Quá trình vận động tạo nên sức mạnh hủy diệt của sóng thần

GD&TĐ - Sự dịch chuyển của khối lượng nước lớn tạo thành những cơn sóng mang năng lượng khổng lồ, sẵn sàng phá hủy mọi vật cản trên đường đi.

Quá trình vận động tạo nên sức mạnh hủy diệt của sóng thần

Sóng thần (tsunami) là từ dùng để chỉ sự dịch chuyển chớp nhoáng của nước ngang qua biển rộng, thường sau trận động đất dưới đáy biển, theo Phys.org. Một phần đáy biển bị xô mạnh lên trên hoặc đẩy sâu xuống dưới bởi chuyển động dữ dội của vỏ Trái Đất.

Đường đứt gãy xô đẩy lượng nước khổng lồ, khiến nước cuộn trào thành cơn sóng mạnh có thể vượt qua khoảng cách cực lớn, đôi khi với tốc độ sánh ngang máy bay phản lực.

Trận động đất mạnh 7,5 độ ở ngoài khơi đảo Sulawesi, Indonesia, hôm 28/9 tạo ra sóng thần cao gần hai mét ập vào Palu, thành phố 350.000 dân ở ven biển. Cảnh quay do nhân chứng ghi lại từ tầng trên cùng của khu đỗ xe ở Palu, cách tâm chấn gần 80 km cho thấy sóng đánh sập vài khu nhà và làm ngập một đền thờ lớn.

Trận sóng thần phá hủy nhiều nhà cửa trên đảo Sulawesi, Indonesia. Ảnh: CNN.

Trận sóng thần phá hủy nhiều nhà cửa trên đảo Sulawesi, Indonesia.

Từ "tsunami" có nghĩa là "sóng cảng" trong tiếng Nhật. Khi mới hình thành, sóng thần có độ cao tương đối nhỏ và các đỉnh cách xa nhau. Khi tiến đến gần bờ, những cơn sóng bị đè ép bởi độ dốc của đáy biển, làm giảm khoảng cách giữa các đỉnh và chiều cao tăng vọt.

Đối với người trên bờ, dấu hiệu bất ổn đầu tiên có thể là biển rút đi, kéo theo sự xuất hiện của từng đợt sóng lớn. "Mặt biển bị đẩy lui, nước dồn ra xa tới mức để lộ đáy biển sâu và nhiều loài sinh vật biển", nhà sử học người La Mã Ammianus Marcellus ghi chép khi chứng kiến cơn sóng thần tràn vào cảng Alexandria năm 365.

Sóng thần có thể cuốn tàu lớn lên nóc nhà như thảm họa ở Nhật Bản năm 2011. Ảnh: Phys.org.

Sóng thần có thể cuốn tàu lớn lên nóc nhà như thảm họa ở Nhật Bản năm 2011.

"Những luồng nước lớn ập trở lại trong lúc ít ngờ tới nhất, gây choáng váng và giết chết hàng nghìn người. Một số tàu lớn bị sóng biển cuồng nộ cuốn lên mái nhà trong khi các tàu khác bị xô đi cách bờ ba kilomet", Marcellus chia sẻ.

Một số yếu tố có thể quyết định độ cao và sức mạnh hủy diệt của sóng thần. Đó là quy mô trận động đất, thể tích nước bị dịch chuyển, địa hình đáy biển khi sóng xô vào bờ và liệu có chướng ngại vật tự nhiên nào hãm bớt rung chấn hay không.

Việc phá hủy rừng đước và rạn san hô để xây nhà ở hoặc khách sạn cũng nằm trong số những nguyên nhân tạo ra sóng thần chết người.

Sóng thần vào tháng 12/2004 phá hủy nhiều khu vực ở châu Á, bao gồm đảo Sumatra. Ảnh: Phys.org.

Sóng thần vào tháng 12/2004 phá hủy nhiều khu vực ở châu Á, bao gồm đảo Sumatra

Động đất lớn là tác nhân chính gây ra sóng thần, nhưng hiện tượng cũng có thể bị khơi ngòi bởi những sự kiện mang tính xúc tác khác như núi lửa phun trào, thậm chí sạt lở đất. Năm 1883, một ngọn núi lửa phá hủy hoàn toàn hòn đảo Thái Bình Dương Krakatoa, gây ra vụ nổ lớn tới mức có thể nghe thấy từ khoảng cách 4.500 km, kéo theo sóng thần giết chết 30.000 người.

Trận sóng thần vào tháng 12/2004 ở Ấn Độ Dương là kết quả từ trận động đất 9,1 độ ngoài khơi đảo Sumatra, Indonesia. Sóng thần giải phóng năng lượng tương đương 23.000 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima, theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ. Khoảng 220.000 người ở 11 nước thiệt mạng, nhiều người trong số đó ở cách tâm chấn hàng nghìn kilomet.

Khu vực Thái Bình Dương rất dễ xảy ra động đất và sóng thần. Nhưng các nhà nghiên cứu phát hiện trong thiên niên kỷ qua, sóng thần xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm Đại Tây Dương và Địa Trung Hải. Liên Hợp Quốc đã thiết lập mạng lưới theo dõi trên toàn cầu để cảnh báo những khu vực có nguy cơ bị sóng thần tấn công.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.