Cảm thụ văn học

'Khóc Dương Khuê' của Nguyễn Khuyến: Ngân mãi khúc ca tình bạn

GD&TĐ - Tác phẩm 'Khóc Dương Khuê' ngân mãi khúc ca tình bạn đến muôn sau, lay động trái tim người đọc bao thế hệ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

“Khóc Dương Khuê” là một thi phẩm mang tấm lòng chan chứa yêu thương của thi sĩ, thể hiện rõ tình cảm chân thành mà tha thiết của ông dành cho bạn vong niên khi người bạn giã từ trần thế.

Khóc Dương Khuê

Bác Dương thôi đã thôi rồi,

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.

Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,

Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau;

Kính yêu từ trước đến sau,

Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời?

Cũng có lúc chơi nơi dặm khách,

Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo;

Có khi từng gác cheo leo,

Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang.

Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,

Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân.

Có khi bàn soạn câu văn,

Biết bao đông bích, điển phần trước sau.

Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn,

Phận đẩu thăng chẳng dám than trời;

Bác già, tôi cũng già rồi,

Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là!

Muốn đi lại tuổi già thêm nhác,

Trước ba năm gặp bác một lần;

Cầm tay hỏi hết xa gần,

Mừng rằng bác hãy tinh thần chưa can.

Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,

Tôi lại đau trước bác mấy ngày;

Làm sao bác vội về ngay,

Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời.

Ai chẳng biết chán đời là phải,

Sao vội vàng đã mải lên tiên;

Rượu ngon không có bạn hiền,

Không mua không phải không tiền không mua.

Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,

Viết đưa ai, ai biết mà đưa.

Giường kia treo cũng hững hờ,

Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.

Bác chẳng ở, dẫu van chẳng ở,

Tôi tuy thương, lấy nhớ làm thương;

Tuổi già hạt lệ như sương,

Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!

Nguyễn Khuyến là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền văn học Trung đại thời kì cuối. Ông nổi tiếng về học hành đỗ đạt khoa bảng và tài năng thi ca. Cụ Tam nguyên Yên Đổ không chỉ nức tiếng trong vùng mà nổi danh khắp nước và trở thành một bức tượng đài vững chãi trong lòng người đương đại và hậu thế.

Người ta không chỉ biết đến một cụ Tam nguyên tài năng và khảng khái từng dặn con trai: “Đề vào mấy chữ trong bia/ Rằng quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu” mà còn biết đến một thi nhân nặng lòng với thiên nhiên thôn dã, với con người và tình đời thiết tha.

“Khóc Dương Khuê” là một thi phẩm chứa chất tấm lòng chan chứa yêu thương của thi sĩ, thể hiện rõ tình cảm chân thành mà tha thiết của ông dành cho người bạn vong niên khi người bạn giã từ trần thế. Tác phẩm ngân mãi khúc ca tình bạn đến muôn sau, lay động trái tim người đọc bao thế hệ.

Tình bạn giữa Nguyễn Khuyến và Dương Khuê là một tình bạn đẹp, gắn bó sâu sắc. Hai người đã có những kỉ niệm đẹp đẽ bên nhau trong thời gian học tập ở Huế, rồi đi thi, rồi đỗ đạt và làm quan.

Kể cả sau đó, khi Nguyễn Khuyến từ quan, Dương Khuê vẫn làm quan thì tình bạn của họ vẫn keo sơn, khăng khít. Nghĩa là mối quan hệ của hai người không chỉ là mối quan hệ bạn bè đẹp đẽ mà còn là mối tình tri âm, tri kỉ. Và vì vậy, khi Dương Khuê qua đời, cụ Nguyễn cảm thấy đau xót, hụt hẫng và chơi vơi.

Nhan đề bài thơ thật ấn tượng, là sự kết hợp động từ “khóc” với đối tượng hướng tới “Dương Khuê” đã giúp độc giả hiểu được nội dung của bài thơ. Đó là nỗi xót xa, ngậm ngùi khi người bạn tri âm, tri kỉ qua đời. Bài thơ là tiếng lòng thiết tha, da diết của một người bạn giàu tình hướng tới người bạn gắn bó suốt một khoảng thời gian dài với nhiều kỉ niệm sâu đậm.

Với thể thơ song thất lục bát, thể thơ truyền thống mang quốc hồn, quốc tuý và tính dân tộc Việt sâu sắc, bài thơ đã chuyển tải một cách nhẹ nhàng mà hiệu quả nỗi niềm của tác giả.

Thể thơ giàu tính nhạc dựa trên những câu dài ngắn khác nhau, sự hoà phối thanh điệu, kết hợp cách gieo vần với mật độ cao là sự lựa chọn cho các thể loại khúc ngâm, ca trù, văn tế và thơ. Ở đây tác giả đã có một sự lựa chọn tối ưu. Thông thường với thể song thất lục bát thì trật tự sẽ là 2 câu 7 tiếp đến là câu 6 và câu 8 nhưng ở bài thơ này, mở đầu là cặp câu 6, 8 sau đó mới đến kết cấu đó. Đây là một dạng biến thể đầy dụng ý.

Tuy vậy, luật về thanh điệu, vần, nhịp vẫn đảm bảo đúng chuẩn của thể thơ song thất lục bát. Vần được gieo ở các tiếng thứ 6, 8 của câu lục bát (rồi, ngùi), các tiếng thứ 8 của dòng bát, tiếng thứ 5 của dòng thất (ta, khoa) và các tiếng thứ 5, 7 của cặp câu thất (trước, bác)… cứ nhịp nhàng như vậy cho đến hết bài. Nhịp của cặp câu lục bát là nhịp chẵn 2/2/2 hoặc 2/2/2/2 còn nhịp của cặp câu thất là nhịp lẻ/ chẵn 3/2/2 hoặc 3/4. Thanh điệu phối hài hoà có ở cả tiếng chẵn và tiếng lẻ( 5,7; 2,4,6,8).

Bài thơ mở đầu với cặp câu lục bát nghe như tiếng thở dài đầy đau đớn trước một hung tin:

Bác Dương thôi đã thôi rồi

Nước mây man mác, ngậm ngùi lòng ta

Tác giả đã sử dụng phép nói giảm nói tránh “thôi đã thôi rồi” để giảm bớt nỗi đau mất bạn nhưng chúng ta vẫn thấy hiện hữu một người bạn đang rất bàng hoàng, xót xa khi nhận tin dữ. Câu thơ nghe như ai oán, xót xa giống thể văn tế nhói lòng. Nỗi đau ấy đã nhuốm cả vào không gian vạn vật “nước mây man mác” khi “lòng ta ngậm ngùi”.

Câu thơ chỉ đơn thuần là lời thông báo trước nỗi đau mất bạn mà ẩn chứa trong đó cả nỗi bàng hoàng đến nghẹn lòng, xót xa. Quả đúng như một nhận định về thơ: “Thơ sinh ra không phải để cho người đời chơi chữ mà cốt để chuyển tải nỗi lòng. Thơ hay nhiều khi không còn thấy thơ đâu mà chỉ thấy cuộc đời, số phận” (Vương Trọng).

ngan-mai-khuc-ca-tinh-ban3.jpg
Chân dung nhà thơ Nguyễn Khuyến. Ảnh: ITN

Trước nỗi đau quá lớn con người ta thường ru vỗ bằng cách lần tìm các kỉ niệm để an ủi. Nguyễn Khuyến cũng vậy, ông nhớ về những kỉ niệm với người bạn vong niên từ khi thi cử, đỗ khoa bảng rồi làm quan. Họ gắn bó thân thiết với nhau ở mọi thời điểm, mọi không gian, những kỉ niệm cứ ào ạt ùa về dồn dập đầy thương nhớ:

Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước

Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau…

Cũng có lúc chơi nơi dặm khách

Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo…

Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp

Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân

Có khi bàn soạn câu văn

Biết bao đông bích, điển phần trước sau

Những kỉ niệm nối dài theo năm tháng của nhà thơ với bạn: Cùng đi thi, cùng làm quan, cùng làm thơ, uống rượu và cùng du sơn ngoạn thuỷ, cùng chia sẻ mọi buồn vui trong cuộc sống. Với phép liệt kê và điệp ngữ “cũng có lúc…có khi” cho ta thấy kỉ niệm hiện về dồn dập, sống động, chân thực và khó phai mờ. Những ý thơ nhịp nhàng, đều đặn và dìu dặt giống như những cơn nấc nghẹn ngào dội lên từng đợt của thi sĩ trước nỗi đau mất bạn.

Kỉ niệm được nhắc lại theo dòng thời gian từ xa đến gần, giọng thơ trầm đều… giúp độc giả thấy được kỉ niệm giữa nhà thơ và bạn càng chồng chất, thể hiện một tình bạn keo sơn, gắn bó, chân thành và sâu sắc. Đồng thời chúng ta cũng hình dung ra chân dung một người bạn đang tiếc nhớ những kỉ niệm bên người bạn thân thiết nay đã thành người thiên cổ. Những kỉ niệm được lần giở trong nỗi tiếc nhớ rưng rưng.

Nhưng kỉ niệm đẹp vẫn chỉ còn là kí ức, là những điều đã qua, đã trở thành quá vãng. Dù đẹp đến độ nào cũng chỉ còn là hoài niệm, chẳng còn hiện hữu. Vì thế tác giả lại quay trở về với thực tại phũ phàng khi người bạn thân thiết đã đi xa.

Cách nói giảm nói tránh nhưng không cân bằng được tâm trạng sửng sốt, bàng hoàng: “Làm sao bác vội về ngay/ Chợt nghe tôi bỗng chân tay rụng rời”. Dường như nỗi đau tinh thần quá lớn đã vượt qua nỗi đau thể xác “chân tay rụng rời”. Trở lại thực tại, giọng thơ chuyển từ hoài niệm sang đau đớn, xót xa.

Câu hỏi tu từ: “Ai chẳng biết chán đời là phải/ Sao vội vàng đã mải lên tiên?” cũng là lời trách của Nguyễn khuyến đối với bạn, diễn tả nỗi đau đớn bơ vơ trong lòng tác giả. Điệp ngữ “ không”, “ai”, “viết” diễn tả nỗi trống vắng, cô đơn đến tột cùng không gì bù đắp nổi trong lòng nhà thơ. Những câu thơ cuối dồn tụ bao nỗi đau, nỗi thương bạn, chỉ còn nỗi nhớ ở lại, dường như nước mắt đã lặn vào trong, vào phía con tim đang rung lên thổn thức những cung bậc nghẹn ngào, chua xót.

Câu thơ nghĩ đắn đo không viết

Viết đưa ai, ai biết mà đưa

Giường kia treo cũng hững hờ

Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn

Nỗi đau đớn đến tột cùng được diễn tả qua những câu thơ này. Cả quá trình gắn bó của cụ Tam nguyên Yên Đổ và Dương Khuê đã được chính người trong cuộc nói thật rõ: “Những khi bàn soạn câu văn” đã được tường minh hơn với “Câu thơ nghĩ đắn đo không viết/ Viết đưa ai ai biết mà đưa”.

Hai người bạn đã quá hiểu nhau, hiểu từng tâm tư, nỗi niềm, hiểu từng câu chữ, ý thơ. Họ tuy hai mà một, tuy một mà hai như trong một câu thơ của cụ Nguyễn: “Bác đến chơi đây ta với ta”. Tác giả cũng thật khéo léo và tự nhiên khi nhắc đến câu chuyện của Trần Phồn thời Hậu Hán có người bạn thân là Từ Trĩ. Trần Phồn dành riêng cho bạn một cái giường, khi bạn đến chơi thì mời ngồi, lúc bạn về lại treo giường lên.

Hay điển tích chuyện Bá Nha và Chung Tử Kì là hai người bạn. Bá Nha là người chơi đàn giỏi, Tử Kì có tài nghe đàn của Bá Nha mà hiểu được điều Bá Nha đang nghĩ. Sau Tử Kì chết, Bá Nha đập bỏ đàn vì cho rằng không có ai hiểu được tiếng đàn của mình. Từ hai điển tích này chứng minh tình bạn tri âm tri kỉ giữa Nguyễn Khuyến và Dương Khuê, luôn đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia với nhau mọi niềm vui, nỗi buồn. Từ đó khiến cho nỗi đau càng thêm đau thắt, nỗi hụt hẫng, chơi vơi càng nên sâu thẳm trong lòng người ở lại.

ngan-mai-khuc-ca-tinh-ban.jpg
Khu nhà bảy gian của cụ Tam nguyên Yên Đổ. Ảnh: ITN

Nguyễn Khuyến là minh chứng điển hình cho một con người tài năng nhưng không tranh đấu với đời. Ông sớm chọn cuộc sống hòa mình với thiên nhiên, ẩn cư giữa núi rừng tươi đẹp. Người đọc hẳn không thể quên những lời thủ thỉ của cụ với các con khi năm mới vừa sang:

Năm mới vừa sang, năm cũ qua

Tuy nghèo ta vẫn mến nhà ta

Chín sào tư thổ là đất ở

Một bó tàn thư ấy nghiệp nhà

Trước cửa khói dày, non khuất bóng

Bên tường mưa ít, cúc thưa hoa

Các con nối chí cha nên biết

Nghiên bút đừng quên lúa đậu cà”

(Ngày xuân dặn các con - Nguyễn Khuyến)

Đọc thơ Nguyễn Khuyến chúng ta hiểu được một bậc nhà Nho có tài và cuộc sống thật dân dã, luôn gắn bó với làng quê bình yên, bình yên cả trong lẽ sống. Cụ đã từ bỏ chốn quan trường trong buổi “hoạn nạn” của “phận đấu thăng” để lòng mình được thanh thản, an yên. Dẫu vậy, tình bạn của cụ với Dương Khuê, người bạn đang ở lại với chốn quan trường vẫn không thay đổi. Điều đó chứng minh thêm sự thấu hiểu, sẻ chia và tôn trọng bạn của cụ Nguyễn. Thật đáng kính trọng và ngưỡng mộ.

Những câu thơ cuối cứ tự nhiên khép lại dòng cảm xúc của thi sĩ với bạn mà như mở ra cả một nỗi lòng đớn đau, chua xót:

Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở

Tôi tuy thương lấy nhớ mà thương

Tuổi già hạt lệ như sương

Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan.

Một sự thật không thể khác được, từ nay người bạn tri âm, tri kỉ không còn nữa, đó là một thực tế đau lòng. Chỉ còn lại những kí ức và người ở lại vương vấn nỗi nhớ thương khắc khoải. Nỗi đau của người “tuổi già” cũng thật khác, nỗi đau không hiện hữu dễ nhận diện, không thấy “những hàng chứa chan” nhưng chúng ta vẫn thấy cả con tim đang rung lên từng nhịp, ta thấy cả cõi lòng đang thổn thức bởi đớn đau. Nỗi đau của người từng trải không ồn ã mà dồn tụ thành một sức nặng vô cùng. Sức nặng đó như lan sang cả mọi người, cả độc giả của hôm nay và mãi muôn sau.

Đọc, hiểu và cảm bài “Khóc Dương Khuê” chúng ta càng hiểu sâu sắc hơn tấm chân tình của người bạn quý trong “Bạn đến chơi nhà”. Một người luôn sống chân thành, thắm thiết với bạn bè; trân quý bạn, yêu thương bạn thì nỗi đau khi mất bạn đến nghẹn ngào là điều dễ hiểu. Đọc bài thơ chúng ta càng quý hơn một nhà thơ mang trong mình hồn quê đất Việt - Nguyễn Khuyến.

Với sự kết hợp hài hoà từ thể thơ, giọng điệu thơ, hình ảnh, ngôn ngữ, các biện pháp tu từ, bài thơ “Khóc Dương Khuê” thật sự đã để lại một nốt thăng trong tâm hồn độc giả bao thế hệ. Yêu bài thơ chúng ta càng trân trọng con người Nguyễn Khuyến, một người tài năng và rộng rãi nghĩa tình. Bài thơ có sức sống mãnh liệt, trường tồn cùng năm tháng và lòng người. Là một khúc ca về tình bạn dư âm vang mãi đến muôn sau!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ