Khối ngành Kinh tế: Quê né, phố vẫn ham

Khối ngành Kinh tế: Quê né, phố vẫn ham

(GD&TĐ) - Sơ bộ tình hình nộp hồ sơ ĐKDT tại một số trường THPT trên địa bàn Hà Nội có thể thấy một thay đổi khá rõ rệt là sự sụt giảm hồ sơ khối ngành Kinh tế, đặc biệt là tại các trường khu vực nông thôn.

Học sinh Hà Nội tìm hiểu thông tin về trường ĐKDT. Ảnh: gdtd.vn
Học sinh Hà Nội tìm hiểu thông tin về trường ĐKDT. Ảnh: NN

Thành thị: Kinh tế vẫn có sức hút

Thông tin từ nhiều trường THPT khu vực nội thành Hà Nội, năm nay, mặc dù lượng hồ sơ ĐKDT khối ngành Kinh tế có giảm đi, nhưng đây vẫn là lĩnh vực có sức hút lớn đối với học sinh. Một số lãnh đạo nhà trường tâm sự: Tình trạng dư thừa nhân lực khối ngành Kinh tế - Tài chính – Ngân hàng vẫn thường được các thầy cô lưu ý trong các hoạt động tư vấn hướng nghiệp của trường, nhưng dường như học sinh không có phản ứng rõ rệt với thông tin này.

Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy) Nguyễn Thị Mỹ Thanh cho biết: Năm nay, xu hướng học sinh trong trường lựa chọn khối ngành Kinh tế vẫn cao. Lý giải việc vì sao phương tiện thông tin đại chúng cảnh bảo tình trạng dư thừa nhân lực, sinh viên ra trường khó tìm được việc làm nhưng sức hấp dẫn ngành này vẫn lớn, cô Thanh cho rằng, có 2 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, học sinh thành thị được học ngoại ngữ từ nhỏ nên bản thân các em và gia đình cho rằng, ưu thế ngoại ngữ sẽ phát huy hơn trong môi trường Kinh tế - Tài chính – Ngân hàng. Thứ hai, trong thời kỳ hội nhập hiện nay, học sinh rất quan tâm đến cơ hội học sau ĐH ở nước ngoài, mà ở tiêu chí này, nhóm ngành Kinh tế là có ưu thế nhất.

Ngoài những điểm ổn định là hồ sơ tập trung khối ngành Kinh tế, khối A chiếm số lượng lớn, khối C rất ít thì một thay đổi đáng chú trong xu hướng chọn ngành, chọn trường của học sinh Trường THPT Yên Hòa năm nay là số hồ sơ ĐKDT vào sư phạm tăng lên rõ rệt. Năm 2012, cả trường chỉ có 10 hồ sơ đăng ký vào sư phạm, khi thi chỉ còn vài em thì năm nay số hồ sơ đã tăng lên vài chục.

Một số ngành có nhu cầu nhân lực cao nhưng chưa thực sự thu hút được sự chú ý của học sinh, đó cũng là trăn trở của lãnh đạo các trường. “Vừa rồi, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo về nhân lực ngành Tài nguyên – Môi trường. Nhà trường đã đến từng lớp động viên học sinh quan tâm tham dự hội thảo, cũng nói rõ cơ hội đầu vào, đầu ra đối với các em khi chọn ngành học nói trên. Thế nhưng, dù ô tô đến tận nơi đón cũng chỉ có trên 30 học sinh đi dự. Các em chưa thực sự mặn mà với những ngành này” – Cô Thanh tâm sự.

Năm nay, Trường THPT Yên Hòa có trên 500 học sinh lớp 12, số hồ sơ trường nhận được khoảng gấp đôi, như vậy trung bình mỗi học sinh nộp từ 2 hồ sơ trở lên.

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình) cũng cho hay: Dù chưa có con số thống kê chính xác, nhưng ghi nhận ở các lớp, học sinh vẫn lựa chọn khối ngành Kinh tế và Ngoại ngữ nhiều hơn. Tình trạng một học sinh nộp nhiều hồ sơ vẫn có vì có trường hợp 1 em nộp đến 6 - 7 bộ hồ sơ, còn lại trung bình mỗi em nộp 2 - 3 bộ.

Mặc dù chọn khối ngành Kinh tế nhưng thông tin từ nhiều trường THPT, học sinh đã tỉnh táo hơn khi biết chọn những trường phù hợp với sức học của mình.

Nông thôn: Khối ngành công nghệ, kỹ thuật được quan tâm

Khác với khu vực thành thị, học sinh nhiều trường ngoại thành Hà Nội khá “cảnh giác” với khối ngành Kinh tế và xu hướng chọn khối ngành công nghệ, kỹ thuật tăng lên.

Thầy Phạm Văn Sắc - Hiệu trưởng Trường THPT Hồng Thái (Đan Phượng) cho hay: Thay đổi lớn nhất trong xu hướng chọn ngành năm nay của học sinh trong trường là sự giảm mạnh hồ sơ khối ngành Kinh tế.

Hiện nhà trường đã nhận được khoảng 900 hồ sơ ĐKDT của 512 học sinh lớp 12, trong số này, học sinh tập trung chủ yếu chuyên ngành công nghệ, kỹ thuật như giao thông, cơ khí, xây dựng, một số chọn CĐ Y, CĐ nghề; nhiều nhất là hồ sơ thi vào Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.

Việc học sinh tỉnh táo hơn khi chọn ngành, theo thầy Sắc, một phần không nhỏ là do hiệu quả từ công tác hướng nghiệp của nhà trường. “Hầu như các tiết chào cờ đầu tuần, nhà trường cũng dành một thời gian nhất định để hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp, trong đó thông báo rõ những ngành nào hiện dư thừa nhân lực, ngành nào xã hội đang cần. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức hẳn một buổi phổ biến cho tất cả các phụ huynh về thông tin ngành nghề. Nhờ vậy, năm nay, xu hướng chọn ngành các em có thay đổi rõ rệt, thực tế và phù hợp năng lực hơn” - Thầy Sắc cho hay.

Tương tự, tại Trường THPT Bất Bạt (Ba Vì), năm nay học sinh rất ít chọn Kinh tế - Tài chính – Ngân hàng. Theo thầy Hoàng Châu Tuấn – Hiệu trưởng, đa số học sinh chọn học công nghệ, kỹ thuật nên chủ yếu hồ sơ đăng ký khối A; ngoài ra, khối C cũng được nhiều học sinh lựa chọn. “Có điều, dù đã tư vấn nhiều nhưng vẫn rất ít học sinh lựa chọn những ngành xã hội đang cần như Nông – Lâm – Thủy sản” – Thầy Tuấn băn khoăn.
 

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.