Khơi dậy tình yêu quê hương từ giáo dục địa phương

GD&TĐ - Việc đưa nội dung giáo dục địa phương vào chương trình GDPT đã góp phần gìn giữ bản sắc, giáo dục truyền thống quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.

Khơi dậy tình yêu quê hương từ giáo dục địa phương

Nội dung giáo dục gần gũi, phong phú

Từ năm học 2021- 2022, trường THPT Nà Bao huyện Nguyên Bình, Cao Bằng đã đưa môn học giáo dục địa phương vào giảng dạy ở các lớp với thời lượng 35 tiết/năm học.

Nội dung gần gũi với đời sống thực tế nên học sinh rất thích thú, khiến cho các tiết học trở nên hấp dẫn, phát huy được tính năng động, sáng tạo, đem lại những hiểu biết và trải nghiệm học tập thú vị, ý nghĩa đối với cả giáo viên và học sinh

420642853-885945399984786-4566682195785941998-n-2135.jpg
Các em học sinh được tìm hiểu các di tích lịch sử tại địa phương

Em Tô Bảo Khanh, lớp 6B chia sẻ: “Qua các tiết học, em và các bạn được tìm hiểu thêm về những di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của tỉnh; thực hành truyền thông quảng bá du lịch dựa trên những chất liệu sẵn có nên tích lũy được thêm nhiều kiến thức bổ ích, giúp chúng em có hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử và bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của đồng bào các dân tộc thiểu số của địa phương và của tỉnh”.

Còn tại huyện Trùng Khánh, hiện thực Kế hoạch số 21 của Phòng GD&ĐT về việc triển khai các hoạt động giáo dục tuyên truyền về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng tại các trường học trên địa bàn.

Hiện, các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đã đưa chương trình “Tiết học biên cương" vào chương trình ngoại khoá của các nhà trường nhằm nâng cao nhận thức về chủ quyền biên giới quốc gia cho các em học sinh.

Thầy giáo Hoàng Văn Trường, Hiệu trưởng trường THCS thị trấn Trùng Khánh cho biết thêm: “Thông qua chương trình “Tiết học biên cương" đã trang bị cho học sinh một số kiến thức cơ bản về công viên địa chất toàn cầu, giúp học sinh hiểu, nhận thức được những vấn đề về di sản địa chất, cảnh quan thiên nhiên và chung tay hưởng ứng các hoạt động mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội.

Phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử

Theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, giáo dục địa phương là nội dung bắt buộc phải triển khai ở các cấp học. Việc đưa nội dung giáo dục địa phương vào Chương trình GDPT góp phần gìn giữ bản sắc, giáo dục giá trị tốt đẹp của quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.

Mỗi chủ đề trong tài liệu giáo dục địa phương được thiết kế theo từng bài học cụ thể, thông tin chính xác, khoa học, gần gũi, dễ hiểu, giúp học sinh hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội... trên địa bàn mình sinh sống.

Theo Trưởng Phòng GD&ĐT Thành phố Cao Bằng, bà Triệu Mỹ Vân: “Trên địa bàn Thành phố có 19 trường học đang thực hiện chương trình giáo dục địa phương. Các trường tiểu học thực hiện giảng dạy lồng ghép đối với khối lớp 1, 2; các khối lớp 3, 4, 5 chưa có tài liệu, chỉ được tiếp cận bản PDF. Các trường THCS thực hiện chương trình giáo dục địa phương từ lớp 6 - 9.

z5530898683406-c0e62005bae9313b3190f2f75fdd21ce-1581-1207.jpg
Chương trình “Tiết học biên cương" của trường THCS thị trấn Trùng Khánh

Quá trình giảng dạy giáo dục địa phương, các trường chủ động phân công các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch đảm bảo khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế của trường và nhất quán với định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh”.

Ông Hoàng Văn Đông, Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Trùng Khánh, Cao Bằng chia sẻ: “Căn cứ tình hình thực tế phòng GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức các hoạt động tuyên truyền và ngoại khóa về truyền thống lịch sử văn hóa tiềm năng lợi thế của tỉnh, huyện và những định hướng phát triển của địa phương đến học sinh.

Chỉ đạo các đơn vị linh hoạt lồng ghép các nội dung tuyên truyền giáo dục về truyền thống văn hóa lịch sử trong các hoạt động ngoại khóa tập thể các phong trào thi đua, nâng cao nhận thức về di sản địa chất và công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng”.

Trong xu thế hội nhập toàn cầu, việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống càng cần được chú trọng. Điều quan trọng là trong quá trình tổ chức dạy học giáo dục địa phương, các nhà trường cần giúp học sinh được học, quan sát từ thực tế ngay tại nơi mình sinh sống, học tập.

Từ thực tế để các em nhận thức được ý nghĩa và trách nhiệm gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử nước nhà, là hành trang quý giá cho thế hệ trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ