Hiệu quả từ việc thực hiện chính sách dân tộc ở Điện Biên

GD&TĐ - Nhờ chú trọng thực hiện các chính sách dân tộc mà đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số Điện Biên ngày càng nâng cao.

Nhờ nguồn vốn đầu tư từ Chương trình 135, đời sống của đồng bào DTTS ngày càng được nâng cao.
Nhờ nguồn vốn đầu tư từ Chương trình 135, đời sống của đồng bào DTTS ngày càng được nâng cao.

Để đồng bào vươn lên thoát nghèo

Tỉnh Điện Biên là nơi hội tụ sinh sống của 19 dân tộc anh em, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm hơn 80% tổng dân số.

Để triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN); chính quyền địa phương luôn chú trọng công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những nội dung liên quan đến chính sách được triển khai sâu rộng đến người dân.

Hằng năm, trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện lồng ghép đầu tư thông qua các chương trình mục tiêu Quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội… vùng đồng bào DTTS nhất là các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới.

Từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện, triển khai các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đồng bộ, kịp thời, hiệu quả. Điển hình như Chương trình 135, theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2016 - 2020, địa phương được bố trí 754 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất… cho 97 xã và 2 thôn, bản đặc biệt khó khăn đang được thụ hưởng Chương trình 135.

2024-07-14_09-09-33.png
Hỗ trợ thiết bị sản xuất để bảo tồn và phát huy nghề thêu may trang phục truyền thống dân tộc Mông, huyện Nậm Pồ.

Thông qua nguồn vốn, tỉnh đã phân bổ, đầu tư xây dựng gần 360 công trình, trong đó 218 công trình giao thông, 78 công trình thủy lợi, 20 công trình trường lớp học, phụ trợ, 29 công trình nhà văn hóa, 9 công trình điện sinh hoạt và 5 công trình nước sinh hoạt; hỗ trợ trên 7.600 con trâu, bò cho các hộ; hơn 55.000 con gia cầm cho gần 900 hộ; hỗ trợ giống cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu, cây lâm nghiệp, máy móc, thiết bị sản xuất cho hàng nghìn hộ dân...

Nhờ các chương trình, dự án của Nhà nước mà đời sống Nhân dân các dân tộc trên địa bàn dần được nâng cao. Năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 35.922 hộ, giảm xuống còn 25,68% (giảm 4,6% so với năm 2022), là năm thứ 2 liên tiếp, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm trên 4%/năm (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021- 2025).

Anh Lò Văn Thêm, người dân bản Nậm Kè, huyện Mường Nhé (Điện Biên) cho biết, từ dự án của Chương trình 135, gia đình anh được hỗ trợ mua máy xay xát để có thêm điều kiện chăn nuôi.

“Ngày trước ngô phải xay bằng tay, cả ngày mới đủ thức ăn cho lợn, nhưng từ khi có chiếc máy xay xát, chỉ cần xay trong 1 tiếng thì đủ thức ăn cho lợn cả ngày. Hiện, gia đình anh chăn nuôi đàn lợn 5 con với giá trị gần 40 triệu đồng”, anh Thêm nói.

Nhiều kết quả đáng ghi nhận

Trong suốt nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác dân tộc và chính sách dân tộc, nhất là khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Phát huy truyền thống cách mạng, đội ngũ những người làm công tác dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh Điện Biên đã không ngừng nâng cao năng lực, trình độ. Cùng với sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Giai đoạn 2021 - 2023, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã triển khai thực hiện 3/7 chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý, chỉ đạo với tổng kinh phí thực hiện hơn 2.000 tỷ đồng và 6/20 chính sách khác do các Bộ, ngành Trung ương quản lý, chỉ đạo với tổng kinh phí thực hiện hơn 1.700 tỷ đồng.

Trong giai đoạn gần đây, Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS” được triển khai tích cực tại nhiều vùng đồng bào DTTS trên toàn tỉnh, góp phần ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng trên. Chính sách đối với người có uy tín trong vùng DTTS cũng tiếp tục được quan tâm, đảm bảo quyền lợi của người có uy tín theo đúng quy định.

Nhờ thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN trong giai đoạn 2021 - 2023 đã giúp tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS trung bình mỗi năm giảm 6,02%(mục tiêu 5%); tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt 78,70% (mục tiêu 70%); tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93,2% (mục tiêu 85%); tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề đạt 33,2%...

Từ giai đoạn cuối năm 2023 đến tháng 6/2024, với tổng kinh phí được giao hơn 1.274 tỷ đồng, tỉnh Điện Biên đã triển khai thực hiện 2 chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý, chỉ đạo và 5 chính sách do các Bộ, ngành Trung ương quản lý, chỉ đạo với tổng kinh phí được giao là khoảng 451 tỷ đồng.

z5688976428924_e64eef537572971ae86fef663ef52fa1.jpg
Tuyến đường vào khu vực sinh sống của đồng bào dân tộc Mông tại bản Pú Chả, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà được dải bê tông kiên cố.

Hiện nay, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban Dân tộc tỉnh tiếp tục làm nòng cốt, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai chương trình. Với 10 dự án và nhiều chính sách liên quan đến đồng bào DTTS đang được triển khai, tỉnh Điện Biên bước đầu đạt một số kết quả nhằm tích cực hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đồng bào DTTS, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Các chương trình, chính sách, đề án được triển khai hiệu quả, đúng đối tượng đã góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, tạo sự thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, vùng DTTS trong tỉnh: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; số hộ nghèo giảm trung bình từ 4-5%/năm; nhiều hộ đã có tích lũy và mở rộng phát triển sản xuất, phát triển kinh tế, du lịch dịch vụ. Các công trình cơ sở hạ tầng đầu tư đã phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất của đồng bào DTTS từng bước được cải thiện và nâng cao...

Theo ông Giàng A Dình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường giáo dục, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác dân tộc, nhằm triển khai đầy đủ, hiệu quả về các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc.

Ban sẽ phối hợp, tham mưu cho UBND tỉnh đảm bảo nguồn lực tài chính; đề xuất cơ chế huy động, lồng ghép các nguồn lực trên địa bàn tỉnh để thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ