Khoanh vùng nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, bảo vệ người dân ở Thanh Hóa

GD&TĐ - Thanh Hoá là một trong những tỉnh trên cả nước bị tác động nặng nề của thiên tai gây ra, thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân.

Dự báo trong thời gian tới tình hình thời tiết, thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt địa bàn các huyện miền núi.

Những tổn thất nặng nề do thiên tai

Thông tin từ văn phòng thường trực chỉ huy phòng chống thiên tai (thuộc Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn - phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa) cho biết, từ tháng 1 đến ngày 5/10, tỉnh Thanh Hóa đã phải hứng chịu 26 trận thiên tai, gồm: 6 đợt nắng nóng; 3 đợt rét đậm, rét hại; 6 đợt mưa lớn; 8 trận giông, lốc, sét; 2 trận sạt lở đất; 1 cơn bão (bão số 2) và 1 áp thấp nhiệt đới. Thiên tai đã làm chết 2 người, 1 người bị thương và gây thiệt hại tài sản khoảng 43 tỉ đồng. Một số thiệt hại về tài sản đáng kể qua các trận thiên tai, như: 39 ngôi nhà bị hư hỏng 3 nhà phải di dời khẩn cấp, 10 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất; 120 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 462 vị trí trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở, sa bồi…

Khu vực miền núi Thanh Hóa có địa hình rất dốc, đồi núi cao xen kẽ giữa sông suối, hồ đập, đây cũng là vùng hội tụ của nhiều trận mưa lớn hàng năm. Nhất là ở các vùng Bái Thượng, Cửa Đạt, Bát Mọt của huyện Thường Xuân, Lang Chánh... là những vùng thường xuyên xảy ra những trận mưa lớn trong một thời gian ngắn, vì vậy rất dễ gây ra lũ quét và sạt lở đất.

Biển cảnh báo sạt lở tại xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân
Biển cảnh báo sạt lở tại xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân

Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa bão, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở các huyện miền núi luôn thấp thỏm lo âu vì sợ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét không may tràn về sẽ cuốn trôi người và tài sản bất cứ lúc nào. Đặc biệt là trận lũ bão lịch sử “lũ chồng lũ, bão chồng bão”, sạt lở đất tại một số huyện miền núi năm 2019. Trong đó mất mát lớn nhất là bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn bị một trận lũ quét, làm hàng chục ngôi nhà bị cuốn trôi, cướp đi sinh mạng của nhiều đồng bào DTTS trong tích tắc. Đây được đánh giá là trận lũ quét kinh hoàng nhất từ trước tới nay ở Thanh Hóa, làm thiệt hại nặng nề về tài sản và người nơi đây.

Mới đây nhất, do ảnh hưởng của cơn bão số 8, trên địa bàn huyện Mường Lát xuất hiện nhiều đợt mưa lớn kéo dài đã làm sạt lở ta luy dương trên tuyến Quốc lộ 15C, đoạn qua bản Kéo Té, xã Nhi Sơn, khiến giao thông bị ách tắc nghiêm trọng nhiều ngày. Cụ thể, khu vực sạt lở xảy ra tại Km70+900 với khối lượng đất, đá ước tính khoảng gần 20 nghìn m3 tràn xuống, chắn ngang tuyến Quốc lộ 15C, khiến cho tuyến giao thông nối các huyện miền xuôi lên huyện Mường Lát và ngược lại không thể lưu thông qua lại. Địa phương cùng các lực lượng chức năng đã tiến hành lập biển cảnh báo, cử người trực gác ở hai đầu điểm sạt lở để phân luồng, hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông đi theo các tuyến đường khác. Mãi đến ngày 21/10/2021 mới thông được tuyến đường này.

Tiếp đó, tại bản Ón, xã Tam Chung của huyện này cũng xảy ra sạt lở đất trên đỉnh và thân đồi giáp với khu vực đồng bào sinh sống. Chiều dài cung sạt khoảng 100m, rộng 0,5m, sâu 1m, có nguy cơ rất cao mất an toàn về tính mạng, tài sản của 42 hộ, 244 nhân khẩu đồng bào nơi đây.

Không chỉ ở huyện Mường Lát, tại huyện Quan Sơn cũng thường xuyên xảy ra sạt lở đất ở các sườn đồi, sườn núi. Trong đó nguy hiểm nhất hiện nay là tại bản Ngàm và bản Co Hương, xã Tam Thanh đã xảy ra sạt lở đất trên sườn đồi núi phía người dân đang sinh sống, với chiều dài cung sạt khoảng 200m, rộng 1m, sâu 7m, đã đe dọa đến tính mạng, tài sản của 36 hộ, 189 nhân khẩu…

Cần thi hành đồng bộ nhiều giải pháp trong phòng, chống thiên tai

Các huyện miền núi của Thanh Hoá chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống khó khăn. Do đó, khi thiên tai xảy ra sẽ ảnh hưởng nặng nề đến tính mạng, tài sản của đồng bào tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do vậy, cần phải có một giải pháp đồng bộ về công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn chủ động và quyết tâm cao nhất để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc ứng phó với thiên tai vừa phải an toàn tại các điểm có nguy cơ sạt lở cao, vừa phải có phương án sơ tán dân phù hợp để bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh. Tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, bảo đảm kịp thời, chính xác, chú trọng, ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu về thiên tai, dự báo khí tượng thủy văn, theo dõi, giám sát thiên tai; triển khai các biện pháp hiệu quả nhất trong công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn.

Theo thống kê của Văn phòng thường trực chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh này hiện có 33 trọng điểm xung yếu về đê điều, 93 hồ chứa không đảm bảo an toàn, 12 công trình đê điều và 10 hồ chứa đang thi công dở dang. Nếu trời mưa kéo dài liên tục sẽ đe dọa nhiều công trình thủy lợi, công trình đê điều trên địa bàn.

Để chủ động phòng chống thiên tai, tỉnh Thanh Hoá cũng đã chỉ đạo các ngành, các địa phương đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác bố trí dân cư đối với phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống giảm nhẹ thiên tai; vận động các hộ gia đình có quỹ đất tại các vùng an toàn ưu tiên, chuyển nhượng cho các hộ gia đình đang sinh sống tại vùng ảnh hưởng thiên tai.

Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến từng tình huống thiên tai, sự cố, dự báo đúng tình hình, tham mưu, chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả, khắc phục khẩn trương hậu quả thiên tai, sự cố gây ra.

Chỉ đạo các địa phương rà soát quỹ đất để đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng, bố trí đất ở cho các hộ dân vùng ảnh hưởng thiên tai trong Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 và Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030.

Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trích đoạn kinh điển 'Lý trưởng - mẹ Đốp' trong vở chèo cổ 'Quan Âm Thị Kính' biểu diễn tại sự kiện 'Phi hề bất thành chèo'. Ảnh: BTC.

'Phi hề bất thành chèo'

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Mercury (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức talkshow và biểu diễn nghệ thuật 'Phi hề bất thành chèo' tại Nhà hát Chèo Việt Nam.