Nâng cao chất lượng
Đại biểu Lâm Đình Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cho rằng, thư viện trường học có tầm quan trọng bậc nhất, tác động đến hình thành thói quen đọc sách, phương pháp học tập có tra cứu và tham khảo khoa học. Từ đó, tạo nên văn hóa đọc và góp phần xây dựng nhân cách cho thanh, thiếu niên, nhi đồng.
Đại biểu Lâm Đình Thắng cho biết thêm: Nhiều nước trên thế giới đầu tư rất mạnh cho thư viện trong cơ sở giáo dục. Một nghiên cứu khoa học tại Australia đã chỉ ra rằng, Luật Thư viện trường học của Nhật Bản và Hàn Quốc đã tác động lớn đến thành tích học thuật của HS các nước này. Trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia mỗi năm chi 300 triệu USD, tức gần 7.000 tỷ đồng để mua sách, trong đó khoảng 2.300 tỷ đồng để đầu tư sách cho trường học. Tại Thái Lan, kinh phí đầu tư sách cho trường học rất cao đã giúp ngành xuất bản tại Thái Lan đạt doanh số 650 triệu USD, gấp hơn 3,6 lần Việt Nam, trong khi dân số chỉ bằng 2/3 dân số của nước ta.
Cho rằng, thư viện ở cơ sở giáo dục chưa được đầu tư tương xứng, đại biểu Lâm Đình Thắng nêu thực trạng: Nhiều đơn vị đã thực sự xem thư viện là “trái tim” của trường học nhưng cũng có nơi chưa quan tâm đến việc phát triển thư viện. Kinh phí đầu tư mua sách hàng năm không phục vụ đủ nhu cầu học chuyên môn và đọc mở rộng cho HS. Trung bình một thư viện trường tiểu học được cấp 8 triệu đồng một năm không đủ để trang bị sách cho HS. Nhiệm vụ chính của rất nhiều thư viện hiện nay là bán sách giáo khoa, bán dụng cụ học tập cho HS…
Đại biểu Lâm Đình Thắng đề xuất, cần bổ sung quy định đưa tiết đọc sách gắn với việc sử dụng thư viện vào khung chương trình chính thức ở cấp học phổ thông. Thực tế, thời gian đọc của HS ở trường chủ yếu là giờ ra chơi. Không khí ra chơi không phù hợp để trẻ có thể tập trung thưởng thức và thẩm thấu nội dung sách. Trong khi đó, tiết đọc sách là tiết học duy nhất trong nhà trường có thể giúp HS phát triển tất cả các yếu tố về nhu cầu, hứng thú, kỹ năng và thói quen đọc sách, làm nền tảng để HS trở thành người đọc độc lập.
“Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức giám sát việc chi đầu tư cho thư viện và văn hóa đọc hàng năm. Bởi rất có khả năng nhiều đơn vị sẽ tiếp tục viện lý do phải đầu tư cho những hạng mục quan trọng hơn và không đầu tư phát triển thư viện, văn hóa đọc như hiện nay. Trong tương lai, tôi kiến nghị Quốc hội nghiên cứu xây dựng Luật Thư viện trường học trên nền tảng những quy định khung tại Luật Thư viện để tập trung chính sách phát triển và phát huy hết công dụng của hệ thống này cho việc nâng cao trình độ học thuật, nâng cao dân trí, văn hóa đọc và nhân cách của con người Việt Nam” - đại biểu Lâm Đình Thắng kiến nghị.
Còn nhiều bất cập
Theo đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Đoàn Nam Định), hiện có khoảng 400 thư viện các trường đại học và cao đẳng, gần 26.000 thư viện ở trường phổ thông các cấp. Hệ thống thư viện, trường học đang chiếm đến 85% trên tổng số thư viện của cả nước. Nếu kể cả các tủ sách, phòng đọc cơ sở là hơn 50%, tức là hệ thống thư viện trường học có quy mô và số lượng rất lớn trên toàn quốc.
“Dù mang tính đặc thù nhưng thư viện trường học vẫn góp phần nâng cao chất lượng dạy học và xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu cho HS, từng bước thay đổi phương pháp dạy học, hình thành văn hóa đọc, văn hóa cộng đồng ngay trong nhà trường”, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo trao đổi, đồng thời nêu thực trạng: Thư viện trường học vẫn chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức. Một số trường coi thư viện như kho chứa sách; thư viện được đặt ở vị trí không hợp lý trong khuôn viên của nhà trường, không tạo thuận lợi cho HS lui tới. Mặt khác, thời gian hoạt động của thư viện theo giờ hành chính, mở cửa khi HS đã vào học và đóng cửa trước khi HS tan học.
Ngoài ra, một số trường thường chỉ quan tâm đến nội dung, cách thức giảng dạy từ giáo viên tác động đến HS, ít khuyến khích cho giáo viên trong hướng dẫn HS khả năng tự học, tự tìm kiếm tài liệu để hình thành thói quen đọc sách. “Thư viện trường học phải thực sự phát huy được hiệu quả giáo dục đối với các thế hệ độc giả là HS, chứ không phải chỉ là những quy định mang tính hình thức”, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo mong muốn.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) cho rằng, cần quy định bắt buộc HS đọc sách chứ không chỉ là khuyến khích. Nhiều cơ sở giáo dục đã yêu cầu HS mang sách về nhà đọc và phải viết lại những nội dung chính của sách. Như vậy, muốn hay không trẻ em cũng phải đọc sách, từ đó hình thành thói quen đọc sách cho mình và góp phần vào phát triển văn hóa đọc.
“Các quốc gia có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển đều có tầm nhìn chiến lược cách đây nhiều năm. Họ rất chú trọng và đầu tư thực sự cho thư viện trường học để hình thành văn hóa đọc cho người dân nói chung và cho thanh, thiếu niên, nhi đồng nói riêng”. - Đại biểu Lâm Đình Thắng