Khó vì chưa có tiền lệ?

GD&TĐ - Năm 2019, gạo ST25 đạt giải Nhất tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới (World’s Best Rice) do The Rice Trader (TRT) tổ chức.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Một năm sau, cũng tại cuộc thi này, ST25 chỉ dành ngôi “á hậu”. Và nay, ST25 đối diện với khó khăn khác, ở ngay chính thị trường trong nước: Tình trạng vi phạm bản quyền, dẫn tới cơ hội tham gia cuộc thi tiếp theo bị bỏ ngỏ.

Thực tế, từ hồi cuối tháng 5, TRT đã cảnh báo Việt Nam có thể mất quyền tham dự cuộc thi gạo ngon nhất thế giới “World’s Best Rice” do các vấn đề vi phạm bản quyền đối với thương hiệu này.

TRT khẳng định chỉ có doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên và duy nhất được chính thức chấp thuận cho phép sử dụng biểu trưng giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới” độc quyền cho mục đích tiếp thị và kinh doanh.

Vậy nhưng hiện có khoảng 10 công ty Việt Nam sử dụng thương hiệu này để in trên bao bì, tài liệu quảng bá trong nước và xuất khẩu nhưng không xin phép hay có sự đồng ý của TRT.

Mới đây nhất, tại cuộc đối thoại với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, ông Hồ Quang Cua, “cha đẻ” của gạo ST25 cho biết, TRT cho rằng ở Việt Nam đang có tình trạng “mạnh ai nấy xài” nên họ có quyền cấm chúng tôi đi thi.

Với tình hình hiện nay, việc Việt Nam có được phép dự thi cuộc thi này tại Dubai hay không vẫn còn bỏ ngỏ. Ông mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có ý kiến chỉ đạo để doanh nghiệp có thể tham gia thi đấu quốc tế...

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thừa nhận Bộ còn lúng túng vì việc bảo hộ thương hiệu gạo chưa có tiền lệ. Không phải Nhà nước không có kinh phí nhận thương hiệu gạo ST25 mà vấn đề là nhận bằng cách nào.

Khi đăng ký độc quyền, bảo hộ sở hữu thì sẽ phải đối mặt với việc cạnh tranh pháp lý hàng ngày. Bộ không phải là một tư cách pháp nhân để khi tòa xử, kiện tụng thì đứng ra điều trần. Điều này có nghĩa cần hình thành một bộ phận chuyên về vấn đề bảo hộ, sở hữu sản phẩm nông nghiệp...

Thực tế, đã có nhiều thương hiệu nổi tiếng của nước ta bị các công ty nước ngoài đăng ký bảo hộ thương hiệu. Cũng có những thương hiệu lấy lại được, tất nhiên với chi phí không hề nhỏ và thời gian không tính bằng tháng. Còn lại, phần lớn doanh nghiệp chấp nhận mất thương hiệu.

Thế nên với gạo ST25, ngoài thiệt thòi hiện hữu là có thể sẽ không được tham dự các cuộc thi, điều quan trọng là thương hiệu này có thể về tay các công ty nước ngoài. Khi đó, việc xuất khẩu sang một số thị trường sẽ phải xin phép doanh nghiệp chủ sở hữu thương hiệu, thậm chí phải trả tiền sử dụng thương hiệu nếu không sẽ vi phạm sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, nếu doanh nghiệp sở hữu thương hiệu không đồng ý thì cũng phải chấp nhận vì đây là sở hữu của họ...

Rất may, đến nay điều này chưa xảy ra. Cụ thể, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, theo quy định của pháp luật các nước, tên gọi chung của sản phẩm, dịch vụ sẽ không được bảo hộ làm nhãn hiệu. ST25 là tên gọi chung của một giống cây trồng, không thể được đăng ký dưới danh nghĩa một nhãn hiệu theo quy định của Quy chế thẩm định nhãn hiệu...

Với những lý do này, có thể tạm yên tâm rằng không ai có thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền với gạo ST25 mà chỉ có thể bảo hộ giống lúa ST25. Vậy nhưng nếu doanh nghiệp không có động thái kịp thời để bảo vệ, bảo hộ thương hiệu thì có thể bị mất, thậm chí không biết là mất khi nào và việc lấy lại không hề đơn giản, thậm chí là không thể...

Việc này đương nhiên trách nhiệm chính thuộc về doanh nghiệp, nhưng các cơ quan chức năng cũng không thể ngoài cuộc, không thể chỉ tư vấn, hỗ trợ chung chung mà phải bằng những hành động cụ thể.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ