Đây là cuộc thi do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (cơ quan trực thuộc Bộ GD&ĐT) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Hệ thống Giáo dục Victoria School tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy giáo dục STEAM cho học sinh nữ và góp phần hiện thực hóa bình đẳng giới trong giáo dục.
Tại vòng chung kết, 69 thí sinh là học sinh nữ bậc trung học cơ sở đến từ 18 tỉnh, thành trên cả nước cùng đại diện từ các quốc gia Thái Lan, Lào, Malaysia được chia thành 23 đội với các thành viên được sắp xếp từ các tỉnh, thành, đất nước khác nhau. Mỗi đội bốc thăm 1 trong 3 chủ đề: Kỹ năng STEAM và kỹ năng xanh cho trẻ em gái, Năng lượng tái tạo; Thích ứng với biến đổi khí hậu để thực hiện nghiên cứu dự án.
Phát biểu tại Vòng chung kết, GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi nhấn mạnh, các dự án cùng phần thể hiện của các em trong vòng chung kết đã chứng minh rằng các bạn nữ cũng rất tài năng, có rất nhiều sáng kiến về khoa học, kỹ thuật tốt. Dù chỉ có vài ngày để làm quen các thành viên của nhóm và xây dựng các dự án nhưng các em đã hoàn thành tốt phần thi của mình.
Trước đó, các thí sinh đã có 3 ngày học tập và trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật, công nghệ, kỹ thuật... từ chuyến tham quan TPHCM, Học viện Hàng không Vietjet, Trung tâm đổi mới sáng tạo Galaxy Innovation Hub và Triển lãm Đa giác quan Van Gogh và Monet.
Từ những nghiên cứu, trải nghiệm thực tế và sự hướng dẫn của các giáo viên, các thí sinh đã bắt tay thực hiện dự án của mình. Các bạn đã vận dụng kiến thức về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, sinh học,... để hoàn thiện dự án. Bên cạnh đó, với khả năng sử dụng thành thạo các công cụ và phần mềm đồ họa, thiết kế cùng năng khiếu thẩm mỹ, từ những ý tưởng phác thảo ban đầu, các nữ sinh đã từng bước hoàn thành sản phẩm nghiên cứu ấn tượng, đặc sắc chứa đựng nhiều nội dung khoa học lý thú, bổ ích.
Bên cạnh đó, các em đã dành thời gian để tạo ra các sản phẩm, mô hình đơn giản để minh hoạ cho các ý tưởng, đề xuất của mình các chủ để dự án được các nhóm thí sinh lựa chọn xoay quanh các vấn đề: Xây dựng trường học, nhà ở xanh, thông minh; sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió trong nông nghiệp, thủy điện, sáng kiến giải pháp rác thải điện tử,…
Dựa trên các tiêu chí sáng tạo và đổi mới; Khả thi và ứng dụng; Tính hợp tác và làm việc nhóm... Hội đồng giám khảo đã chọn ra 9 đội thi xuất sắc nhất bước tiếp để tranh giải nhất và giải nhì.
Kết quả chung cuộc, 3 giải nhất thuộc về các dự án: “Năng lượng sinh khối-Biến thách thức thành cơ hội” của nhóm thí sinh Nguyễn Phương Anh (Hà Giang); Trương Đông Nhi (Ninh Thuận); Phạm Lê Vy (Trà Vinh); “Green living locally - Xây dựng không gian sống xanh địa phương” của nhóm thí sinh Natnicha Chanapha (Thailand); Nguyễn Hà Linh (Hà Nội); Adriana Fariesha (Malaysia); “Laugh and learn-Climate Change-Funny Course” của nhóm thí sinh Charinrat Mahapaisan (Thailand); Nguyễn Dương Yên My (Quảng Trị);Nurul Alya Syafiah (Malaysia).
Các dự án: “Năng lượng nước nhỏ, Hiệu quả lớn”, “Ngôi trường mơ ước của chúng em”, “Sống xanh mỗi ngày”, “Công nghệ sấy khô để xử lý chất thải thực phẩm thành thức ăn chăn nuôi hoặc vật liệu tái chế”, “Giải pháp sáng tạo để giảm phát thải khí carbondioxide trong cuộc sống hàng ngày”, “Phân tích một số nguyên nhân gốc rễ của biến đổi khí hậu” đạt giải nhì.
Ban tổ chức cũng đã trao 14 giải ba cho 14 đội thi còn lại của vòng chung kết và các giải cá cá nhân xuất sắc.
Thí sinh Lyndyleigh Pritchard Williams đến từ Thái Lan cho biết: “Đây là lần đầu em tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học dành cho nữ giới. Qua cuộc thi em được biết thêm về giáo dục STEAM và giao lưu với những bạn Việt Nam. Ngoài ra, em cũng cảm thấy thú vị khi có cơ hội tìm hiểu văn hóa tại TPHCM. Đặc biệt, tiếp xúc với các bạn Việt Nam và nhận thấy các bạn vừa học, vừa chơi rất là tốt. Các bạn học sinh và thầy cô đã hỗ trợ tôi rất nhiều, hỗ trợ tôi thuyết trình, khuyến khích và ủng hộ tinh thần cho tôi rất nhiều. Chắc chắn trong tương lai tôi sẽ tham gia những cuộc thi tương tự”.