Cuộc hội ngộ của ba phong cách, dù đi ba con đường riêng nhưng mỗi người đều đã tìm thấy “khoảng lặng” để yêu và trút tỏa suy ngẫm, chiêm nghiệm, gửi gắm những vẻ đẹp khiến họ say mê và rung động.
Nhận diện những vẻ đẹp
Họa sĩ Phạm Luận (1954) dành cả đời chuyên tâm sáng tác tranh phong cảnh theo phong cách ấn tượng châu Âu. Người yêu hội họa đã biết tiếng Phạm Luận với nắng, phố Hà Nội mang bút pháp hào hoa nhưng nghiêm cẩn.
Trong “Khoảng lặng”, Phạm Luận đã làm mới mình với sự trẻ trung, xôn xao khác lạ. Vẫn là phong cách sở trường, nhưng cuộc sống đã được phản ánh theo một nhịp điệu mới, đầy sinh lực khác với vẻ điềm tĩnh vốn quen.
Người họa sĩ đã đi qua một vòng lục thập hoa giáp có sức làm việc đáng nể. Góp mặt trong hàng loạt triển lãm trong nước và nước ngoài, trở về cuộc sống đời thường sau khi mang tranh đi Nhật Bản, Singapore, ông sửa soạn tìm nguồn cảm hứng mới cho một chặng đường say đắm với cọ và những mảng màu.
10 bức sơn dầu ra mắt công chúng trong bản tam tấu này mang những tín hiệu đổi thay. Bức chân dung sơn dầu vẽ họa sĩ Lương Xuân Đoàn được nhiều người trong giới đặc biệt yêu thích, tỏ sự ngạc nhiên thú vị.
Tham gia triển lãm với 12 bức tranh sơn mài, họa sĩ Vi Kiến Thành (1963) đã chắt chiu những khoảng lặng nhiều rung cảm tới công chúng.
Gạt sang một bên guồng quay bận mải, đòi hỏi tiêu hao nguồn năng lượng cho những hoạt động sự vụ phức tạp trong đời sống công chức, người họa sĩ dành sự bình yên, hướng vào nội tâm với những chiêm nghiệm sâu kín.
Với những khuôn hình tinh tế, sự biến chuyển nội tâm của ông trở nên khúc chiết hơn. Chung thủy bước trên hành trình nghệ thuật, niềm say mê sáng tạo đã giúp ông thưởng ngoạn vẻ đẹp cuộc sống và hiển lộ niềm vui dịu dàng.
Trong ba họa sĩ, người có vẻ “trung thành với chính mình” nhất là họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ (1962). Hoàng Phượng Vỹ đa phong cách hơn với những đam mê sáng tác thơ, trình bày minh họa rồi mới ngả sang hội họa.
Là một trong số không nhiều họa sĩ khẳng định được phong cách riêng đặc sắc với trường phái hồn nhiên, ngây thơ, tranh của Hoàng Phượng Vỹ khó lẫn trong tâm trí người yêu hội họa. Dù trải nghiệm biết bao nhiêu cung bậc tâm trạng cuộc sống, nhưng tranh của ông vẫn đậm đà sự hồn hậu với con mắt chiêm ngưỡng sắc sảo. Hóm hỉnh nhưng ấm áp, hiền hòa, màu sắc rực rỡ hiện đại, tranh của Hoàng Phượng Vỹ dễ cảm, dễ nhận diện và luôn được yêu thích.
Những khoảng lặng quý giá
Cả ba họa sĩ đều là gương mặt nổi bật của hội họa đương đại Việt Nam và đây là lần đầu tiên họ thực hiện triển lãm chung. Tưởng như không có mối liên quan nào trong nghệ thuật giữa một quý ông thành đạt, một trung niên mơ mộng trong thế giới hồn nhiên của tâm hồn mình, một quan chức bề bộn công việc quản lý văn hóa đã đưa tình bằng hữu thăng hoa trong một không gian sâu lắng.
Cuộc hội ngộ của ba cây cọ đã được họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam ví von: “Thật lạ khi ba ông Tam Đa đương đại lại tam tấu với nhau trong khoảng lặng của tâm hồn”.
Bà Thanh Hương, người từng có nhiều năm công tác tại Viện Nghiên cứu Mỹ thuật Việt Nam chăm chú đi dạo nhiều vòng trong phòng tranh rồi dừng lại rất lâu bên những tác phẩm của họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ. Bà nhận xét: Lần đầu tiên xem tranh Hoàng Phượng Vỹ tôi đã ấn tượng và rất thích sự cộng hưởng giữa tranh minh họa báo chí và chất văn chương.
Tranh Hoàng Phượng Vỹ luôn thu hút bởi sự chuyển sắc tươi mới, kết hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố dân gian và đương đại bằng nét vẽ đơn giản nhưng hồn nhiên, thơ trẻ, phóng khoáng mà vẫn giàu triết luận.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn có những cảm nhận bay bổng về khoảng lặng của họa sĩ Phạm Luận khi cho rằng ông đã mở trang mới cho con mắt tới bờ hiện thực với những ký ức đẹp về khoảnh khắc giao thừa thuở xưa, nét đẹp xưa của người đàn bà bán muối dọc con phố vắng tươi màu cờ sáng mồng 1 đầu năm. Trong xúc cảm nặng tình bằng những sắc màu tương phản, một Hà Nội hiện lên trong đêm với con trăng xanh lạ mắt, những đứa trẻ tuổi teen tung tăng chơi bên Hồ Gươm…
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn đánh giá: “Triển lãm dù chỉ là món quà bình dị, thảnh thơi của ba họa sĩ khi ngày cũ, năm cũ chưa qua, nhưng những con mắt mới, con mắt khác khai mở trong mỗi bức họa đã lẳng lặng gọi giấc mơ xa xanh cho những thập niên đầu thế kỷ nhiều ước vọng của người Việt đương đại”.