Khó khăn trong thực hiện các chính sách dân tộc ở Điện Biên

GD&TĐ - Những năm qua, việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc ở tỉnh Điện Biên vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Mô hình thêu, may thổ cẩm dân tộc Mông của chị em phụ nữ bản xã Nà Bủng.
Mô hình thêu, may thổ cẩm dân tộc Mông của chị em phụ nữ bản xã Nà Bủng.

Muôn vàn khó khăn...

Ông Giàng A Dình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên cho biết, trong những năm qua, mặc dù đã được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm tập trung ưu tiên nguồn lực để đầu tư.

Tuy nhiên, hệ thống cơ sở hạ tầng của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, chưa đồng bộ, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông, hệ thống cấp điện sinh hoạt (trên địa bàn tỉnh còn 59,1% đường cấp phối, đường đất và khoảng 8,2% số hộ dân trên toàn tỉnh chưa được sử dụng lưới điện quốc gia).

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP (theo giá so sánh 2010) năm 2023 ước đạt hơn 15.363 tỷ đồng; số người trong độ tuổi lao động chiếm 57,8% dân số toàn tỉnh. Trong đó, lực lượng lao động có việc làm đạt 99,6%; thu nhập bình quân đầu người còn thấp, đạt 45,88 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đến cuối năm 2023 là 25,68%.

Các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế; hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ; địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, xa các trung tâm kinh tế lớn, phân bố dân cư không đồng đều, thiên tai, dịch bệnh xảy ra thường xuyên…

Các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để đẩy mạnh chống phá gây mất đoàn kết khối dân tộc, ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội; trình độ dân trí không đồng đều, phong tục còn lạc hậu.

2024-07-10_16-17-06.png
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy Mường Ảng (thứ 2 từ phải sang) thăm mô hình trà sạch hữu cơ tại bãi Pháy Váng, xã Xuân Lao.

Kinh tế của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp hợp tác xã tham gia vào liên kết sản xuất còn chưa nhiều, liên kết với nông dân chưa bền vững, năng lực quản lý, kỹ thuật sản xuất và khả năng tài chính còn hạn chế; một số bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước, chưa mạnh dạn, chủ động đầu tư mở rộng sản xuất theo các mô hình có hiệu quả đã được thực hiện; sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công ở vùng nông thôn, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa phát triển, chủ yếu là lao động và sản xuất thủ công truyền thống.

Địa bàn triển khai thực hiện các chính sách dân tộc đều thuộc vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; trình độ nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số và một số bộ phận cán bộ cơ sở còn yếu, kém; ngân sách của tỉnh chủ yếu do Trung ương cấp, nguồn vốn để khai thác thực hiện việc đầu tư kết cấu hạ tầng còn hạn chế; đội ngũ cán bộ người dân thiểu số trong hệ thống chính trị đã được quan tâm, song ở một số nơi còn chưa được đảm bảo theo yêu cầu năng lực, trình độ còn hạn chế; việc thực hiện một số chủ trương, chính sách cho vùng đồng bào các dân tộc còn thiếu đồng bộ, nhiều tiềm năng lợi thế chưa được phát huy, khai thác; công tác bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống ở các vùng dân tộc thiểu số còn thiếu nguồn lực đầu tư.

Gỡ "nút thắt" trong thực hiện chính sách

Để tháo gỡ những khó khăn, bất cập nêu trên, Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp và các ngành có liên quan cần rà soát, kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu ban hành một số chính sách mới, đồng thời sửa đổi, bổ sung những chính sách đã lạc hậu cho phù hợp hơn với tình hình thực tế.

Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên mong muốn UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc; chỉ đạo chủ đầu tư nâng cao năng lực quản lý, thực hiện có hiệu quả, chất lượng các dự án và kịp thời giải ngân các nguồn vốn; kiên quyết xử lý đối với những dự án chậm tiến độ, chậm thanh, quyết toán; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xử lý nghiêm các sai phạm trong triển khai các chính sách dân tộc trên địa bàn.

Tỉnh cần kịp thời đề ra các giải pháp hữu hiệu thực hiện kế hoạch xuất khẩu lao động, tạo việc làm tại thị trường trong nước; tăng cường quản lý người lao động xuất cảnh tự phát, bất hợp pháp qua biên giới, rà soát, kiểm tra các mô hình sản xuất vay vốn tín dụng để phát huy hiệu quả nguồn vốn sau giải ngân; nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, phù hợp với trình độ sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số; tạo thị trường tiêu thụ ổn định…

z5598472940259_bc0563ee6b4c4fb9bb00252746011b43.jpg
Người dân tộc thiểu số ở bản Pu Lau, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên (Điện Biên) thu hoạch dứa mật.

Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2024 của UBND tỉnh Điện Biên, trong thời gian tới tỉnh sẽ kiến nghị, đề xuất xây dựng, thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2026 - 2030 như sau:

Đầu tiên là đề xuất gộp 3 chương trình thành 1, Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026 - 2030 trên địa bàn cả nước và mỗi tỉnh chỉ có 1 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn này.

Mục tiêu, phấn đấu đến năm 2030 giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 10% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025), có thêm 3 huyện thoát nghèo, cơ bản không còn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; có 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thêm 5 xã đạt nông thôn mới, 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thêm 5 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, thêm 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Thứ hai, cần đảm bảo nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, đối với tỉnh có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, thu ngân sách còn hạn chế, UBND tỉnh đề xuất thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh là từ ngân sách Trung ương cấp với tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2026 - 2030 là trên 8.500 tỷ đồng.

Thứ ba, theo các quyết định phê duyệt các Chương trình mục tiêu quốc gia của Thủ tướng, đối với từng Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 quy định rất nhiều dự án, tiểu dự án, nội dung chi tiết tương ứng giao nhiều nhiệm vụ cho các Bộ, ngành Trung ương và địa phương phải ban hành văn bản quy định, hướng dẫn chi tiết triển khai thực hiện, có nhiều nội dung còn chồng chéo, gây khó khăn trong công tác nghiên cứu và triển khai thực hiện.

Do vậy, giai đoạn 2026 - 2030, UBND tỉnh Điện Biên đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh các quy định theo hướng tích hợp thành 1 chương trình chung và phân cấp, giao quyền cho các địa phương chủ động trong quá trình thực hiện theo mục tiêu chương trình đề ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ