Nhận biết gạo ST25 thật giả

GD&TĐ - Thị trường hiện có khá nhiều loại gạo có bao bì là ST25. Nhưng thực chất thành phẩm bên trong không đúng loại gạo này. Vậy làm thế nào để nhận biết?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Loạn gạo ST25

Trên địa bàn TP Hà Nội có rất nhiều loại gạo mang tên ST25, với nhiều mẫu mã, bao bì khác nhau có giá dao động từ 30.000 – 60.000 đồng/kg. Không phải ngẫu nhiên mà giá gạo lại có sự chênh lệch lớn đến như vậy tại các đơn vị phân phối. Theo ghi nhận, trên thị trường xuất hiện loại gạo ST25 giả với bao bì được làm tinh vi, người tiêu dùng nếu không để ý sẽ rất dễ mua phải.

Mới đây, đội Quản lý thị trường số 3 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng) phối hợp Công an thị trấn Phú Lộc (huyện Thạnh Trị) và Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh Sóc Trăng) tiến hành kiểm tra 1 vựa gạo có địa chỉ ở ấp Xa Mau 1 (thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng).

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở kinh doanh hàng hóa là sản phẩm gạo ST25 có nhãn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa... Trong đó bao gồm 236 bao loại 5kg, 67 bao loại 10kg, 215 bao loại 25kg, tổng trọng lượng là 7.225 kg.

Làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở  thừa nhận đã mua gạo tại một nhà máy chế biến xay xát tại tỉnh Hậu Giang, sau đó mua bao bì in sẵn bán trên thị trường, đóng gói thành túi bán cho người tiêu dùng.

Kỹ sư Hồ Quang Cua, tác giả của thương hiệu gạo ST25 cho biết, mỗi năm chỉ có khoảng 3.000 tấn gạo ST25 được đóng gói với nhãn mác đầy đủ xuất ra thị trường. Đặc biệt, trên bao bì phải kèm 4 số điện thoại gồm của doanh nghiệp, vợ chồng ông Hồ Quang Cua và bà Trịnh Kim Tuyến, cùng số điện thoại con gái. Người tiêu dùng cần quan sát kỹ để tránh việc mua nhầm hàng nhái kém chất lượng.

PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa, Học viện Nông nghiệp cho biết, ST25 là loại gạo thuộc nhóm hảo hạng trong thị trường gạo hiện nay.

Gạo hạt dài, trong, không bạc bụng. Cơm khi nấu dẻo, thơm, hương vị ngọt dẻo đặc biệt rất thu hút. Gạo thuộc loại dẻo thơm nên nấu ít nước, cơm vẫn dẻo dù không xới khi nấu.

Đặc biệt, loại gạo này có hàm lượng đạm cao nên phù hợp với người mắc bệnh đái tháo đường, cả người già và trẻ em. Đây cũng là loại đặc sản nổi tiếng ở Sóc Trăng, sánh ngang với loại gạo Nàng thơm chợ Đào, được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Quan sát túi gạo do chính tay Anh hùng lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua giới thiệu, có thể dễ dàng nhận thấy đặc trưng của hạt gạo là mùi dứa thơm ngát rất tự nhiên, hạt gạo dài, nhỏ và có đặc điểm là đều tăm tắp, cả trăm hạt trông như một, không có hạt gãy.

Túi gạo ST25 được đóng thành nhiều dạng như 1kg, 2kg, 5kg do DNTN Hồ Quang Trí (Sóc Trăng) sản xuất. Đây là đặc điểm mà không loại gạo làm nhái nào có thể bắt chước được.

Kỹ sư Hồ Quang Cua. Ảnh INT
Kỹ sư Hồ Quang Cua. Ảnh INT

ST25 trồng được ở nhiều nơi

Ông Hồ Quang Cua cho biết, giống ST25, và ST24 được nghiên cứu lai tạo từ dòng lúa thơm ST và không ngừng cải tiến nên bên cạnh phẩm chất gạo ngon, năng suất cao thì khả năng chống chịu hạn mặn và sâu bệnh rất tốt.

Đặc biệt, gạo ST25 hạt trắng, thon, dài, thơm và mềm cơm. So với các giống lúa khác thì đây là giống lúa thơm có đặc tính chịu mặn, kháng đạo ôn cấp 2 và bệnh bạc lá, thân cứng chống đổ ngã, phổ thích nghi rộng.

Lúa ST24, ST25 cũng đã được sản xuất rộng rãi trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số địa phương khác trong cả nước. Mới đây, Hà Nội cũng trồng thử nghiệm giống lúa này.

PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho biết, dòng lúa ST ra đời để thích hợp với điều kiện với vùng nuôi tôm ở Sóc Trăng. Khi đó, sau khi thu hoạch tôm thì sẽ trồng lúa. Đất này đã đầy đủ dinh dưỡng, quá trình trồng lúa không sử dụng bất cứ loại thuốc trừ sâu và phân bón hóa học này.

Các dòng lúa ST24 và ST25 sau này cũng phát triển từ dòng ST 18. Càng ở các thế hệ sau này thì lúa ST càng có khả năng chịu mặn cao hơn, đó cũng là đặc điểm của đất lúa tôm.

Tính chống chịu với điều kiện ngoại cảnh của giống lúa tốt, năng suất trung bình từ 60 - 70 tạ/ha. Một trong những ưu điểm nhất của giống lúa này là hạt gạo dài trắng trong, cơm ăn ngon, đậm và mềm. Tuy nhiên, khi trồng ở miền Bắc, giống lúa ST25 sẽ cho chất lượng không cao như trồng ở Sóc Trăng, năng suất cũng sẽ kém hơn và chất lượng hạt gạo cũng thấp hơn.

Bà Trịnh Kim Tuyến, đại diện giao dịch sản phẩm gạo đặc sản ST của kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết, những đại lý được DNTN Hồ Quang Trí cấp giấy chứng nhận rất ít.

Thực tế có những sản phẩm thuộc dòng gạo ST nhưng không phải do DNTN Hồ Quang Trí sản xuất mà do bà con nông dân mua giống lúa ST về sản xuất, sau đó bán lúa cho các thương lái để họ xay xát, chế biến rồi cung cấp gạo ra thị trường nên mới có chuyện nhập nhèm nhãn mác.

Họ chỉ ghi gạo ST ở Sóc Trăng trên bao bì sản phẩm, lẽ ra tùy theo vùng trồng mà cần có thông tin rõ ràng để người tiêu dùng biết đâu là hàng chính hãng, đâu là hàng do mọi người mua giống về trồng.

Với giống lúa thơm, hạt gạo càng thơm, càng thể hiện độ an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, phải hạn chế tối đa tác động của hóa chất từ thuốc hóa học bảo vệ thực vật, để ổn định quá trình tổng hợp, kết tinh mùi thơm trong hạt gạo từ lá lúa. ST25 là giống lúa không cảm quang, chu kỳ sinh trưởng 95 - 105 ngày, có thể trồng 2 vụ mỗi năm. Về chất lượng, ưu điểm của ST25 là mặt gạo trắng tự nhiên, cơm thơm mùi dứa, dẻo, hạt dài đều, năng suất cao, dễ chăm sóc ở  nhiều điều kiện khác nhau. Kỹ sư  HỒ QUANG CUA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ