Doanh nghiệp than khó tuyển dụng lao động đầu năm

GD&TĐ - Theo một số doanh nghiệp, thời điểm đầu năm khó tuyển lao động dù đã đăng tải thông tin tuyển dụng trên nhiều kênh khác nhau. 

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động. Ảnh: Phạm Hiền
Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động. Ảnh: Phạm Hiền

Theo một số doanh nghiệp, thời điểm đầu năm khó tuyển lao động dù đã đăng tải thông tin tuyển dụng trên nhiều kênh khác nhau. Chuyên gia nhận định, hiện vẫn đang có sự chênh lệch về cung và cầu, hay cung không gặp cầu và ngược lại.

Chấp nhận chi tiền để tuyển dụng nhanh hơn

Ông Lương Võ Phong, Trưởng phòng Hành chính nhân sự (HCNS) Công ty Nam Khang, cho biết, năm 2023 là giai đoạn khá khó khăn cho các ngành hàng. Các doanh nghiệp gần như cắt giảm, cố gắng chọn lọc nhân sự nhằm giữ ổn định. Tuy nhiên, trong năm 2023 này, công ty ông vẫn có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất nên cần tuyển dụng số lượng lớn lao động.

Ông Phong chia sẻ, hiện việc tuyển dụng lao động gặp khá nhiều khó khăn. Dù ứng viên nhiều nhưng để tìm được người phù hợp với tiêu chí cũng không dễ.

Ông Phạm Hoàng Long - Trưởng phòng HCNS, Công ty Long Hưng - chia sẻ, thường vào đầu năm biến động nhân sự tương đối lớn do nhu cầu dịch chuyển việc làm của người lao động. “Ra Tết công ty tôi có tới hơn 10% nhân sự nghỉ việc. Hiện tại dù mức thù lao khá cao nhưng vẫn khó tìm được người lao động”, ông Long cho biết.

Theo ông Long, vị trí giám sát ở công ty ông mức thấp nhất lương cơ bản là 13 triệu đồng, thêm vào đó là thưởng theo kết quả KPI từ 1,5 - 6 triệu đồng. “Cùng với đó công ty đã có nhiều cơ chế chính sách đảm bảo thu hút nguồn lao động cũng như giữ chân người lao động gắn bó lâu dài, tuy nhiên tìm được lao động phù hợp vẫn rất khó khăn”, ông Long cho biết.

Để có người làm việc trong những tháng đầu năm 2023, công ty ông Long cũng giống như nhiều doanh nghiệp khác là tìm đến các trung tâm dịch vụ việc làm và chấp nhận chi tiền để liên kết trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, các trang tuyển dụng việc làm… Tuy nhiên, việc làm đó vẫn chưa đáp ứng được thực tế thiếu hụt lao động của công ty.

“Đầu tháng 2, Công ty Long Hưng cũng đã tham gia tuyển dụng tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội. Tổng tuyển dụng là 16 người, tuy nhiên chỉ có 2 ứng viên ứng tuyển”, ông Long chia sẻ.

“Chưa tìm thấy nhau”

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, hiện thị trường lao động phục hồi tương đối tốt, song tình trạng thiếu lao động cục bộ đang diễn ra. Đặc biệt, dự báo sẽ thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao như lĩnh vực tài chính, công nghệ thông tin, logistics…

Theo ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thời gian qua đơn vị này có nhận được phản hồi của các doanh nghiệp về việc thiếu hụt lao động, khó tuyển dụng. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động sâu rộng đến thị trường lao động, đặc biệt khi dịch bùng phát mạnh tại các địa phương nên đã có một lực lượng lớn lao động dịch chuyển về quê. Chính vì vậy, khi nền kinh tế phục hồi, các thị trường dần sôi động trở lại khiến một số địa phương thiếu lao động cục bộ.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, đây cũng là thực tế bình thường, bởi lẽ trong giai đoạn phục hồi, người lao động trở về địa phương có thể đã tìm kiếm được việc làm. Riêng tại Hà Nội, theo quan sát của trung tâm, mặc dù cũng có sự thiếu hụt lao động, song điều này là quy luật của thị trường và rất khó đòi hỏi sự tiệm cận giữa cung và cầu.

Ông Thành nhận định, người lao động và nhà tuyển dụng vẫn đang tìm kiếm nhau, đó là lý do vì sao vẫn có sự chênh lệch giữa cung và cầu, hay cung không gặp cầu và ngược lại.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, với những tín hiệu phục hồi khả quan của nền kinh tế sẽ dẫn đến thị trường lao động tiếp tục khởi sắc. Qua tiếp nhận các đơn hàng từ phía doanh nghiệp với nhu cầu rất đa dạng ở tất cả các lĩnh vực, vị trí việc làm, đơn vị dự báo ngoài nhóm ngành sản xuất thì một số đơn vị tuyển dụng số lượng lớn sẽ tập trung ở nhóm thương mại dịch vụ, du lịch, công nghệ thông tin…

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động, sở dĩ thị trường lao động còn tình trạng mất cân đối, đối mặt với những khó khăn ở trên chính là do chúng ta chưa có hệ thống dữ liệu quốc gia về thị trường lao động. Nếu xây dựng được dữ liệu lao động với những thông số cơ bản như lao động đó làm ngành gì, bao nhiêu tuổi, kỹ năng thế nào, đặc điểm nhân khẩu... Về phía nhà tuyển dụng thì cần có số liệu về các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, tuyển dụng thế nào, ngành nào cần nhiều lao động... Theo bà Lan Hương, căn cứ vào đó thì các cơ quan quản lý có thể ban hành được các chính sách quản lý, điều phối hiệu quả.

Theo bà Lan Hương, vừa qua có hàng loạt các chính sách hỗ trợ như hỗ trợ lao động bị tác động bởi dịch Covid-19, tiền thuê nhà trọ, học nghề... thế nhưng vì thiếu cơ sở dữ liệu lao động nên chậm trễ. Có lúc không đúng đối tượng, không phù hợp với mong muốn của lao động, chưa kể việc hỗ trợ có nơi không hiệu quả.

Theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường lao động cũng đang được hoàn thiện và có kết nối chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia của Bộ Công an. Hi vọng, khi cơ sở dữ liệu này được vận hành, tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ này sẽ không còn nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tin đăng tuyển dụng tài xế tại Vieclam24h du học nhật Khám phá cv xin việc chất lượngCửa hàng Bếp từ tại Hà Nam định giá đất