Tranh cãi bỏ bài tập về nhà

GD&TĐ - Chính phủ Ba Lan quy định những quy định mới về việc giao bài tập về nhà, trong đó cấm giao bài tập cho học sinh lớp 1 - 3.

Một tiết học Lịch sử tại Trường Tiểu học số 223, Warsaw, Ba Lan.
Một tiết học Lịch sử tại Trường Tiểu học số 223, Warsaw, Ba Lan.

Điều này gây ra phản ứng trái chiều trong xã hội.

Ola Kozak, 11 tuổi, yêu âm nhạc và vẽ. Từ nay, cô bé đã có nhiều thời gian hơn cho sở thích của mình vì Chính phủ Ba Lan áp lệnh hạn chế bài tập về nhà. Ola Kozak cho biết: “Cháu rất vui. Vào buổi sáng, hầu hết các bạn trong lớp đều chép bài của bạn đã làm bài tập về nhà hoặc chép trên mạng. Vì vậy, việc làm bài tập không có nhiều ý nghĩa”.

Chính quyền Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã ban hành quy định mới về bài tập về nhà từ tháng 4/2024. Cụ thể, giáo viên không giao bài tập về nhà cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 3. Từ lớp 4 đến lớp 8, bài tập về nhà có thể có, có thể không và không tính điểm.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thích sự thay đổi. Ngay bố mẹ của Ola cũng có những ý kiến khác nhau.

Anh Pawel Kozak, bố của Ola, đồng tình với quy định mới của chính phủ và cho rằng bỏ bài tập về nhà giúp học sinh thích đến trường hơn. Điều đó tốt cho cả học sinh lẫn trường học.

Còn vợ anh, chị Magda Kozak, bày tỏ hoài nghi: “Tôi không hài lòng vì bài tập về nhà giúp trẻ củng cố những kiến thức đã học. Nó cũng giúp phụ huynh nắm bắt những gì trẻ đã học và những gì đang diễn ra ở trường”.

Ông Slawomir Broniarz, người đứng đầu Hiệp hội Giáo viên Ba Lan, đồng tình sự cần thiết phải giảm bớt gánh nặng cho học sinh. Nhưng quy định mới về bài tập về nhà được ban hành chưa có sự tham vấn đầy đủ với các nhà giáo dục.

“Nhìn chung, giáo viên cho rằng quy định này được ban hành quá nhanh, quá vội vàng”, ông Slawomir nói.

Chuyên gia này lập luận rằng việc bỏ bài tập về nhà có thể làm tăng khoảng cách giáo dục giữa những đứa trẻ có nguồn hỗ trợ mạnh mẽ và trẻ đến từ gia đình nghèo, ít được hỗ trợ và kỳ vọng thấp hơn. Thay vào đó, ông kêu gọi những thay đổi rộng rãi hơn với toàn bộ chương trình giảng dạy.

Còn nhà giáo dục nổi tiếng người Phần Lan Pasi Sahlberg cho rằng giá trị của bài tập về nhà phụ thuộc vào nó là gì và nó liên quan thế nào đến việc học tập nói chung. Nhu cầu làm bài tập về nhà có thể “riêng biệt và tùy theo hoàn cảnh”.

Các quy định mới về bài tập về nhà được thúc đẩy sau khi cậu bé 14 tuổi Maciek Matuszewski phát biểu thẳng thắn tại một cuộc vận động tranh cử của Thủ tướng vào năm 2023.

Là học sinh tiểu học ở thành phố Wloclawek, Maciek cho biết trẻ em không có thời gian để nghỉ ngơi vì phải làm quá nhiều bài tập về nhà vào cuối tuần và bài kiểm tra vào thứ Hai.

Hệ thống giáo dục Ba Lan đã trải qua nhiều cuộc cải tổ gây tranh cãi. Hầu hết các chính phủ mới đều cố gắng thực hiện những thay đổi khiến nhiều giáo viên và phụ huynh bối rối, chán nản.

Ở Hàn Quốc, các trường tiểu học phải giới hạn số lượng bài tập về nhà từ năm 2017 trong bối cảnh lo ngại trẻ em phải chịu quá nhiều áp lực. Tuy nhiên, các em đi học thêm và làm bài tập suốt đêm để chuẩn bị cho các kỳ thi trong tương lai.

Ở Mỹ, giáo viên và phụ huynh tự quyết định số lượng bài tập về nhà. Hiệp hội Giáo viên Mỹ khuyến nghị trẻ em nên làm bài tập về nhà khoảng 10 phút. Một số trường không giao bài tập để học sinh có thêm thời gian vui chơi, tham gia hoạt động ngoại khóa và dành thời gian cho gia đình.

Các cuộc tranh luận về khối lượng bài tập về nhà như thế nào là phù hợp đang diễn ra trên toàn cầu. Trong khi một số nghiên cứu chỉ ra bài tập về nhà không mang lại nhiều lợi ích cho trẻ nhỏ thì số khác cho rằng nó giúp các em hình thành các thói quen học tập.

Theo AP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.