Ngày 21/10, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên ( WWF) phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức họp báo phát động chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của nhóm người tiêu dùng thành thị.
Thông tin tại cuộc họp báo, Ban tổ chức cho biết, hiện nay, các đợt bùng phát, dịch bệnh, hay thậm chí là đại dịch đang xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều do sự tiếp xúc gần gũi và thường xuyên hơn giữa con người và động vật hoang dã. Ước tính, trong vòng 30 năm qua, khoảng 75% các bệnh mới ở người là do lây truyền từ động vật.
Chẳng hạn như hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS), hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), cúm lợn (H1N1), cúm gia cầm (H5N1), COVID-19 và bệnh đậu mùa khỉ đều là các bệnh lây truyền từ động vật, có nghĩa là chúng được truyền từ động vật sang người.
Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp Việt Nam cho biết: Nước ta hiện có 322 loài thú rừng, 397 loài bò sát và trên 900 loài chim ngoài tự nhiên.
Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Văn Ngọc Thịnh, CEO của WWF-Việt Nam cho biết: Qua đại dịch Covid-19, chúng ta có cơ hội nhìn lại mối quan hệ của con người với thiên nhiên, để chúng ta nhìn thấy rõ hơn vai trò của mỗi cá nhân trước một cuộc khủng hoảng kép: khủng hoảng với sức khỏe con người và khủng hoảng với thiên nhiên.
Bên cạnh đó, những dịch bệnh nguy hiểm vừa qua, phần lớn đều xuất phát từ động vật hoang dã. Mỗi mắt xích trong quá trình tiếp xúc với động vật hoang dã đều có nguy cơ phát sinh và lây truyền các tác nhân gây bệnh”.
Quang cảnh buổi họp báo. |
Cũng theo nghiên cứu của WWF và tổ chức GlobeScan thực hiện năm 2021 tại Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản, Trung Quốc và Hoa Kỳ cho thấy 7% tổng số người được hỏi khẳng định họ hoặc một người mà họ quen biết đã mua các sản phẩm từ động vật hoang dã tại các khu chợ bán động vật hoang dã trong 12 tháng qua.
Đáng chú ý là 9% trong tổng số người trả lời đã mua các sản phẩm từ động vật hoang dã chia sẻ họ có thể và sẽ mua lại các sản phẩm động vật hoang dã trong tương lai.
Bên cạnh đó, việc tiêu thụ thịt động vật hoang dã làm suy giảm nghiêm trọng quần thể các loài hoang dã; gây ra các loại tội phạm xuyên biên giới và trong nước, đồng thời làm tăng đáng kể nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật sang người.
Chiến dịch lần này gồm các hoạt động gồm trực tuyến và ngoại tuyến nhằm tiếp cận các đối tượng mục tiêu để giúp họ thay đổi hành vi tiêu thụ thịt rừng. Ban tổ chức cũng sẽ mời thêm các cá nhân có ảnh hưởng với cộng đồng, giúp chia sẻ thông điệp của chiến dịch và kêu gọi công chúng chấm dứt tiêu thụ thịt thú rừng.
Chiến dịch cũng kêu gọi sự hỗ trợ, chung tay của các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ cùng lan tỏa thông tin về chiến dịch trên các kênh truyền thông của họ.
Tổ chức Thú y thế giới (viết tắt là WOAH) cho biết: Trong vòng 60 năm qua đã có 335 bệnh mới nổi xảy ra trên người, trong đó 144 tác nhân gây bệnh (chiếm 43%) có nguồn gốc từ động vật hoang dã; đặc biệt từ các loài linh trưởng, thú ăn thịt (cầy, cáo), dơi, chim hoang dã, tê tê,…