Thương hiệu gạo ST25 “bị đánh cắp” ở Mỹ: Cần hiểu đúng để biết thật - giả

GD&TĐ - Giống lúa ST25 mới là sản phẩm được đăng ký bảo hộ. Còn sản phẩm gạo ST25 là loại sản phẩm có chung tên gọi, được sản xuất từ giống lúa ST25 nên không được bảo hộ ở Việt Nam cũng như Mỹ.

Thương hiệu gạo ST25 “bị đánh cắp” ở Mỹ: Cần hiểu đúng để biết thật - giả

Không bảo hộ giống cây trồng với sản phẩm gạo

Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) thuộc Bộ KH&CN cho biết, giống lúa có tên ST25 đã được cấp bằng bảo hộ số 21.VN.2020. Quyết định bảo hộ số 45 ngày 6/3/2020. Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT ký.

Chủ bằng bảo hộ là doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí và tác giả giống lúa là ông Hồ Quang Cua, Trần Tấn Phương và bà Nguyễn Thị Thu Hương. Đây là bằng bảo hộ đối với giống cây trồng, trong trường hợp này là cây lúa giống ST25.

Theo quy định của Luật SHTT, để đăng ký bảo hộ giống cây trồng, người đăng ký phải đề xuất một tên phù hợp cho giống cây trồng với cơ quan quản lý Nhà nước về quyền đối với giống cây trồng. Nó phải không trùng với tên đã đăng ký bảo hộ ở bất kỳ quốc gia nào có ký kết với Việt Nam thỏa thuận về bảo hộ giống cây trồng.

Trong trường hợp cụ thể này, khi nộp hồ sơ đăng ký, giống lúa tương ứng được lấy tên là ST25. Chủ bằng bảo hộ giống cây trồng có quyền ngăn cấm các hành vi bị coi là xâm phạm quyền của chủ bằng bảo hộ. Trong đó có hành vi khai thác, sử dụng các quyền của chủ bằng bảo hộ mà không được phép của chủ bằng bảo hộ...

Việc bảo hộ của Nhà nước theo bằng bảo hộ giống cây trồng là đối với bản thân lúa giống. Chủ bằng có quyền tự mình hoặc cho phép người khác thực hiện các hành vi nêu trên đối với vật liệu nhân giống (trong trường hợp cụ thể này là hạt lúa giống), không phải là gạo (là sản phẩm chế biến sau thu hoạch).

Gạo là sản phẩm chế biến từ sản phẩm sau thu hoạch (thóc) từ cây lúa. Trong trường hợp doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (con trai của ông Hồ Quang Cua) bán giống lúa ST25 cho nông dân trồng thì sau khi thu hoạch lúa, xay xát ra gạo thương phẩm đều phải sử dụng tên là “gạo ST25”.

Các công ty thu mua thóc là sản phẩm thu hoạch từ lúa được gieo trồng từ hạt lúa giống ST25 để xay xát và sau đó bán gạo ra thị trường thì cũng đều phải gọi đó là gạo ST25. Điều đó có nghĩa là ST25 là tên của loại gạo, tức là sản phẩm chế biến từ thóc thu hoạch được từ giống lúa ST25.

Vì lý do là tên gọi chung của một loại sản phẩm nên bất kỳ ai kinh doanh sản phẩm gạo này cũng đều phải sử dụng đúng tên gọi đó.

Điều 74 Luật SHTT đã quy định tên gọi thông thường của hàng hóa bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến sẽ bị coi là không có khả năng phân biệt và không được đăng ký làm nhãn hiệu.

Điều đó cũng có nghĩa là trong trường hợp cụ thể này, bất kỳ ai, kể cả doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí cũng không thể được bảo hộ độc quyền dấu hiệu ST25 cho sản phẩm gạo.

Trong trường hợp nhiều công ty cùng đưa ra thị trường sản phẩm gạo ST25 thì các doanh nghiệp phải đưa sản phẩm gạo ST25 ra thị trường dưới nhãn hiệu của riêng mình. Qua đó để người tiêu dùng nhận biết được nguồn gốc thương mại của sản phẩm gạo mà mình mua.

Đó là lý do chúng ta có thể mua được gạo ST25 mang nhãn hiệu “Bảo Minh” hoặc gạo ST25 của các doanh nghiệp khác với các nhãn hiệu khác nhau.

Không được đăng ký độc quyền bảo hộ nhãn hiệu

Một số doanh nghiệp đã đăng ký nhãn hiệu ST25 ở Mỹ. Hiện tất cả đơn đó đều trong quá trình xử lý. Tuy nhiên, theo pháp luật về hạt giống và bảo vệ giống, luật về nhãn hiệu của Mỹ thì họ quy định những tên đối với giống cây trồng sẽ không được đăng ký độc quyền bảo hộ nhãn hiệu.

Chẳng hạn như với chữ ST25, họ dẫn chiếu quy định của luật về giống cây trồng và luật nhãn hiệu. Họ chỉ ra rằng đó là tên giống cây trồng và sẽ không được bảo hộ thương hiệu.

Theo quy định của pháp luật các nước, trong đó có Mỹ, tên gọi chung của sản phẩm/dịch vụ sẽ không được bảo hộ làm nhãn hiệu. Đối với Mỹ, theo hướng dẫn thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu của Cơ quan Sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO), thẩm định viên sẽ từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu đối với tên giống cây trồng.

Điều này có thể thấy rõ trong thông báo dự định từ chối ngày 20/11/2020 của USPTO đối với nhãn hiệu “VIETNAM’S ST25 RICE, DAC SAN SOC TRANG” theo đơn đăng ký số 90151727 nộp ngày 1/9/2020 của Công ty Transword Foods, Inc. Theo đó, ST25 là tên gọi chung của một loại giống cây trồng (lúa) và không thể được đăng ký dưới danh nghĩa một nhãn hiệu theo quy định tại mục 1202.12 của quy chế thẩm định nhãn hiệu.

Dấu hiệu ST25 không thể được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền tại Việt Nam cũng như tại Mỹ cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Nếu trên một nhãn hiệu nào đó được cấp văn bằng bảo hộ có xuất hiện dấu hiệu ST25 cùng với các dấu hiệu khác tạo thành một tổng thể thì dấu hiệu ST25 sẽ bị loại trừ khỏi phạm vi bảo hộ.

Trong trường hợp vì lý do nào đó, dấu hiệu ST25 được đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu cho sản phẩm gạo thì các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan đều có thể phản đối đơn đăng ký này. Việc phản đối dựa trên cơ sở dấu hiệu “ST25” là tên giống cây trồng và tên này không thể thuộc độc quyền của tổ chức, cá nhân nào.

Theo ông Nguyễn Văn Bảy, trong trường hợp vì lý do nào đó, dấu hiệu ST25 được đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu cho sản phẩm gạo thì các tổ chức, cá nhân liên quan đều có thể cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng của Mỹ.

Mục đích để phản đối đơn đăng ký này trên cơ sở dấu hiệu “ST25” là tên chung của giống cây trồng và tên này không thể thuộc độc quyền của tổ chức, cá nhân nào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.