Thoát nghèo nhờ ý chí và nghị lực vươn lên

GD&TĐ - Ông Nguyễn Văn Việt (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) trước đây là hộ nghèo nhưng nhờ ý chí và nghị lực phấn đấu đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Mô hình nuôi tôm cua kết hợp của ông Nguyễn Văn Việt
Mô hình nuôi tôm cua kết hợp của ông Nguyễn Văn Việt

Xuất thân trong gia đình nghèo, trình độ học vấn chỉ ở mức 6/12, ra riêng với đôi bàn tay trắng, không đất sản xuất, phải nuôi 4 người con, thế nhưng hiện nay, gia đình ông Nguyễn Văn Việt (59 tuổi, ấp Bến Bàu, xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) chẳng những thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã mà còn có điều kiện giúp đỡ những người gặp khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Chăm chỉ tăng gia sản xuất

Xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi là vùng đất mặn chủ yếu chỉ nuôi trồng thủy sản, không thích hợp trồng màu, thế nhưng những năm qua, khu vực nhà ông Nguyễn Văn Việt lúc nào cũng phủ màu xanh của những luống rau, dàn dưa, bầu, bí... Không đất sản xuất, ông Việt tận dụng đất trống ven lộ, đất quanh nhà và mượn đất bờ vuông của người thân để trồng màu.
Hết vụ màu này, ông lại cải tạo đất trồng tiếp vụ màu khác, thế nên sản phẩm luôn có bán quanh năm và rất được người tiêu dùng địa phương ưa chuộng, tìm đến tận nhà để mua do biết trong quá trình sản xuất các loại hoa màu ông Việt không hề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

“Để phòng trừ sâu bệnh trên hoa màu, gia đình tôi thường sử dụng gừng, ớt, tỏi đâm nhuyễn làm thuốc sinh học phun xịt, việc này vừa diệt trừ sâu bệnh hiệu quả vừa đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng”, ông Việt cho biết.

Ông Nguyễn Văn Việt chăm sóc hoa màu.

Ông Nguyễn Văn Việt chăm sóc hoa màu.

Sau khi tích góp được số tiền từ việc trồng màu, chạy xe ôm, làm thuê làm mướn nhiều công việc khác nhau, vợ chồng ông Việt thuê 10 công đất nuôi trồng thủy sản với tiền thuê 1 triệu đồng/công/năm.

Do là đất thuê, nhận thấy nếu làm không hiệu quả sẽ không có tiền trả cho chủ đất nên trong quá trình nuôi tôm, cua kết hợp ông Việt luôn chú trọng khâu cải tạo ao, chọn giống chất lượng và tìm hiểu, phương pháp, kỹ thuật nuôi áp dụng vào thực tế mô hình của gia đình. Nhờ đó, so với nhiều hộ xung quanh, việc nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Việt luôn cho kết quả khả quan.

“Sản xuất bây giờ mình phải nắm bắt kỹ thuật nếu không sẽ không đạt hiệu quả, chẳng hạn trước khi thả tôm mình phải đo độ mặn trong vuông, vèo giống vài ngày để tôm khỏe mạnh không bị cá tạp ăn. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng cũng phải chịu khó bỏ rơm, xác bắp hoặc cỏ... vừa làm chỗ cho tôm trú ngụ, vừa tạo thức ăn cho chúng sau khi phân hủy. Đối với cua nuôi, để chúng chóng lớn, tôi thỉnh thoảng kiếm đầu cá phi hoặc mua cá phân tạo thêm thức ăn cho chúng”, ông Việt chia sẻ kinh nghiệm.

Ông Việt chia sẻ kinh nghiệm nuôi cua với người dân trong ấp.

Ông Việt chia sẻ kinh nghiệm nuôi cua với người dân trong ấp.

Ngoài trồng màu, nuôi tôm cua kết hợp, vợ chồng ông Việt còn chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm nhằm tăng thêm thu nhập, công việc của 2 vợ chồng cứ tuần hoàn, ít khi nào ngơi tay. Nhờ cần cù trong lao động, chịu khó học hỏi kinh nghiệm sản xuất và có ý chí phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, năm 2020 gia đình ông Nguyễn Văn Việt đã thoát nghèo bền vững, bốn người con khi trưởng thành đều được lo cho ra riêng, có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống.

Với nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí từ công việc trồng màu, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc gia cầm... vợ chồng ông Việt đã xây dựng lại được căn nhà kiên cố, khang trang và mua sắm đầy đủ tiện nghi cần thiết dùng trong gia đình. (căn nhà trước đây của ông do nhà nước hỗ trợ với chi phí 10 triệu đồng)

“Cuộc sống bây giờ ổn định tôi rất mừng, tuy nhiên bản thân nhận thấy cần phải tiếp tục phấn đấu nhiều hơn trong thời gian tới, mình phải làm gương cho các con mình noi theo, dạy chúng biết vươn lên trong khó khăn, không đầu hàng số phận”, ông Việt bộc bạch.

Giúp đỡ người khó khăn

Không chỉ cần cù trong lao động, ông Nguyễn Văn Việt còn làm tốt công tác xã hội, luôn sẵn lòng giúp đỡ bà con trong xóm, ấp, nhất là những người gặp khó khăn.

Các phong trào do chính quyền địa phương phát động, ông Việt chẳng những tham gia thực hiện tốt mà còn tích cực vận động bà con, hàng xóm cùng tham gia thực hiện, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh trật tự và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Ông Nguyễn Chí Công, ấp Bến Bào, xã Quách Phẩm Bắc (huyện Đầm Dơi) chia sẻ, trong xóm, ấp gia đình ai có việc gì cần giúp đỡ là ông Việt luôn sẵn sàng. Bà con ở đây ai cũng quý ông Việt ở đức tính cần cù siêng năng, chịu thương chịu khó và sự nhiệt tình với hàng xóm.

Ông Huỳnh Thẩm cùng ấp cho biết thêm, ông Việt có rất nhiều mô hình hay trong lao động sản xuất, những mô hình hiệu quả ông thường chia sẻ, hướng dẫn bà con cùng thực hiện, góp phần tăng hiệu quả kinh tế.

“Trước đây mình cũng nghèo khó, cuộc sống khó khăn, được Chính quyền địa phương, bà con giúp đỡ về nhà ở, cho vay vốn, cho mượn đất sản xuất, giờ mình đã thoát được cái nghèo nên phải có trách nhiệm giúp đỡ lại những hộ nghèo trong ấp trong khả năng có thể để họ vươn lên thoát nghèo như mình”, ông Việt chia sẻ.

Căn nhà gia đình ông Nguyễn Văn Việt.

Căn nhà gia đình ông Nguyễn Văn Việt.

Với sự nỗ lực không ngừng vươn lên trong cuộc sống cùng những thành tích đạt được, thời gian qua ông Nguyễn Văn Việt đã được các cấp hội, đoàn thể, chính quyền địa phương trao tặng nhiều giấy khen, bằng khen, phần thưởng, trong đó có danh hiệu nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền.
Đặc biệt, ông vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tặng bằng khen về thành tích xuất sắc, tiêu biểu tham gia các chương trình, mô hình làm ăn hiệu quả tạo ra thu nhập ổn định vươn lên thoát nghèo và có mức sống trung bình giai đoạn 2016 – 2020.

Ở cái tuổi gần 60, ông Nguyễn Văn Việt vẫn ngày ngày hăng say lao động sản xuất, tìm tòi học hỏi thêm nhiều mô hình làm ăn kinh tế mới để áp dụng. Từ tấm gương ông Việt, có thể đúc kết trong công tác giảm nghèo “Không sợ hộ nghèo về vật chất, chỉ sợ hộ nghèo về ý chí và nghị lực vươn lên”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ