Khoảng trống hậu Abe Shinzo

GD&TĐ - Việc Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo giữ bí mật đến phút chót cho quyết định từ chức vì lý do sức khỏe đã để lại một khoảng trống bất ngờ cho chính trường nước này cũng như khu vực và thế giới, do tầm ảnh hưởng vững chắc của ông được tạo dựng trong suốt thời gian tại vị kỷ lục.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ngay từ trung tuần tháng 8, tình hình sức khỏe của ông Abe bắt đầu có dấu hiệu xấu đi khi vị thủ tướng liên tục xuất hiện tại bệnh viện. Nhưng thời điểm đó, ngay cả các đồng minh thân cận trong đảng Tự do Dân chủ (LDP) cũng không nghĩ ông sẽ sớm từ chức vì sức khỏe. Giới chức Tokyo liên tục trấn an dư luận rằng sức khỏe của vị thủ tướng 65 tuổi vẫn hoàn toàn bình thường.

Chỉ đến trước khi họp báo tuyên bố từ chức, Thủ tướng Abe Shinzo mới gặp riêng đồng minh thân thiết nhất là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso để chia sẻ về quyết định của mình. Ngay sau đó là cảnh tượng được mô tả là “hỗn loạn” tại văn phòng nội các Nhật Bản khi tin tức bắt đầu lan ra. Chiều 28/8, ông Abe chính thức tuyên bố từ chức với lý do căn bệnh viêm loét đại tràng mãn tính tái phát nặng. Từ đây, khoảng trống quyền lực tại Nhật Bản bắt đầu hiện ra.

Nội bộ đảng LDP cầm quyền cấp tập bước vào cuộc chạy đua để tìm người kế nhiệm ông Abe và sẽ có kết quả sau cuộc bỏ phiếu vào giữa tháng 9 tới. Chính trường Nhật thêm phần căng thẳng và khó đoán vì ông Abe đã không có sự chuẩn bị về người kế nhiệm khi tuyên bố từ chức. Điều này khiến quá trình chuyển giao quyền lực tại nước này tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ.

Khi giải thích về việc từ chức, ông Abe cũng nhấn mạnh không muốn tạo ra khoảng trống lãnh đạo vì vấn đề sức khỏe cá nhân nên đã đi đến quyết định ngay sau khi nhận được chẩn đoán của các bác sĩ. Tuy nhiên, quá trình dẫn dắt nước Nhật liên tục từ năm 2012 đến nay đã khiến tầm ảnh hưởng của ông được định hình rõ nét không chỉ tại Nhật Bản mà cả trên phạm vi khu vực và thế giới.

Ông Abe còn có quan hệ đặc biệt gần gũi với Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông chủ Nhà Trắng đã gọi ông là “vị thủ tướng vĩ đại nhất trong lịch sử Nhật Bản”. Di sản của ông trong mối quan hệ Mỹ - Nhật là việc ông đã củng cố được mối liên kết với Washington qua việc ban hành luật an ninh quốc gia, cho phép phòng vệ tập thể với các đồng minh. 

Trong khi đó, giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung đang lên đỉnh điểm từ thương mại đến ngoại giao, việc ông Abe vốn có tầm ảnh hưởng lớn bất ngờ rút lui cũng được dự đoán sẽ tác động mạnh mẽ đến tình hình địa chính trị của Đông Á. Ngoài ra, với việc ông theo đuổi chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở”, sự kiện ông ra đi được giới phân tích dự đoán sẽ dẫn đến thay đổi lớn cho bối cảnh an ninh của khu vực rộng lớn này.

Chính tầm ảnh hưởng chính trị đã được hình thành rõ nét từ trong nước ra quốc tế nói trên, khoảng trống xuất hiện tại Nhật Bản khi ông Abe rời đi là điều khó tránh khỏi. Bất cứ ứng viên nào lên kế nhiệm ông vào giữa tháng 9 tới cũng sẽ phải đối mặt với các thách thức không nhỏ khi tiếp quản ghế từ một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm như vậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ