Khoảng trống trên kệ sách

GD&TĐ - Chúng ta dễ tiếp cận văn hoá các nước, nhưng thế giới lại biết rất ít về văn hoá Việt Nam.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Vậy cách nào để Việt Nam quảng bá văn hoá cũng như nền văn chương nước mình đến với bạn bè thế giới? Làm cách nào để trên kệ các nhà sách, có những cuốn sách Việt Nam?

Tuần lễ “Ngày sách và văn hóa đọc”, nhiều người không khỏi chạnh lòng trước thực trạng sách Việt gần như vắng bóng trên thị trường sách thế giới. Rất ít sách của tác giả Việt Nam được xuất khẩu ra nước ngoài, càng hiếm những cuốn sách chủ đạo về tinh thần và văn hoá Việt Nam được dịch và xuất hiện trên kệ sách thế giới.

Chúng ta dễ dàng tiếp cận và mua những cuốn sách nước ngoài, để biết về văn hoá cũng như nền văn chương nước khác. Như văn chương và lịch sử Trung Quốc chẳng hạn, những cuốn tiểu thuyết, thơ hay sách chỉ dẫn các tác giả tràn ngập trong các hiệu sách Việt.

Thế nhưng, tại các hiệu sách ở Trung Quốc – có bao nhiêu sách của tác giả Việt Nam? Sẽ rất khó và cực hiếm để tìm được một cuốn sách có tên tác giả Việt? Lỗi không phải tại họ, lỗi tại chúng ta – đã bỏ qua hoặc không nghĩ tới một chiến lược quảng bá văn hoá thông qua “xuất khẩu sách”.

Năm 2021, Viện Dịch thuật văn chương Hàn Quốc kỉ niệm 25 năm thành lập với tiền thân là Quỹ Dịch thuật văn chương Hàn Quốc - ra đời năm 1996, với sứ mệnh quảng bá văn chương của xứ sở kim chi ra thế giới. Mục tiêu của họ là kiến tạo văn chương Hàn Quốc như một phần của văn chương thế giới.

Năm 2014, Indonesia thành lập Ủy ban Sách quốc gia. Chính phủ nước này đã chi khoảng 11 triệu USD cho việc tham gia và quảng bá sách của họ tại Hội chợ sách

Frankfurt 2015 và khoảng 300.000 USD cho Hội chợ sách quốc tế Indonesia trong năm đó. Năm 2018, Indonesia chọn được 70 tựa từ 131 đề cử, gồm các tác phẩm dịch ra 6 ngôn ngữ tại hơn 10 quốc gia.

Một số tác phẩm văn học Indonesia đã ra mắt độc giả Việt Nam: “Chiến binh cầu vồng”, “Đẹp là một nỗi đau”… Trong đó, “Chiến binh cầu vồng” đã bán được trên 5 triệu bản, được dịch ra 26 thứ tiếng và là một trong những đại diện xuất sắc nhất của văn học Indonesia hiện đại.

Còn Việt Nam thì sao? Chúng ta gần như chưa tạo lập được chỗ đứng cho sách Việt. Rất hiếm hoi những cuốn sách, như: “Những chuyến phiêu lưu của mèo Tita” (tác giả Búp Bê), “Chang hoang dã - Gấu” (tác giả Trang Nguyễn )… được dịch và nhà xuất bản ở nước ngoài phát hành.

Dễ thấy, những tác phẩm có mặt trên kệ sách thế giới là do nỗ lực cá nhân hoặc mối liên kết của nhà xuất bản. Để sách Việt có chỗ đứng trên trường quốc tế, cần có chiến lược quảng bá toàn diện, bài bản, lâu dài, với sự chung sức của các cơ quan quản lý, hội chuyên ngành, đơn vị xuất bản, tác giả, dịch giả…

Người Việt lười đọc không có nghĩa thế giới cũng lười đọc, ngược lại, nhiều quốc gia có sức đọc rất lớn. Như Ấn Độ, dù số người biết chữ chỉ chiếm 27,4% dân số nhưng có đến 25% số người trẻ đọc sách thường xuyên và 49% số người được đi học đọc sách như một cách giải trí.

Chúng ta đã nhìn ra thế giới, nhưng đã bỏ qua một chiến lược quảng bá văn hóa đúng đắn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể khắc phục sai lầm, nếu biết cách để thế giới nhìn thấy Việt Nam – thông qua những cuốn sách mang tựa Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ