Liên tục tin vui
Những ngày đầu năm 2020, tin vui đã đến với ngành sữa khi Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã ký thành công hợp đồng xuất khẩu (XK) sữa có giá trị lên đến 20 triệu USD khi tham gia Hội chợ Quốc tế Gulfood Dubai 2020 (diễn ra từ ngày 16-2 đến 20-2-2020 tại Dubai), từ đó mở ra cơ hội cho các sản phẩm sữa Việt đến với đối tượng khách hàng cao cấp tại thị trường Trung Đông. Đơn hàng này là tin vui đầu năm cho không chỉ Vinamilk mà còn toàn ngành sữa trong bối cảnh dịch Covid 19 diễn biến phức tạp khiến nhiều ngành hàng gặp khó khăn, đặc biệt trong XK.
Trước đó, Vinamilk cũng ghi dấu tại thị trường Singapore khi các siêu thị lớn tại Singapore như Sheng Shong, FairPrice, Ustar... đều bày bán nhiều dòng sản phẩm của Vinamilk như sữa tươi tiệt trùng, nước trái cây, sữa tươi organic..., được nhiều người tiêu dùng chọn mua. Điều đáng nói là các doanh nghiệp (DN) Việt Nam XK sang đây từng gặp không ít khó khăn với sự kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng, nhất là về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và các yêu cầu về mẫu mã, bao bì, hướng dẫn sử dụng phải theo yêu cầu riêng của thị trường này.
Lý giải về sự ưa chuộng của thị trường Singapore với các sản phẩm sữa Việt, ông Võ Trung Hiếu, Giám đốc Kinh doanh Quốc tế Vinamilk chia sẻ, sản phẩm sữa tươi organic của Vinamilk đạt tiêu chuẩn organic của châu Âu, nguồn nguyên liệu được lấy từ các trang trại bò sữa organic chuẩn châu Âu của Vinamilk tại Việt Nam. Đây là lý do khiến sản phẩm organic của Vinamilk đã trở thành một sự lựa chọn quen thuộc của người tiêu dùng Singapore.
Không chỉ Vinamilk, nhiều DN sữa khác cũng đang nỗ lực đưa sữa Việt “xuất ngoại”, dù đây được đánh là một trong những mặt hàng nông sản khó XK nhất. Năm 2019, một dấu mốc quan trọng được định hình khi sữa Việt Nam đã chính thức được XK chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Dù đã tham gia XK nhiều năm nhưng việc được XK sang Trung Quốc vẫn là một dấu mốc quan trọng cho ngành sữa bởi Trung Quốc là thị trường tiêu dùng sữa lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, với 1,4 tỷ dân. Chưa kể, tiêu chuẩn của Trung Quốc rất cao và ta đã phải mất đến sáu năm để hoàn thiện hồ sơ đánh giá rủi ro mới được XK sang thị trường này. Ngành sữa kỳ vọng kim ngạch XK sang thị trường này sẽ đạt khoảng 300 triệu USD vào năm 2020.
Công ty CP Sữa TH thuộc Tập đoàn TH là DN đầu tiên được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã giao dịch cho phép XK sữa tươi tiệt trùng và sữa biến đổi sang thị trường này. Mới đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc tiếp tục cấp mã giao dịch và cho phép một nhà máy của Vinamilk được phép XK hai sản phẩm sữa vào thị trường của quốc gia này là sữa đặc có đường và các loại sữa đặc khác.
Đầu tư và nắm bắt tín hiệu thị trường
Bước đầu XK thành công, song để XK sữa bền vững không hề đơn giản. Theo các chuyên gia, sữa là sản phẩm nông sản rất khó XK vì phải đáp ứng hàng loạt các tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, từ vùng nguyên liệu đến sản phẩm cuối. Chưa kể, sữa Việt phải cạnh tranh với hàng loạt các sản phẩm của các quốc gia đã có thương hiệu như New Zealand, Đức, Mỹ, EU… Do đó, muốn XK bền vững đòi hỏi DN sản xuất sữa phải thực sự nghiêm túc trong đầu tư; đồng thời đi vào các ngành hàng có sức cạnh tranh không quá lớn.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, thời gian qua, việc sữa Việt được XK chính ngạch sang một số thị trường cho thấy ngành sữa ngày càng phát triển, hội nhập với thế giới.
Điều đáng mừng là DN sản xuất sữa đã xây dựng được các mô hình trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và quản trị, các sản phẩm sữa sản xuất ra hoàn toàn đáp ứng các quy chuẩn, quy định khắt khe của thị trường.
Đơn cử, thế mạnh về năng lực sản xuất, nghiên cứu và phát triển, kết hợp với sự am hiểu thị trường để đưa ra các sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng và dịch vụ chuyên nghiệp là những yếu tố cơ bản giúp Vinamilk có những bước tiến lớn trong hoạt động kinh doanh quốc tế.
Chưa kể, năm 2016, Vinamilk đã nhập khẩu bò sữa organic về Việt Nam. Đây là bước đi đầu tiên đặt nền móng cho trang trại bò sữa organic chuẩn châu Âu đầu tiên của Việt Nam tại Đà Lạt. Đàn bò hiện nay đã có hơn 1.000 con và tiếp tục được mở rộng, tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho sản xuất các sản phẩm chất lượng, giá cạnh tranh. Nhờ đó, từ năm 1997 đến nay, Vinamilk đã xuất khẩu sản phẩm đi hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng kim ngạch đạt hơn 2,2 tỷ USD.
Chia sẻ thêm về hành trình chinh phục thị trường Trung Quốc 1,4 tỷ dân của TH True Milk, bà Hoàng Thị Thanh Thủy, Giám đốc kinh doanh quốc tế Tập đoàn TH chia sẻ, từ năm 2015, tập đoàn liên tục tham dự các sự kiện xúc tiến thương mại đầu tư và tham gia các hội chợ quan trọng ở các thành phố lớn của Trung Quốc để nâng cao nhận diện thương hiệu. Tập đoàn TH thành lập Công ty TH Quảng Châu và đăng ký bảo hộ thương hiệu TH tại Trung Quốc, sẵn sàng XK sữa sang thị trường này.
Tiếp tục hỗ trợ DN đẩy mạnh XK sữa trong thời gian tới, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, đối với thị trường Trung Quốc, Bộ sẽ tiếp tục đề nghị Tổng cục Hải Quan Trung Quốc sớm xem xét, đánh giá và cho biết kết quả về hồ sơ đăng ký XK sữa của các DN chưa được cấp phép, nếu hồ sơ chưa đạt yêu cầu sẽ hướng dẫn các DN bổ sung. Bộ sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát các điều kiện vệ sinh thú y, giám sát an toàn dịch bệnh, giám sát an toàn thực phẩm theo chuỗi từ cơ sở chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa theo yêu cầu phía bạn.
Đối với việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh chung quanh các cơ sở chăn nuôi bò sữa, Cục đang tập trung triển khai nhiều nội dung, dự kiến đến tháng 12-2022 sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) đánh giá công nhận vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh, từ đó mở ra cơ hội cho sữa Việt đến được nhiều hơn các thị trường.
Ông Bành Tranh – Phó giám đốc Sở Thương mại tỉnh Hồ Nam tìm hiểu về các sản phẩm sữa Organic của Vinamilk giới thiệu đến với người tiêu dùng Trung Quốc.