'Cây thoát nghèo' đem lại thu nhập ổn định cho người dân vùng biên

GD&TĐ - Nhờ chính sách hỗ trợ kỹ thuật và mở rộng thị trường, cây chè đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người dân huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Người dân huyện biên giới Hương Sơn (Hà Tĩnh) tất bật vào vụ hái chè. (Ảnh: D.P)
Người dân huyện biên giới Hương Sơn (Hà Tĩnh) tất bật vào vụ hái chè. (Ảnh: D.P)

Hiệu quả kinh tế ổn định

Trải dài trên những cánh đồng xanh mướt của nhiều xã thuộc huyện biên giới Hương Sơn (Hà Tĩnh), nhiều năm qua, cây chè trở thành nguồn sống và thu nhập ổn định cho hàng ngàn gia đình nơi đây. Đối với nhiều hộ dân, cây chè đã trở thành chìa khóa giúp họ giảm nghèo bền vững.

Những ngày này, khi đặt chân đến xã Sơn Kim 2, Sơn Tây, Sơn Lĩnh, Sơn Lâm… của huyện Hương Sơn, rất dễ bắt gặp hình ảnh nhấp nhô những chiếc gùi trên vai người hái chè với đôi tay thoăn thoắt.

Theo chia sẻ của những người trồng chè ở huyện Hương Sơn, khi những gốc chè được cắt từ trong năm cho ra những búp non mơn mởn thì người trồng bước vào vụ thu hoạch chính (khoảng từ tháng 2 cho đến tháng 5, Dương lịch).

Vụ chè đầu năm cho ra những búp non, chất lượng tốt. (Ảnh: D.P)

Vụ chè đầu năm cho ra những búp non, chất lượng tốt. (Ảnh: D.P)

Vụ chè đầu năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Hợi (xã Sơn Kim 2) có khoảng 2 sào chè (500m2/sào) cho thu hoạch. Gần 1 tháng qua, ngày nào gia đình bà cũng phải huy động tối đa nhân lực để kịp thời hái chè bán cho các đơn vị thu mua.

“Chè thì hầu như cho thu hoạch quanh năm, chỉ nghỉ một thời gian ngắn khi đốn cành. Tuy nhiên, đây là thời điểm vào chính vụ cho năng suất cao nhất trong năm. Chè thu hoạch đến đâu được thu mua đến đó nên chúng tôi không phải lo lắng đầu ra của sản phẩm", bà Hợi nói.

Tương tự, chị Lê Thị Hoa (xã Sơn Tây) cho hay, chè ở đây được thu hoạch hoàn toàn bằng thủ công nên chất lượng chè cao so với hái bằng máy. Việc hái theo quy chuẩn 1 tôm gồm 2 - 3 lá non, khi hái phải trừ lại khoảng 2 lá của ngọn mới để chè có sức sinh trưởng cho lứa sau và tạo sự đồng đều cho tán chè.

“Được chính quyền cũng như xí nghiệp hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật, cây chè phát triển tốt nên mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch 9 - 10 tấn chè búp tươi, cho thu nhập khoảng 60 - 65 triệu đồng. Đây được xem là nguồn thu nhập chính của cả gia đình”, chị Hoa phấn khởi nói.

Còn đối với gia đình ông Lê Văn Cường (xã Sơn Tây) cách đây 10 năm do trồng ngô không hiệu quả, ông mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng ngô thành trồng chè và loại cây này đã chứng minh được hiệu quả kinh tế cao ở miền núi Hương Sơn. Trung bình mỗi năm, gia đình ông Lâm thu lãi được hơn 100 triệu đồng từ cây chè. Với hiệu quả kinh tế ổn định, ông Lâm vẫn yên tâm gắn bó với cây trồng này.

Mở rộng diện tích, tăng sản lượng xuất khẩu

Là xã có diện tích trồng chè lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh, ông Cao Văn Đức - Chủ tịch UBND xã Sơn Tây cho hay, chè là một trong những cây trồng chủ lực trong việc phát triển kinh tế của địa phương.

Toàn xã Sơn Tây hiện có 300ha chè, trong đó có 286ha đã cho thu hoạch. Đa phần các đồi chè ở Tây Sơn có độ tuổi từ 8 - 10 năm nên năng suất rất cao.

Năm nay thời tiết rất thuận lợi cho cây chè sinh trưởng và phát triển. Việc chăm sóc cũng được bà con chú trọng hơn từ việc bón phân cho đến tưới tiêu. Ước tính bình quân thu nhập đạt từ 6 - 8 triệu đồng/hộ/tháng".

“Việc trồng chè không chỉ tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người dân, mà còn giúp cải thiện điều kiện sống. Nhờ vào cây chè, một số hộ gia đình đã thoát khỏi tình trạng nghèo bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư vào giáo dục và y tế”, ông Đức nói.

Nhiều du khách tìm đến tham quan, trải nghiệm những cánh đồng chè ở Hương Sơn. (Ảnh: N.T)

Nhiều du khách tìm đến tham quan, trải nghiệm những cánh đồng chè ở Hương Sơn. (Ảnh: N.T)

Ông Trần Quang Hòa - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn cho hay, trước đây, ở huyện Hương Sơn cây chè chỉ được trồng tại xã Sơn Kim 2 do công nhân xí nghiệp Chè Tây Sơn quản lý, trồng, chăm sóc, thu hái.

Trải qua nhiều khó khăn thay đổi phương thức canh tác, quy trình sản xuất, đến nay, toàn huyện Hương Sơn hiện có trên 630 ha chè công nghiệp, quy hoạch chủ yếu tại các xã: Sơn Kim 2, Sơn Tây, Sơn Lĩnh, Sơn Lâm...

Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người dân mà những đồi chè xanh mướt nằm thoai thoải dọc theo triền núi, bờ sông còn là địa điểm thu hút khách du lịch ghé thăm, chụp ảnh lưu niệm.

"Sản lượng chè năm 2024 ước tính khoảng gần 8.000 tấn, với giá bán 6,7 nghìn đồng/kg, ước thu hơn 53 tỷ đồng. Năm nay, huyện có kế hoạch mở rộng diện tích chè lên gần 650 ha, đồng thời, duy trì tốt diện tích chè đang cho thu hoạch, tăng cường chế biến sâu và tăng sản lượng xuất khẩu", ông Hòa nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ