độ vênh” giữa chính sách với thực tiễn.
"Chúng tôi thực hiện loạt bài này với mong muốn lý giải phần nào vì sao một chính sách nhân văn, nhằm thu hút sinh viên giỏi vào học ngành sư phạm thông qua cơ chế đặt hàng đào tạo lại “tắc” khi triển khai? Tại sao các địa phương thiếu giáo viên nhưng vẫn chưa “mặn mà” đặt hàng đào tạo? Thực tế này đặt ra yêu cầu cần sớm có giải pháp “khơi thông” Nghị định 116 cho nhiệm vụ đặt hàng đào giáo viên" - nhà báo Lê Thị Thu chia sẻ.
Để sinh viên giỏi theo ngành sư phạm
Trước những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn triển khai, việc sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh Nghị định 116/2020 liên quan cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên là yêu cầu, đòi hỏi hết sức cấp thiết. Trước tình thế này, Bộ GD&ĐT đã có tờ trình Chính phủ về sửa đổi Nghị định 116. Tuy nhiên, nếu chỉ sửa đổi Nghị định mà không có thêm các giải pháp khác thì sẽ rất khó để tháo gỡ triệt để những khó khăn trong công tác đào tạo giáo viên phục vụ nhiệm vụ đổi mới giáo dục nước ta những năm tới.
Với sự phân tích của các chuyên gia giáo dục, đại diện các trường đại học, cao đẳng sư phạm, đại diện ngành giáo dục địa phương và lãnh đạo Bộ GD&ĐT, loạt bài phần nào đưa ra giải pháp khắc phục. Bởi vì việc sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh Nghị định 116 liên quan cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên là yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống.
Bộ GD&ĐT xác định đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm học 2024-2025. Trên tinh thần đó, các cơ sở đào tạo giáo viên cần chủ động làm việc với chính quyền địa phương, đề xuất với cơ quan quản lý về việc giao nhiệm vụ đào tạo, đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh thật sự hiệu quả. Đây là tiền đề quan trọng để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành sư phạm, giúp một bộ phận sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận chính sách nhân văn của Nhà nước.
Nhà báo Lê Thị Thu chia sẻ, triển khai thực hiện đề tài này, nhóm tác giả cũng có nhiều thách thức bởi vì đề tài có tính vĩ mô, có tác động lớn. Thách thức từ khi lên mạch ý tưởng, cách đặt tít như thế nào cho khéo để thể hiện rõ điều chúng tôi mong muốn truyền tải là mối quan hệ “cung” – “cầu”, nhưng lại là ở khía cạnh nóng-lạnh, “sốt sắng” – “thờ ơ”… và những người ở giữa chính là các sinh viên sư phạm. Nếu mối quan hệ “cung” - “cầu” được khơi thông thì các em hưởng lợi từ chính sách, nhưng nếu mối quan hệ đó bị vướng thì các em chịu thiệt thòi…
Một khó khăn nữa, theo nhà báo Lê Thị Thu, là khi đi thực tế để gặp gỡ sinh viên và đại diện các trường sư phạm. Lãnh đạo các trường “né” nói ra những bất cập khi thực hiện chính sách. Bởi vì khi trao đổi có thể họ nói, nhưng bắt đầu ghi âm thì họ sẽ tránh không nói hoặc không nói được những ý hay nhất… "Vì thế chúng tôi nghĩ là thử thách nhất đối với loạt bài này không phải là đi công tác ở những vùng xa xôi như những bài khác chúng tôi làm, mà là cách thuyết phục để làm sao nhân vật của mình sẵn sàng chia sẻ và làm sao để bắt được những ý tứ hay của họ" - đại diện nhóm tác giả nhận xét.
"Tôi nghĩ cuộc thi Vì sự nghiệp giáo dục toàn quốc rất có ý nghĩa và thiết thực đối với không chỉ các phóng viên theo mảng giáo dục mà còn nhận được nhiều sự quan tâm của những người yêu mến giáo dục. Giải được tổ chức quy mô với quá trình chấm giải công tâm, chuyên nghiệp và công bằng. Ban Tổ chức rất chu đáo với các tác giả từ việc nhận tác phẩm tới những quy trình nhận giải. Có thêm hạng mục trao giải cho nhân vật cũng rất thiết thực. Những năm gần đây, giải tổ chức trao tại Nhà hát lớn Hà Nội khiến những tác giả như chúng tôi cảm thấy được vinh danh và trân trọng hơn. Cá nhân tôi đã tham gia ngay từ năm đầu tiên tổ chức giải và đến nay đã đến năm thứ 7. Vì thế mỗi năm chúng tôi cố gắng tìm tòi những đề tài mới, những nhân vật hay để có thể làm nên những tác phẩm xuất sắc, có tác động xã hội. Trước hết là để phục vụ nhiệm vụ của phóng viên, sau đó là có thể mang đi dự thi giải…" - nhà báo Lê Thị Thu, Ban Thời sự, Đài Tiếng nói Việt Nam.