Ấn Độ cảnh báo nấm đen chết người ở bệnh nhân Covid-19

GD&TĐ - Ngày càng nhiều bệnh nhân Covid-19 ở Ấn Độ mắc bệnh nhiễm trùng nấm chết người và hiếm gặp, có tên khoa học là mucormycosis, hay còn được gọi là nấm đen.

Chủng nấm đen xuất hiện tại Ấn Độ.
Chủng nấm đen xuất hiện tại Ấn Độ.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), bệnh Mucormycosis gây ra bởi một nhóm nấm mốc gọi là mucormycetes, chúng phát triển trong đất và phân hủy các chất hữu cơ, chẳng hạn như lá và gỗ mục nát.

Tiến sĩ Akshay Nair, một bác sĩ phẫu thuật mắt ở Mumbai, nói với BBC News: “Chúng có mặt ở khắp nơi và được tìm thấy trong đất và không khí, thậm chí trong mũi và dịch nhầy của những người khỏe mạnh”.

Nấm mốc có thể xâm nhập vào cơ thể qua các vết cắt và trầy xước khác trên da, hoặc có thể bám vào xoang hoặc phổi sau khi người ta hít phải bào tử nấm. Khi vào bên trong cơ thể, nấm đôi khi có thể lây lan qua đường máu và ảnh hưởng đến các cơ quan khác, chẳng hạn như não, mắt, lá lách và tim.

Thông thường, bệnh mucormycosis tấn công những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, bao gồm cả những người mắc bệnh tiểu đường và những người dùng thuốc ngăn chặn hoạt động miễn dịch, theo CDC.

Hiện tại, tỉ lệ người nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ bị nhiễm trùng nấm đen có vẻ vẫn đang gia tăng, theo The New York Times đưa tin. Hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ (ICMR) cho biết bệnh nấm mucormycosis nếu không được điều trị có thể gây chết người.

Ở bang Maharashtra, bao gồm thành phố Mumbai, có 200 cá thể mắc bệnh mucormycosis sau khi hồi phục khỏi bệnh Covid-19, và 8 người đã chết vì nấm đen, theo trích dẫn nguồn tin địa phương.

Các ca bệnh cũng đang xuất hiện ở thủ đô Delhi và bang Gujarat, nơi chính quyền bang đã yêu cầu 5.000 liều thuốc chống nấm amphotericin B để điều trị bệnh.

“Chúng tôi có nghe nói rằng ở một số khu vực, có những trường hợp người bị nhiễm Covid-19 hoặc đang hồi phục bị nhiễm mucormycosis, nhưng không có dấu hiệu bùng phát lớn của dịch nấm.

Chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi và giám sát”, Tiến sĩ V.K. Paul, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm Covid Ấn Độ, cho biết trong một cuộc họp báo vào tuần trước.

Sự gia tăng của các ca nhiễm nấm có thể liên quan đến việc sử dụng steroid ở những bệnh nhân Covid-19 nhập viện, vì thuốc ức chế hệ thống miễn dịch, theo BBC News đưa tin. Và những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị nhiễm nấm cao hơn, ngay cả trước khi dùng steroid.

TS Akshay Nair nói với BBC News: “Bệnh tiểu đường làm giảm khả năng phòng thủ miễn dịch của cơ thể, virus Corona càng làm trầm trọng thêm vấn đề này và sau đó việc tiêm steroid giúp chống lại Covid-19 tương đương với việc thêm dầu vào lửa”.

Ngoài ra, nhiều gia đình đã phải điều trị Covid-19 cho người thân tại nhà, có nghĩa là mọi người có thể đã tiếp xúc với nấm mốc sau khi nhận thuốc hoặc liệu pháp oxy trong điều kiện kém vô trùng, tờ Times đưa tin.

TS Akshay Nair đã phát hiện hàng chục bệnh nhân ở Mumbai bị nhiễm nấm đen vào tháng 4. Nhiều người trong số họ bị tiểu đường và gần đây đã hoàn thành điều trị Covid-19 tại nhà. 11 bệnh nhân cần phải phẫu thuật cắt bỏ mắt do nhiễm nấm. Nấm mốc có thể dễ dàng lây lan từ mắt lên não.

Trong giai đoạn đầu của căn bệnh nấm đen, bệnh nhân thường có biểu hiện nghẹt mũi hoặc chảy máu mũi; sưng mắt; sụp mí mắt; hoặc mờ mắt, BBC News đưa tin. Các mảng đen cũng có thể xuất hiện trên vùng da xung quanh mũi.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhóm cán bộ Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa đặt bẫy ảnh để điều tra nắm bắt các loài động vật hoang dã.

'Mắt thần' giữ rừng Quảng Trị

GD&TĐ - Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) có tổng diện tích gần 23.500ha, chủ yếu là rừng nguyên sinh nên có nhiều loài động vật quý hiếm.