Kỷ lục của Thủ tướng Abe Shinzo: Đem lại sự ổn định chính trị cho nước Nhật

GD&TĐ - Hôm qua 20/11/2019, ông Abe Shinzo đã trở thành Thủ tướng nắm quyền lâu nhất trong lịch sử chính phủ lập hiến của Nhật Bản với 2.887 ngày. Không chỉ là kỷ lục về thời gian, ông đã đem lại sự ổn định chính trị cho nước Nhật sau hai thập kỷ bất ổn. 

Nước Nhật ổn định và phát triển dưới sự lãnh đạo của ông Abe Shinzo. Ảnh: Reuters
Nước Nhật ổn định và phát triển dưới sự lãnh đạo của ông Abe Shinzo. Ảnh: Reuters

Triết lý cầm quyền

Ông Abe đã vượt qua kỷ lục 2.886 ngày trước đó của Thủ tướng Katsura Taro từ cách đây hơn một thế kỷ. Nhiệm kỳ Thủ tướng đầu tiên của ông Abe bắt đầu tháng 9/2016, khi ông mới 52 tuổi và trở thành Thủ tướng trẻ nhất của Nhật Bản. Nhưng ông từ chức chỉ sau một năm do vấn đề sức khỏe.

Ông trở lại làm lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do LDP tháng 9/2012 khi đảng Dân chủ Nhật Bản vẫn nắm quyền, và tháng 12 năm đó ông trở lại ghế Thủ tướng sau khi LDP chiến thắng trong bầu cử Hạ viện Nhật. Tính đến ngày 19/11, ông giữ vị trí Thủ tướng trong chính quyền hiện nay đã 2.520 ngày.

Phải đến 30/9/2021 nhiệm kỳ Chủ tịch LDP của ông Abe mới hết hạn và nếu ông tiếp tục dẫn dắt chính phủ đến lúc đó, thời gian tổng cộng ông là Thủ tướng sẽ lên tới 3.567 ngày.

Năm 2007, nhiều người không nghĩ rằng ông Abe sẽ trở lại làm Thủ tướng. Nhưng ông đã vượt qua được thất bại của chính mình trong nhiệm kỳ đầu tiên, cũng như vượt qua một thời kỳ bất ổn chính trị dài của Nhật Bản với sự thay đổi lãnh đạo liên tục, để đem lại cho đất nước sự ổn định chính trị, cho dù phong trào dân túy diễn ra ở nhiều nước phát triển khác. Từ năm 1989, Nhật đã có 17 lần thay đổi Thủ tướng.

Ông đã khôi phục không chỉ sức khỏe của mình, mà cả một triết lý cầm quyền - tờ Financial Times viết. Một lý do ông trở lại thành công là thất bại của đảng Dân chủ Nhật Bản DPJ đối lập trong thời kỳ đảng này cầm quyền năm 2009 - 2012, thời kỳ suy thoái sau khủng hoảng tài chính 2008 - 2009, thảm họa hạt nhân Fukushima và sự bất ổn liên tục về quyền lãnh đạo.

Kể từ khi DPJ thất bại trong bầu cử năm 2012, đảng này đã bị chia rẽ tới mức không có đảng đối lập nào có thể đánh bại được LDP và gạt ông Abe khỏi vị trí lãnh đạo.

Trong thời kỳ đảng LDP của ông Abe áp đảo, ông không gặp phải sự phản đối nào trong nội bộ. Ông có một đội ngũ những người hậu thuẫn rất đáng gờm và không bị thay đổi kể từ năm 2012, trong đó có Chánh Văn phòng nội các Yoshihide Suga và Bộ trưởng Tài chính Taro Aso.

“Nhiệm kỳ của ông Abe đã làm cho Nhật trở thành một hòn đảo ổn định về chính trị ngay cả khi các nền dần dân chủ công nghiệp tiên tiến khác phải trả giá vì các chính phủ yếu, không được lòng dân và nắm quyền ngắn hạn suốt thập kỷ qua”, tờ Guardian dẫn lời ông Tobias Harris, một chuyên gia về Nhật Bản, Phó Chủ tịch Công ty tư vấn Teneo Intelligence có trụ sở tại Washington.

Không có đối thủ

Các cuộc thăm dò ý kiền gần đây cho thấy, vị trí của đảng LDP của Thủ tướng Abe hiện nay là không thể lay chuyển, và ông có thể tiếp tục là lãnh đạo LDP tới ít nhất tháng 9/2021. Theo thăm dò của đài NHK tháng 11/2019, sự ủng hộ cho LDP hiện là 36,8%, vượt xa so với đảng đối lập lớn nhất là đảng Dân chủ Hiến pháp với mức chỉ 6,3%.

Tuy nhiên trong nhiệm kỳ qua, ông Abe vẫn bị đánh giá là không thành công trong thực thi nhiều biện pháp cải tổ cơ cấu, trong đó có việc tăng số phụ nữ giữ các vị trí trọng yếu ở cả khu vực công và tư. Ông cũng trải qua một vài vụ bê bối liên quan đến chủ nghĩa thân hữu.

Chính sách kinh tế Abenomics của ông Abe đã đem lại một số thành công và làm cho kinh tế Nhật Bản hoạt động tốt hơn kể từ năm 2012, nhưng lạm phát vẫn chưa đạt được mục tiêu. Vấn đề suy giảm và già hóa dân số Nhật Bản vẫn chưa được giải quyết.

Về đối ngoại, ông Abe đã thiết lập được mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Song ông cũng không đạt được nhiều tiến bộ trên một số mặt khác. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã từ chối đề nghị gặp gỡ vô điều kiện của ông Abe để thảo luận vấn đề công dân Nhật bị Triều Tiên bắt giữ trong Chiến tranh Lạnh.

Ông cũng không giải quyết được gì thêm trong vấn đề chủ quyền một số hòn đảo mà Nhật Bản tranh chấp với Nga. Trong những tháng gần đây, quan hệ giữa Nhật Bản với Hàn Quốc đã xuống mức xấu nhất suốt nhiều năm qua khi hai bên bất đồng về vấn đề di sản chiến tranh.

Quy định của LDP nói rằng, một người có thể giữ vị trí chủ tịch đảng 3 nhiệm kỳ liên tiếp, tổng cộng là 9 năm, nhưng một số nhân vật trong đảng đang kêu gọi để ông Abe được phép làm chủ tịch nhiệm kỳ thứ tư. Tuy nhiên, cũng có không ít lời phản đối do những lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế, cũng như trong bối cảnh xuất hiện bê bối chính trị mới trong nước.

Ông Abe đang phải đối mặt với cáo buộc đã mời một số người ủng hộ chính trị đến dự bữa tiệc ngắm hoa anh đào ở Tokyo đúng ngày 20/11 và đài thọ cho họ dự buổi tiếp đón đêm trước đó bằng tiền ngân sách. Ông khẳng định mình không làm gì sai, nhưng thăm dò của báo Asahi cho biết, 68% số người được hỏi không thấy thuyết phục với lời giải thích mà ông đưa ra.

Nhưng người ta cho rằng, ông Abe sẽ vượt qua được những bê bối này để cầm quyền hết nhiệm kỳ vào năm 2021, và thậm chí nếu ông muốn thúc đẩy nhiệm kỳ thứ tư, vẫn chưa có đối thủ nào rõ ràng để ngăn cản ông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ